Năm 2022 có 9.938 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Năm 2022, công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tiếp tục quan tâm thực hiện và đạt kết quả tích cực. Theo báo cáo của các địa phương, năm qua có 9.938 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 93,5%).

Sở Tư pháp Hà Nội luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về cơ sở.

Sở Tư pháp Hà Nội luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về cơ sở.

Bộ Tư pháp đã xây dựng Bộ tài liệu chuyên sâu giới thiệu Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Thông tư số 09/2021/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Xây dựng, pháp hành số tạp chí chuyên đề về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Tổ chức các Hội nghị tập huấn triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP về đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật..; bám sát các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Sở Tư pháp các địa phương đã chủ động tham mưu đưa nội dung, nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong các văn bản, kế hoạch công tác PBGDPL năm 2022. Qua báo cáo của địa phương về công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, có 9.938 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 93,5%); một số địa phương có 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật: Đà Nẵng, Hậu Giang, Hà Nam.

Tại Hà Nội, năm 2022 UBND TP đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông các chính sách pháp luật liên quan đến người dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính.

Tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn, kịp thời khắc phục những hạn chế, những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn triển khai thực hiện công nhận, đánh giá xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

TP chỉ đạo xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đặc biệt là các xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2021…

Chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã xây dựng và ban hành kế hoạch xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng công chức cấp xã theo dõi, đánh giá, chấm điểm đối với từng chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật gắn với trách nhiệm, nhiệm vụ của công chức và đề xuất các giải pháp thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật; thời hạn, tiến độ đánh giá, chấm điểm tiếp cận pháp luật; Giao công chức tư pháp - hộ tịch là đầu mối tham mưu, giúp UBND, Chủ tịch UBND cấp xã hướng dẫn thực hiện, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hoặc việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật không đúng quy định pháp luật. Bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Huyện Ba Vì là một trong những địa phương có 100% xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022. Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có vai trò ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và xã hội. Trong đó, việc bổ sung “xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” là tiêu chí thành phần của Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đã khẳng định rõ vị trí, vai trò quan trọng nhiệm vụ này nói riêng và pháp luật nói chung trong xây dựng nông thôn.

Nhận thức được cấp xã là cấp trực tiếp thực hiện, huyện Ba Vì đã tổ chức quán triệt phổ biến một cách kịp thời, sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức và Nhân dân về nhiệm vụ xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Việc tuyên truyền, phổ biến được thực hiện thông qua nhiều hình thức, nội dung phong phú. Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn, huyện Ba Vì đã phân công một chuyên viên phòng Tư pháp làm đầu mối. Đồng thời mỗi xã, thị trấn cử 1 công chức thực hiện công chức phụ trách.

Bên cạnh cán bộ đầu mối, huyện đã có sự phân công trách nhiệm cao cho các công chức khác vì nội dung các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Đồng thời phát huy tốt vai trò của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể tham gia thực hiện xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Cùng với đó, huyện Ba Vì cũng chú trọng đến công tác khảo sát, kiểm tra tình hình thực hiện, thành lập đoàn kiểm tra công tác xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và kiểm tra việc thực hiện tại các xã… Đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nam-2022-co-9938-don-vi-cap-xa-dat-chuan-tiep-can-phap-luat-330392.html