Năm 2022, giải quyết 2.908 trường hợp nuôi con nuôi trong nước

Năm 2022, trên toàn quốc đã giải quyết 2.908 trường hợp nuôi con nuôi trong nước (tăng 587 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021). Các cơ quan chức năng đã giải quyết 143 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

Theo Bộ Tư pháp, năm 2022, trên toàn quốc đã giải quyết 2.908 trường hợp nuôi con nuôi trong nước (tăng 587 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021). Công tác quản lý Nhà nước về nuôi con nuôi, công tác phối hợp liên ngành trong giải quyết việc nuôi con nuôi đã đổi mới phương thức hoạt động bằng cách lấy quyền trẻ em, trẻ em làm trung tâm trong triển khai thực hiện mọi nhiệm vụ.

 Gần 3.000 trường hợp nuôi con nuôi trong nước tìm được gia đình mới. (Ảnh: Minh họa)

Gần 3.000 trường hợp nuôi con nuôi trong nước tìm được gia đình mới. (Ảnh: Minh họa)

Thể chế trong lĩnh vực nuôi con nuôi tiếp tục được nghiên cứu, xây dựng nhằm hoàn thiện quy định pháp luật, cụ thể hóa các chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực trẻ em. Số lượng trẻ em được giải quyết làm con nuôi trong nước được tăng dần qua từng năm.

Cùng với đó, công tác con nuôi nước ngoài đã có dấu hiệu khởi sắc với số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được giải quyết làm con nuôi tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái với tỷ lệ tăng là 6,25%. Chất lượng thẩm định hồ sơ cũng tiếp tục được nâng lên, từ kết quả thẩm định hồ sơ trẻ em, hồ sơ cha mẹ tới việc lựa chọn gia đình thay thế thích hợp, phù hợp với nguyện vọng của trẻ em, bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ.

Năm 2022, số lượng trẻ em được giải quyết làm con nuôi nước ngoài đã có xu hướng tăng lên so với năm 2021, các cơ quan chức năng đã giải quyết 143 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài (tăng 08 trường hợp so với năm 2021).

Các cơ quan tư pháp địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong tuyên truyền, phổ biến Công ước La Hay năm 1993, Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành; các nhiệm vụ có liên quan đến công tác nuôi con nuôi được xác định tại Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021- 2030; Chương trình công tác xã hội giai đoạn 2021-2030... với nhiều hình thức đa dạng

Theo Bộ Tư pháp, thời gian tới cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Công ước La Hay năm 1993, Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành; xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn triển khai thực hiện công tác xã hội và dịch vụ hỗ trợ trong giải quyết việc nuôi con nuôi nhằm thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến công tác nuôi con nuôi được xác định tại Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021- 2030; Chương trình công tác xã hội giai đoạn 2021-2030; thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em theo tinh thần Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa XIV…

Gia Bảo

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nam-2022-giai-quyet-2908-truong-hop-nuoi-con-nuoi-trong-nuoc-post237654.html