Năm 2022, kinh tế Việt Nam liệu có 'hồi sinh'?
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng tác động của đợt dịch lần thứ 4 tới tốc độ tăng trưởng rất rõ ràng, và tăng trưởng quý III 'chắc chắn sẽ tương đối thấp'.
Kinh tế sẽ tăng trưởng âm trong quý III/2021, nhưng sẽ phục hồi trong quý IV
Các số liệu thống kê đã phản ánh đại dịch Covid-19 có tác động nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp và thấm sâu vào nền kinh tế, đặc biệt trong quý III/2021.
Trước những tác động của đại dịch, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho biết, ước dự báo tăng trưởng GDP quý III có thể âm khoảng 2%. Như vậy, nếu GDP quý III âm thì đây là lần đầu tiên từ năm 2000 đến nay, tăng trưởng trong một quý ghi nhận âm.
Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng âm trong quý III/2021, nhưng sẽ phục hồi trong quý IV.
Tuy nhiên, ông Lực đồng tình với dự báo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư gần đây là năm nay GDP nước ta tăng trưởng ở mức khoảng 3,5 – 4%.
“Nếu chúng ta muốn GDP cả năm tăng trưởng 3,5% thì quý IV sẽ phải tăng trưởng 3,9%. Còn nếu muốn đạt ngưỡng 4% thì quý IV sẽ phải tăng trưởng 5,2%", ông Lực nói.
Trong khi đó, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright cũng cho rằng tác động của đợt dịch lần thứ 4 tới tốc độ tăng trưởng rất rõ ràng, và tăng trưởng quý III "chắc chắn sẽ tương đối thấp".
Ông Tự Anh phân tích, với doanh số bán lẻ, nếu như mức giảm tháng 5 và 6 tương đối thấp thì tháng 7 mức giảm khoảng 20% và tháng 8 là 33%. Điều này cho thấy tình trạng kinh tế quý III và các quý tới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhìn vào hoạt động của các doanh nghiệp thì thấy một bức tranh tương tự. Tạm dừng hoạt động, giải thể, lao động không tìm được việc làm rất nghiêm trọng. Một điều "thú vị", theo ông Tự Anh, là đến thời điểm này, theo số liệu của Tổng cục thống kê, mức độ thất nghiệp vẫn rất thấp, chỉ khoảng 2,6%.
"Nếu chúng ta không mở cửa nền kinh tế cho phép giao thương và đi lại, nguy cơ nền kinh tế bị đứt gãy, sụp đổ là rất lớn", ông Tự Anh nói.
Dù vậy, bức tranh kinh tế trong quý cuối năm lại được đánh giá "bật tăng nhanh trở lại" do lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng lâu nay bị kìm nén sẽ tăng trưởng tốt khi nền kinh tế được mở cửa trở lại. Ông Cấn Văn Lực lưu ý, mức tăng trở lại của GDP quý IV phụ thuộc vào kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh tiêm vaccine, cũng như cho phép mở cửa nền kinh tế và việc chống dịch theo mô hình mới thực thi hiệu quả ra sao.
Kinh tế Việt Nam trong năm 2022 sẽ có kịch bản như thế nào?
Về kịch bản dài hạn, giới chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ phải chịu ảnh hưởng ít nhiều từ đại dịch COVID-19.
TS Cấn Văn Lực nhận định, năm 2022, nếu chúng ta kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin, khả năng phục hồi kinh tế sẽ rất nhanh. "Năm tới, GDP tăng trưởng khoảng 6,5 -7% là tương đối khả thi và lạm phát có thể tăng lên, ở mức trên 3%", ông Lực nhận định.
TS Cấn Văn Lực.
Trong khi đó, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong năm 2022, nếu vốn tín dụng được điều tiết tốt hơn vào các lĩnh vực sản xuất, tác động đối với GDP có thể sẽ tích cực hơn.
Bên cạnh đó, nếu gắn phục hồi sản xuất với thu hút và hợp tác hiệu quả với nhà đầu tư nước ngoài, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng cũng sẽ giảm đáng kể. Đồng thời, phục hồi sản xuất cũng là một điều kiện quan trọng để tận dụng cơ hội từ các FTA mới, đặc biệt là EVFTA/UKVFTA và CPTPP, và đón đầu cơ hội từ Hiệp định RCEP.
TS Trần Thị Hồng Minh cho rằng, quá trình phục hồi kinh tế vẫn cần một khoảng thời gian nữa. Và kế hoạch phục hồi kinh tế cần có khung thời gian nhất định cho tới năm 2023.
Việc xây dựng lộ trình hồi phục kinh tế tới năm 2023, không chỉ tháo gỡ khó khăn, tạo động lực trong ngắn hạn, mà còn phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho các cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ hơn trong 3-5 năm tới.
“Nếu tư duy chính sách có thể lồng ghép hiệu quả việc tìm kiếm những mô hình, không gian kinh tế mới, thay vì chỉ bó vào kích thích tài khóa – tiền tệ, kinh tế Việt Nam sẽ có thêm điều kiện để phục hồi, hướng tới phát triển bền vững, nâng cao năng lực nội tại, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh trong tương lai”, Viện trưởng CIEM nhận định.
Trên cơ sở đó, TS Trần Thị Hồng Minh kiến nghị, Chính phủ và các Bộ, ngành sớm xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch COVID-19.
“Nghiên cứu của chúng tôi công bố vào tháng 4/2021 đã kiến nghị ba giai đoạn trong chương trình phục hồi kinh tế, với cách tiếp cận khác nhau nhưng đều nhấn mạnh yêu cầu thực hiện hiệu quả các chính sách”, TS Minh cho biết.
Cụ thể, Giai đoạn 1 (đến quý I/2022): ưu tiên phòng chống dịch COVID-19, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô (kể cả thúc đẩy giải ngân đầu tư công) để hỗ trợ cho doanh nghiệp “trụ vững” qua thời kỳ khó khăn, và duy trì cải cách môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Giai đoạn 2 (đến hết 2023): sau khi kiểm soát dịch COVID-19, tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế, đồng thời tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp. Duy trì và đổi mới cải cách môi trường kinh doanh để tạo thêm không gian cho doanh nghiệp.
Giai đoạn 3 (sau 2023): Bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nam-2022-kinh-te-viet-nam-lieu-co-hoi-sinh-post158366.html