Năm 2022, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 8%?
Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm nay.
Với kết quả đã đạt được, có 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm nay được Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra: 7,5% và 8%. Phương án 2 được Tổng cục Thống kê đánh giá là có khả năng cao hơn. Trong khi đó, theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm nay.
WB: Dự báo GDP của Việt Nam đạt 7,2%
Trong Báo cáo điểm lại tháng 8-2022, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục sau hai năm tổn thương, nhưng phải đối mặt với những thách thức trong nước cũng như môi trường kinh tế toàn cầu bất lợi trong ngắn hạn và trung hạn.
WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,2% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023.
Cùng với việc gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại, du khách quốc tế dần quay trở lại, khu vực dịch vụ đang phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo sẽ chậm lại trong ngắn hạn khi nhu cầu trên toàn cầu yếu đi. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước mạnh hơn dự kiến sẽ bù đắp cho nhu cầu bên ngoài chững lại.
Cũng theo dự báo của WB, lạm phát bình quân dự báo 3,8% trong năm 2022, khi nhu cầu trong nước tiếp tục được củng cố.
“Trong trung hạn, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro lớn, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng”, WB nhận định.
Đó là, sự xuất hiện của các biến chủng Covid-19 cùng với hoạt động kinh tế gián đoạn vẫn là rủi ro chính. Áp lực lạm phát dai dẳng và triển vọng thắt chặt tiền tệ mạnh hơn, nhất là tại Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển, có thể dẫn đến biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu, làm suy giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hơn nữa, nhất là vào thời điểm các hoạt động kinh tế đang chững lại.
Cùng với đó, tình trạng giãn cách y tế ở Trung Quốc có thể gia tăng ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế này, gây ảnh hưởng đến các chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, căng thẳng và xung đột địa chính trị gia tăng càng làm tăng bất ổn trước mắt và có thể dẫn đến chuyển đổi cơ cấu dài hạn của nền kinh tế toàn cầu.
IMF dự báo tăng trưởng của Việt Nam là 7%
IMF nhận định triển vọng tăng trưởng lạc quan của Việt Nam, ngược với xu hướng tăng trưởng chậm lại ở những quốc gia châu Á khác.
Nửa đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng khi các hạn chế về đại dịch được nới lỏng và các chiến dịch tiêm chủng được triển khai rộng rãi. Các chính sách hỗ trợ như lãi suất thấp, tăng trưởng tín dụng mạnh và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã giúp gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động bán lẻ và du lịch.
Theo đó, IMF nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022. Việt Nam là quốc gia duy nhất được điều chỉnh tăng đáng kể trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.
Theo IMF, áp lực lạm phát của Việt Nam chủ yếu giới hạn ở một số hàng hóa như nhiên liệu và các dịch vụ liên quan như vận tải. Người tiêu dùng không bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng giá lương thực toàn cầu do nguồn cung trong nước dồi dào, giá thịt lợn giảm so với mức đỉnh của năm 2021. Hơn nữa, mức tăng giá đối với các dịch vụ, chẳng hạn như y tế và giáo dục, cũng rất thấp.
Mặt khác, IMF cho rằng, sự phục hồi chậm của nền kinh tế trong năm 2021 đã giúp kiềm chế lạm phát cơ bản, khiến chi phí lương thực và năng lượng biến động thấp hơn các nước trong khu vực.
ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,5%
Trong 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Tăng trưởng tăng 7,7% trong quý II năm 2022 và đạt trung bình 6,4% trong nửa đầu năm.
Đáng chú ý, tăng trưởng dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2022 phục hồi lên mức 6,6% từ mức 3,9% trong cùng kỳ năm 2021 nhờ lượng khách du lịch trong nước tăng mạnh lên 60,8 triệu.
Theo ADB, sự phục hồi của nền kinh tế đã thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ tài chính và ngân hàng, tăng từ mức 9,1% lên 9,5% và cao hơn nhiều so với trước đại dịch. Môi trường kinh doanh được cải thiện và hoạt động kinh tế phục hồi đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh khởi nghiệp, khoảng 101.300 doanh nghiệp đã đăng ký trong 8 tháng đầu năm, tăng 24,2% về số doanh nghiệp và tăng 16,2% về tổng số lao động so với cùng kỳ năm 2021.
Đồng thời, tự cung tự cấp lương thực, chuỗi cung ứng trong nước phục hồi và việc kiểm soát hiệu quả giá cả hàng hóa và dịch vụ chính (ví dụ như xăng dầu, điện, chăm sóc sức khỏe và giáo dục) đã kiềm chế lạm phát ở mức trung bình 2,6% trong 8 tháng đầu năm 2022.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã duy trì thành công chính sách tiền tệ phù hợp, linh hoạt nhằm tạo điều kiện cho nguồn tài chính chi phí thấp, giúp hỗ trợ phục hồi kinh tế trong khi chuỗi cung ứng trong nước được phục hồi và việc kiểm soát giá cả hiệu quả đã giúp kiềm chế lạm phát.
Sự phục hồi kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm 2022, được hỗ trợ bởi các nền tảng kinh tế mạnh mẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng nội địa từ tháng 7 đến tháng 12.
ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,5% cho năm 2022 (so với dự báo trong tháng 4-2022).
Moody: GDP của Việt Nam năm 2022 đạt 8,5%
Trong báo cáo tháng 8-2022, Moody đánh giá rất tích cực đối với dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022, theo đó tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt 8,5% - cao nhất so với các nền kinh tế trong khu vực. Ngày 6-9-2022, Moody nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nam-2022-kinh-te-viet-nam-se-tang-truong-8-706807