Năm 2022, tập trung 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo ATGT
Đánh giá cao chủ đề Năm ATGT 2022, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh 8 nhóm nhiệm vụ trong tâm phải thực hiện để đảm bảo ATGT, kéo giảm TNGT.
Phê bình 4 địa phương để TNGT tăng
Tại Hội nghị Tổng kết công tác đảm bảo TTATGT năm 2021 diễn ra sáng nay (6/1), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh – Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia biểu dương các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đã vào cuộc mạnh mẽ với hiệu quả tích cực. Đây là một trong những động lực quan trọng để công tác đảm bảo TTATGT trong năm qua đạt nhiều kết quả tốt.
Đánh giá về thực trạng TTATGT trong năm qua, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, dù TNGT được kéo giảm rất sâu nhưng trên thực tế, con số tuyệt đối về số vụ TNGT vẫn còn cao, ước tính mỗi ngày có hơn 30 vụ TNGT, chủ yếu trên đường bộ.
Cùng với đó, năm qua là lần đầu tiên kéo giảm số người chết do TNGT xuống dưới 6.000 người, nhưng đây vẫn là con số lớn (dù đã được kéo giảm khoảng một nửa trong 10 năm qua); Thương vong do TNGT vẫn là con số rất lớn nên nỗ lực kéo giảm TNGT phải được tiếp tục đẩy mạnh, phát huy hiệu quả đột phá hơn nữa.
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong năm qua có 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có 7 địa phương giảm trên 30% số người chết là: An Giang, Sơn La, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Bến Tre, Tây Ninh, Vĩnh Long. Đặc biệt: An Giang và Sơn La giảm trên 40% số người chết do TNGT.
Tuy nhiên, vẫn còn 4 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2020 là Kon Tum, Quảng Trị, Kiên Giang, Thái Bình. Trong đó, 2 tỉnh tăng số người chết trên 10% trở lên là Kiên Giang và Thái Bình.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nghiêm khắc phê bình các địa phương để tăng TNGT, cũng như lãnh đạo một số địa phương chưa thực sự quan tâm nghiêm túc, đúng mực đối với công tác đảm bảo TTATGT.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ rõ, trong số những tồn tại, hạn chế hiện hữu trong công tác đảm bảo TTATGT có những nguyên nhân chủ quan do cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chưa quan tâm đúng mực, thiếu quyết liệt, thiếu thống nhất trong chỉ đạo đảm bảo TTATGT; Việc phối hợp giữa nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 với bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn chưa hiệu quả.
“Trong đợt giãn cách xã hội tháng 6, tháng 7, tháng 8 một số địa phương đưa ra các quy định và thủ tục kiểm soát dịch không phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế dẫn đến hiện tượng ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông tại một số chốt kiểm dịch”, Phó Thủ tướng nêu.
Khó khăn bậc nhất là tiếp tục kéo giảm từ 5 - 10% TNGT cả 3 tiêu chí
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định, năm 2022 sẽ là một năm rất khó khăn đối với công tác đảm bảo TTATGT khi các hoạt động đời sống xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.
Khó khăn bậc nhất trong năm nay là phải tiếp tục kéo giảm từ 5 - 10% TNGT cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Đây sẽ là nhiệm vụ hết sức nặng nề, bởi khi trở lại trạng thái bình thường mới chắc chắn mật độ phương tiện, nhu cầu đi lại sẽ tăng lên rất cao.
“Áp lực giao thông đường bộ năm nay sẽ tăng lên rất nhiều so với 2021, nhất là vận tải hành khách, hàng hóa, kéo theo các diễn biến phức tạp về ATGT, TNGT. Tiếp tục kéo giảm TNGT từ 5 - 10% sẽ là nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải đặc biệt quan tâm, chú trọng và quyết liệt hơn nữa để hoàn thành cho được mục tiêu. Đặc biệt tại các thành phố lớn, các giải pháp đảm bảo TTATGT phải được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Công điện số 1725 ngày 13/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm TTATGT trong dịp Tết và Lễ hội Xuân 2022.
Đồng thời, phải công bố và duy trì trực ban 24/24h đường dây nóng của các đơn vị chức năng tiếp nhận và xử lý thông tin về TTATGT; Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm; trấn áp những kẻ cố tình chống người thi hành công vụ; Không vì Tết mà nể nang, xuê xoa, đồng thời phải bảo đảm tuyệt đối an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, cũng như người tham gia giao thông.
“Việc dừng xe, kiểm tra, xử phạt để ngăn không cho tai nạn xảy ra, không để thương vong xảy ra chính là món quà Tết có ý nghĩa nhất đối với mọi người dân”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Đánh giá cao Chủ đề Năm ATGT 2022 là “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với tinh thần “vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh 8 nhóm nhiệm vụ trong tâm phải thực hiện trong năm 2022.
“Tôi yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương mình, cũng như các nhiệm vụ cụ thể đã được giao trong Kế hoạch Năm ATGT 2022 của Ủy ban ATGT Quốc gia để xây dựng Kế hoạch triển khai, thực hiện”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.
Trong 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, thứ nhất, phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư khóa XI; Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT tỉnh, thành phố đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Thứ hai, phải xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT nhằm áp dụng kịp thời các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư vào thực tiễn. Trong đó, trọng tâm là nghiên cứu xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật bảo đảm TTATGT đường bộ trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua.
Thứ ba, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa; bảo vệ an toàn tĩnh không đường tiếp cận và khu bay các cảng hàng không.
Thứ tư, nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện GTVT; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện thân thiện với môi trường.
Thứ năm, tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh.
Thứ sáu, kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số.
Thứ bảy, nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT và phòng chống dịch bệnh trong GTVT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu về bảo đảm TTATGT.
Thứ tám, nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả TNGT; tập huấn kỹ năng sơ cứu TNGT cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong năm 2021 (tính từ ngày 15/12/2020 đến 14/12/2021), toàn quốc xảy ra 11.495 vụ TNGT, làm chết 5.799 người, bị thương 8.018 người. So với năm 2020, giảm 3.496 vụ (-23,32%), giảm 1.068 người chết (-15,55%), giảm 3.143 người bị thương (-28,16%).
Trong đó, TNGT chủ yếu trên đường bộ với 11.364 vụ, làm chết 5.699 người, bị thương 8.001 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 3.447 vụ (-23,27%), giảm 1.040 người chết (-15,43%), giảm 3.126 người bị thương (-28,09%).