Năm 2022, Tiền Giang tiếp tục khắc phục tác động của dịch Covid-19 và nhanh chóng phục hồi kinh tế

(ABO) Sáng 15-12, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022.

Với quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh nên tình hình KT-XH tỉnh Tiền Giang đã có những điểm sáng trong phát triển, như: Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tập trung quyết liệt, ứng phó kịp thời, hiệu quả theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”, với quyết tâm vừa chống dịch, vừa giữ vững, thúc đẩy phát triển KT-XH; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, tiến độ thi công, giải ngân các dự án đầu tư công, thu hút đầu tư, xuất khẩu, thu ngân sách… đạt nhiều kết quả tích cực.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại hội nghị.

Tuy nhiên, việc phát triển KT-XH của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn như về khả năng cạnh tranh, vấn đề tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tái cấu trúc ngành Công nghiệp; tình hình an ninh, trật tự có lúc, có nơi phát sinh các vụ việc phức tạp; đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường, tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và mọi mặt đời sống xã hội, an sinh xã hội... Với quyết tâm cao, không điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng, các chỉ tiêu kế hoạch đề ra đều phấn đấu ở mức cao nhất, hoàn thành đạt và vượt 10/19 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng phát biểu tại hội nghị.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, dẫn đến nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn; hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị đình trệ, giảm sút, nhiều trường hợp phải thu hẹp quy mô hoặc tạm ngừng hoạt động, từ đó ảnh hưởng lớn đến công tác thu ngân sách nhà nước.

Mặt khác, nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh theo Nghị định 52 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Tính đến ngày 9-12-2021, trên địa bàn tỉnh phát sinh số tiền thuế được gia hạn là 204,2 tỷ đồng (thuế giá trị gia tăng 181,6 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp 17,8 tỷ đồng, tiền thuê đất 4,8 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh 81 triệu đồng) của 820 người nộp thuế (817 doanh nghiệp, tổ chức và 3 hộ gia đình, cá nhân).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mười phát biểu chỉ đạo các sở, ngành trong khối phụ trách, nhất là công tác giải quyết việc làm, giải quyết chính sách cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công tác an sinh xã hội; tổ chức hoạt động vui xuân, đón tết theo từng phương án cụ thể, không tổ chức bắn pháo hoa và đường hoa…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mười phát biểu chỉ đạo các sở, ngành trong khối phụ trách, nhất là công tác giải quyết việc làm, giải quyết chính sách cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công tác an sinh xã hội; tổ chức hoạt động vui xuân, đón tết theo từng phương án cụ thể, không tổ chức bắn pháo hoa và đường hoa…

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh, ước cả năm 2021 thực hiện 8.630 tỷ đồng, đạt 81,3% so dự toán, bằng 77,6% so thực hiện năm 2020; trong đó, thu nội địa đạt 8.210 tỷ đồng, đạt 79,4% dự toán, bằng 75,4% so cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả năm 2021 ước thực hiện 38.665 tỷ đồng, đạt 97,5% kế hoạch, tăng 5,2% so cùng kỳ. Riêng về đầu tư công, UBND tỉnh đã phân bổ, đưa vào triển khai thực hiện đầu tư cho 277 công trình (gồm 126 công trình chuyển tiếp và 151 công trình khởi công mới).

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Nguyên phát biểu tại hội nghị.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Nguyên phát biểu tại hội nghị.

Tại Kỳ họp lần thứ 4 - HĐND tỉnh Tiền Giang khóa X vừa qua đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh năm 2022 với mục tiêu tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp khắc phục tác động của dịch Covid-19 và nhanh chóng phục hồi kinh tế. Trong đó, các chỉ tiêu về KT-XH và môi trường trọng tâm; đồng thời, đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước nhằm mục tiêu cùng cả nước tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững…

Cũng tại kỳ họp lần thứ 4 - HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công tỉnh Tiền Giang năm 2022. Tổng nguồn vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2022 của tỉnh là 3.940,696 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương là hơn 2.870 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương hơn 1.070 tỷ đồng.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh nhận định, năm 2022 được xem là rất quan trọng, các ngành, các cấp cần quyết tâm cao để tạo đà cho những năm tiếp theo hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021 - 2025).

Tuy nhiên, năm 2022 dự báo gặp nhiều khó khăn, do đó trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, các ngành, địa phương cần lưu ý đến tình hình dịch Covid-19, hạn mặn, thiên tai. Do vậy, ngay từ bây giờ, các ngành, các cấp quyết tâm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện đạt “mục tiêu kép”. Các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, các ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư; tập trung thực hiện các công trình trọng điểm…

Đồng chí nhấn mạnh, hiện nay, hơn 96% doanh nghiệp đã trở lại hoạt động, nhưng để phục hồi thì cần phải có lộ trình. Các ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trở lại…

Các sở, ngành căn cứ chỉ tiêu của tỉnh nhanh chóng cụ thể hóa kế hoạch của ngành, để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao. Đồng thời, các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 để trình HĐND cùng cấp, sớm triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2022…

VĂN THẢO

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202112/nam-2022-tien-giang-tiep-tuc-khac-phuc-tac-dong-cua-dich-covid-19-va-nhanh-chong-phuc-hoi-kinh-te-940543/