Năm 2022, TP.HCM tập trung nâng sức cạnh tranh của chợ truyền thống

Sở Công Thương TP.HCM đang triển khai phát triển hệ thống chợ truyền thống với hai mục tiêu: Thích ứng với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và chuyển đổi số của nền kinh tế.

Tại buổi cung cấp thông tin định kỳ quý I-2022 trên địa bàn TP.HCM mới đây, Sở Công Thương TP.HCM cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 73.514 tỉ đồng, tăng 5,1% so với tháng trước.

Đáng chú ý, hai lĩnh vực trước đây bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 là bán lẻ và du lịch lữ hành nay đã tăng khá trở lại, bán lẻ hàng hóa tăng 7,1%, du lịch lữ hành tăng 8%.

Từ ngày 1-10-2021, TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội cùng các biện pháp khôi phục các hoạt động kinh tế, đến nay tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành công thương đã khởi sắc.

Ngay từ đầu năm 2022, công ty cổ phần thủy hải sản Sài Gòn đã nhận được đơn hàng của quý I. Ảnh: T.TRANG

Ngay từ đầu năm 2022, công ty cổ phần thủy hải sản Sài Gòn đã nhận được đơn hàng của quý I. Ảnh: T.TRANG

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, tỉ lệ công nhân quay lại làm việc tại các khu công nghiệp đạt trên 96%, có doanh nghiệp đạt 100%.

Liên quan đến hoạt động thương mại, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết kênh phân phối hiện đại gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi cơ bản hoạt động bình thường. Riêng kênh phân phối truyền thống còn 20 chợ tạm ngưng hoạt động, trong đó đa số các chợ đã ngừng từ trước dịch.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, phần lớn các chợ này được đầu tư xây dựng trước năm 1975, khá cũ kĩ, không đáp ứng các tiêu chí quy định mới hiện nay về quản lý chợ và đang cần nâng cấp sữa chữa; một số chợ nằm trong quy hoạch phải di dời,...

Người dân mua sắm tại chợ An Lạc quận Bình Tân. Ảnh: TÚ UYÊN

Người dân mua sắm tại chợ An Lạc quận Bình Tân. Ảnh: TÚ UYÊN

Sở Công Thương đánh giá thời gian qua, nhất là trong dịch bệnh, kênh chợ truyền thống bộc lộ nhiều hạn chế. Do đó, mục tiêu tới đây cần tập trung nâng chất lượng, tăng năng lực cạnh tranh cho các hệ thống này.

Sở Công Thương tham mưu lãnh đạo TP và được chấp thuận cho phép xây dựng nghiên cứu đề án phát triển hệ thống chợ của TP. Đề án đáp ứng hai mục tiêu là thích ứng với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 cũng như chuyển đổi số của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM chia sẻ, hiện giai đoạn 1, nhóm nghiên cứu đã cơ bản hoàn tất nội dung nghiên cứu thích ứng với bối cảnh dịch bệnh để giúp cho các chợ hoạt động.

"Tới đây chúng tôi tiếp tục nghiên cứu nội dung chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiến tới xóa bỏ dần các chợ tự phát,..." - ông Phương nói.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/nam-2022-tphcm-tap-trung-nang-suc-canh-tranh-cua-cho-truyen-thong-1043123.html