Năm 2023 có khả năng là bước ngoặt với cuộc xung đột Nga - Ukraine

'Tròn 1 năm là thời điểm tốt để các bên nhận ra rằng, các mục tiêu chiến lược đều không thể đạt được nếu tiếp tục cuộc chiến và rằng, ngoại giao là con đường duy nhất để có thể kết thúc cuộc xung đột này', Giáo sư Brahma Chellaney nhận định.

Ngày 24/2 đánh dấu tròn 1 năm Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine - sự kiện đã tác động mọi mặt đến toàn cầu, từ chính trị - an ninh cho đến an ninh năng lượng - lương thực...

“Tròn 1 năm là thời điểm tốt để các bên nhận ra rằng, các mục tiêu chiến lược đều không thể đạt được nếu tiếp tục cuộc xung đột và rằng, ngoại giao là con đường duy nhất để có thể kết thúc cuộc xung đột này”, Giáo sư Brahma Chellaney - nhà nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, New Delhi, Ấn Độ nhận định trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV thường trú tại Ấn Độ.

Giáo sư Brahma Chellaney. Ảnh: Tehran Times

Giáo sư Brahma Chellaney. Ảnh: Tehran Times

Phần còn lại của thế giới bị xung đột Nga- Ukraine biến thành con tin

PV: Như vậy là tròn 1 năm nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine. Cuộc chiến đã khiến thế giới thay đổi theo cách mà chúng ta chưa từng trông đợi. Quan sát của ông về cuộc xung đột tới thời điểm này là gì?

Giáo sư Brahma Chellaney: Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, trong đó Ukraine được Mỹ và nhiều nước phương Tây hậu thuẫn đang biến phần còn lại của thế giới thành con tin. Và phần còn lại của thế giới dường như bất lực trong nỗ lực thoát ra khỏi tình huống trở thành con tin. Cuộc xung đột này đang gây ra những tác động toàn cầu, phần lớn bởi những lệnh cấm vận mà phương Tây áp đặt lên nước Nga. Chúng đã đóng góp vào việc gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực.

Chúng ta nhìn thấy ví dụ rõ ràng qua sự sụp đổ của nền kinh tế Sri Lanka. Kinh tế Sri Lanka đã ở vào tình trạng tồi tệ trước khi Nga đưa quân đội vào Ukraine. Nhưng cuộc xung đột này cùng việc áp đặt các lệnh cấm vận chưa từng có của phương Tây nhằm vào Nga đã tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực. Kết quả là đóng góp vào sự tan chảy của nền kinh tế Sri Lanka. Sri Lanka là một ví dụ trong rất nhiều ví dụ khác từ các nền kinh tế đang phát triển đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán bắt nguồn từ khủng hoảng năng lượng và lương thực.

PV: Trong 1 năm qua, chúng ta chứng kiến cục diện chiến sự giằng co giữa Nga và Ukraine, hai bên đều có nhiều tổn nhất. Theo ông, trong tương lai gần, cuộc xung đột sẽ diễn biến như thế nào?

Giáo sư Brahma Chellaney: Có hai điều chúng ta nên nhớ về cuộc xung đột này. Phương Tây, đặc biệt là Mỹ đã và đang cung cấp cho Ukraine rất nhiều loại vũ khí chiến lược tầm xa. Đây là chiến lược của Tổng thống Mỹ Joe Biden, khiến Nga bị tổn thương và kéo dài cuộc xung đột. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nhà phân tích của Mỹ bắt đầu cho rằng cuộc xung đột càng dài thì càng có hại chứ không có lợi cho lợi ích của Mỹ.

Đó là bởi việc cung cấp một số lượng lớn vũ khí cho Ukraine đang làm suy kiệt kho vũ khí của chính nước Mỹ. Có một thực tế là các hệ thống vũ khí mà phương Tây viện trợ cho Ukraine không giúp làm thay đổi cục diện trên chiến trường. Thực tế là quân đội Nga vẫn đang kiểm soát 1/5 diện tích lãnh thổ của Ukraine. Quân đội Nga hiện đang tập trung vào việc củng cố phần lãnh thổ của Ukraine mà họ đã kiểm soát từ trước. Điều này có nghĩa thời gian có thể đang đứng về phía Nga.

Hiện tại, Nga không tổ chức tấn công mà đang củng cố phòng ngự tại các khu vực mà họ kiểm soát. Và việc phòng ngự về mặt quân sự dễ dàng hơn việc tấn công. Đặt trong bối cảnh như vậy, năm 2023 này là thời điểm quyết định. Quyết định ở việc phát động mới giao tranh. Tôi cho rằng năm nay cũng sẽ chứng kiến các cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên tham gia xung đột.

Thứ hai, nếu nhìn ở góc độ đây là cuộc chiến tranh ủy nhiệm của phương Tây với Nga thì cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine không thể nào diễn ra nếu như phương Tây không hậu thuẫn Ukraine bước vào hòa đàm. Khi Tổng thống Mỹ Biden tới thăm Ukraine cách đây vài ngày, ông ấy cố gắng cho thế giới thấy rằng nước Mỹ vẫn đang kiên trì hỗ trợ Ukraine.

Trong bất cứ trường hợp nào, tất cả các bên hiện nay phải chấp nhận chỉ còn một lựa chọn sau 1 năm. Đó là ngồi vào bàn đàm phán và kết thúc cuộc xung đột đang tàn phá Ukraine, cô lập nước Nga và khiến cho châu Âu phải trả phần lớn phí tổn. Sau cùng, gánh nặng chính của các hệ quả địa chính trị và kinh tế từ cuộc xung đột do Ukraine gánh chịu.

Ngồi vào bàn đàm phán để kết thúc xung đột là lợi ích của tất cả các bên bởi cuộc xung đột này hiển nhiên đã không đạt được mục tiêu ban đầu, cả về phía Nga và phương Tây. Chẳng hạn, các cường quốc phương Tây muốn chứng kiến nền kinh tế Nga sụp đổ nhưng hiện tại, rõ ràng Nga có thể chống đỡ được với các lệnh cấm vận và nền kinh tế Nga sẽ không sụp đổ.

Đối với Nga, hiện nước này vẫn kiểm soát 1/5 lãnh thổ Ukraine. Dù vậy, Nga biết rằng sẽ rất khó để các lực lượng của nước này mở rộng vùng kiểm soát. Với thực tế như vậy, việc chấm dứt xung đột là lợi ích của tất cả các bên và năm nay có khả năng sẽ là bước ngoặt.

Thỏa thuận hòa bình giữ thể diện cho tất cả các bên

PV: Dù Ukraine và Nga luôn nói về việc tìm ra một lối thoát thông qua đàm phán và kênh ngoại giao nhưng thực tế, họ chưa đạt được bất cứ kết quả nào tới thời điểm này. Ông nghĩ thế nào về khả năng đạt được một thỏa thuận nào đó qua đàm phán trong vài tháng tới?

Giáo sư Brahma Chellaney: Lý do tôi nghĩ sẽ có thỏa thuận trong năm nay là vì đã xuất hiện rạn nứt trong khối đoàn kết của phương Tây. Tại Hội nghị An ninh Munich vừa diễn ra tháng này, các nhà lãnh đạo phương Tây đã cố thể hiện sự đoàn kết. Tuy nhiên, đằng sau cái gọi là đoàn kết đó, đang có những dấu hiệu nứt vỡ. Một số đồng minh thân cận nhất của nước Mỹ đang tăng cường tìm kiếm con đường cho đàm phán để kết thúc giao tranh, trong khi mà Mỹ và Anh đang theo đuổi chiến lược kéo dài cuộc xung đột để làm tổn thương nước Nga.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rõ tại Hội nghị An ninh Munich rằng ngoại giao là con đường duy nhất để có thể kết thúc cuộc xung đột này. Cuối cùng, lợi ích của châu Âu nằm ở việc có giúp kết thúc cuộc xung đột hay không. Đây là cuộc chiến tranh của châu Âu. Chính châu Âu đang gánh chịu phần lớn hậu quả từ cuộc xung đột này.

Thực tế, hiệu ứng boomerang bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga của phương Tây là ví dụ. Chúng đang làm trầm trọng hơn vấn đề giá cả sinh hoạt tại châu Âu, thậm chí là cả Bắc Mỹ. Trong khi đó, sự mệt mỏi với Ukraine của phương Tây đã bắt đầu ập đến. Tại Mỹ, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã công khai phát biểu rằng Mỹ phải chấm dứt điều mà ông gọi là ‘trao tờ séc trắng cho Ukraine trong các nỗ lực chiến tranh’. Vì vậy, ông Joe Biden đã có một chuyến thăm ngắn, phần lớn mang tính biểu tượng tới Kiev.

Chuyến thăm nhằm cho thấy sự hậu thuẫn với Ukraine nhưng phần lớn mang ý nghĩa là một bài tập về quan hệ công chúng. Tôi nghĩ một năm sau khi cuộc xung đột bắt đầu là thời điểm tốt để họ nhận ra rằng các mục tiêu chiến lược đều không thể đạt được với việc tiếp tục cuộc xung đột. Lợi ích của chính họ hiện giờ là kết thúc cuộc xung đột mà không bên nào chịu cảnh mất thể diện. Có giữ được thể diện hay không giờ mới là vấn đề chính bởi các cường quốc phương Tây không muốn bị bẽ bàng. Nga cũng không muốn bị mất mặt. Thậm chí Tổng thống Ukraine Zelensky, người được phương Tây xây dựng hình ảnh như là một vị anh hùng, cũng không hề muốn bị mất uy tín.

Nhưng thực tế là bất cứ thỏa thuận hòa bình nào sẽ phải có việc Ukraine chính thức đầu hàng và từ bỏ phần lãnh thổ mà Nga hiện đang kiểm soát bởi Moscow sẽ không bao giờ chịu rút đi và bỏ lại các vùng lãnh thổ này. Vì thế, Ukraine có thể sẽ không cứu vãn được danh dự nhưng các cường quốc phương Tây và Nga sẽ vẫn khăng khăng đòi một thỏa thuận giúp họ giữ được thể diện. Các cuộc đàm phán sẽ phải tập trung vào việc hai bên, gồm các nước NATO và Nga có thể cùng giữ thể diện như thế nào. Từ đó họ có thể kết thúc xung đột./.

PV: Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn./.

Phan Tùng, Dũng Hoàng/VOV-New Delhi

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nam-2023-co-kha-nang-la-buoc-ngoat-voi-cuoc-xung-dot-nga-ukraine-post1003728.vov