Năm 2023 định hướng chính trường thế giới?

Năm 2023 được cho là một năm quan trọng đối với chính trường quốc tế, khi mà các cuộc bầu cử lớn sẽ diễn ra tại các 'cường quốc tầm trung' trên khắp thế giới. Kết quả của các cuộc bầu cử cấp cao này vẫn chưa ngã ngũ, tuy nhiên, điều chúng ta có thể nói chắc chắn là chúng sẽ không chỉ định hình chính trị trong nước và quan hệ quốc tế mà còn cả bối cảnh kinh tế và tài chính toàn cầu trong thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 và có khả năng xa hơn nữa.

Năm 2022 đã chứng kiến việc các nhà lãnh đạo cực hữu giành chiến thắng trong nhiều cuộc bầu cử trên khắp thế giới. Tại Thụy Điển, đảng Dân chủ Thụy Điển đã trở thành một phần quan trọng của liên minh cầm quyền. Tại Italy, bà Giorgia Meloni trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước này sau khi lãnh đạo một đảng dân tộc chủ nghĩa.

Cuộc bầu cử tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể báo trước sự kết thúc của “kỷ nguyên Erdogan”.

Cuộc bầu cử tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể báo trước sự kết thúc của “kỷ nguyên Erdogan”.

Tại Hungary, thủ tướng theo chủ nghĩa dân tộc Viktor Orbán đã thắng cử nhiệm kỳ thứ tư. Tại Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu, được sự hỗ trợ của các đồng minh cực hữu, đã trở lại nắm quyền. Và ở Ấn Độ, đảng BJP cánh hữu đã chiến thắng trong các cuộc bầu cử cấp bang, bao gồm cả ở Uttar Pradesh (bang đông dân nhất của đất nước). Các cuộc bầu cử địa phương ở Ấn Độ phần lớn được coi là một cuộc trưng cầu ý dân giữa nhiệm kỳ đối với Thủ tướng Narendra Modi.

Tuy nhiên, phe cực hữu không có sự thể hiện tốt ở tất cả mọi nơi. Tại Brazil, cựu Tổng thống Jair Bolsonaro đã không thể tiếp tục nắm quyền sau thất bại trước đảng cánh tả của ông Lula da Silva.

Trong khi đó, nước láng giềng Colombia đã bầu chọn ông Gustavo Petro - tổng thống cánh tả đầu tiên. Và, trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ, đảng Dân chủ đã chiếm đa số tại Thượng viện và mất ít ghế hơn so với dự kiến. Năm 2023 sẽ là một năm diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng khác đối với chính trường thế giới.

Cuộc bầu cử tại Nigeria – nền dân chủ lớn nhất châu Phi – sẽ được theo dõi chặt chẽ.

Cuộc bầu cử tại Nigeria – nền dân chủ lớn nhất châu Phi – sẽ được theo dõi chặt chẽ.

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các cuộc bầu cử quốc gia quan trọng sẽ diễn ra ở Bangladesh, Thái Lan, Pakistan, Myanmar và Campuchia. Tại Pakistan, cựu Thủ tướng Imran Khan đã bắt tay vào một nỗ lực đầy rủi ro nhằm buộc chính phủ tổ chức cuộc tổng tuyển cử tiếp theo sớm hơn dự kiến, vào khoảng đầu tháng 10/2023. Động thái của ông có nguy cơ đẩy Pakistan, quốc gia có dân số khoảng 230 triệu người và vốn đang vật lộn với khủng hoảng tài chính, thậm chí còn lún sâu hơn vào bất ổn chính trị.

Trong khi đó, cuộc bầu cử năm nay ở Myanmar sẽ là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi cuộc đảo chính hồi tháng 2/2021 đã lật đổ các nhà lãnh đạo dân cử của đảng cầm quyền, Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ, bao gồm cả Tổng thống Win Myint. Kể từ đó, quân đội đã cai trị đất nước trong tình trạng khẩn cấp do quyền Tổng thống Myint Swe áp đặt trong tối đa 2 năm. Thời gian cho cuộc bầu cử vẫn chưa được ấn định.

Tại Thái Lan, cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào tháng 5/2023. Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha sẽ tìm kiếm một nhiệm kỳ khác với tư cách lãnh đạo đảng Ruam Thai Sang Chart (đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất) mới được thành lập. Ông lên nắm quyền với tư cách là người đứng đầu quân đội trong một cuộc đảo chính năm 2014 và củng cố vị trí của mình bằng chiến thắng trong cuộc bầu cử gây tranh cãi vào năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ tín nhiệm của ông đã sụt giảm mạnh mẽ.

Một lý do khác khiến phần lớn thế giới chú ý đến châu Á[1]Thái Bình Dương trong năm nay vì Ấn Độ sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20. Sự kiện này - được tổ chức trước cuộc tổng tuyển cử của Ấn Độ vào năm 2024 - có thể giúp nâng cao uy tín ngày càng tăng của Thủ tướng Narendra Modi tại đất nước hơn 1 tỷ dân với tư cách là một nhà lãnh đạo tầm cỡ quốc tế.

Người dân Thái Lan sẽ đi bỏ phiếu vào tháng 5/2023.

Người dân Thái Lan sẽ đi bỏ phiếu vào tháng 5/2023.

Các động thái chính trị quan trọng trong năm nay sẽ không chỉ giới hạn ở châu Á-Thái Bình Dương. Một cuộc bầu cử đặc biệt đáng chú ý sẽ diễn ra vào tháng 6/2023 tại Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có gần 85 triệu dân và có thể báo trước sự kết thúc của “kỷ nguyên Erdogan” kéo dài 2 thập kỷ.

Các sự kiện quan trọng khác vào năm 2023 bao gồm cuộc tổng tuyển cử ở Nigeria vào tháng 2/2023 và các cuộc bỏ phiếu ở Tây Ban Nha (tháng 12/2023) và Ba Lan (dự kiến vào mùa thu trong năm).

Tại Nigeria, quốc gia có dân số gần 220 triệu người được mệnh danh là “Người khổng lồ của châu Phi”, Tổng thống đương nhiệm Muhammadu Buhari sẽ không thể tái tranh cử do bị giới hạn nhiệm kỳ theo hiến pháp. Nigeria là nền dân chủ và nền kinh tế lớn nhất và đông dân nhất châu Phi, vì vậy cuộc bầu cử của họ cũng sẽ được các quốc gia khác trên lục địa theo dõi chặt chẽ, đặc biệt là những quốc gia coi đây là hình mẫu cho tiến trình dân chủ.

Tại Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ tư ở Liên minh châu Âu (EU) và là một quốc gia quan trọng của G20 với dân số khoảng 50 triệu người, Thủ tướng Pedro Sanchez theo chủ nghĩa xã hội đang tìm kiếm một nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, ông phải đối mặt với một thách thức lớn từ đảng Nhân dân đang muốn trở lại nắm quyền.

Trong khi đó, cuộc bầu cử ở Ba Lan, quốc gia có gần 40 triệu dân, phần lớn sẽ được định hình bởi cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, một khía cạnh đáng chú ý khác của cuộc bầu cử là nỗ lực trở lại quốc hội của cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, người trước đây từng đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Ba Lan.

Tại châu Mỹ, cuộc bầu cử nổi bật sẽ là bầu cử tổng thống và thành viên cơ quan lập pháp quốc gia ở Argentina vào tháng 10. Tổng thống Alberto Fernandez đủ điều kiện cho nhiệm kỳ thứ hai, nhưng tỷ lệ tín nhiệm của ông đã giảm sút và liên minh cầm quyền của ông đã chịu thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử lập pháp giữa nhiệm kỳ.

Bích Vân (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/nam-2023-dinh-huong-chinh-truong-the-gioi--i681100/