Năm 2023: Đổi mới cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp mở rộng thị trường
Theo Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN-PTNT), năm 2023, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục triển khai giải pháp thúc đẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, đổi mới cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến mở rộng thị trường.
Phát biểu khai mạc diễn đàn “Doanh nghiệp vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân năm 2022”, chiều 28/12, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT Việt Nam cho biết, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khu vực nông thôn đã có những chuyển biến tích cực, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được nâng lên.
Hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp đã thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế và an ninh lương thực.
Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu trên thế giới với trị giá hơn 48 tỷ USD năm 2021.
Năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã chính thức thiết lập kỷ lục mới. Sau 11 tháng năm 2022, toàn ngành xuất siêu 7,82 tỷ USD, tăng 47,8% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, dự báo năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ đạt trên 53 tỷ USD.
“Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII vừa qua đã ban hành 3 Nghị quyết liên quan đến nông nghiệp. Cũng trong năm 2022, nhiều chủ trương, chính sách lớn về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã được Nhà nước ban hành đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang nhiều nước với giá trị cao. Nông nghiệp tiếp tục giữ vững vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế”, ông Hùng nói.
Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, năm 2022, Bộ NN-PTNT đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt, Bộ đã xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong nông nghiệp...
Trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP đã phát sinh một số nội dung bất cập. Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định này. Dự thảo Nghị định đã hoàn thành, lấy ý kiến các thành viên Chính phủ và trình Chính phủ trong tháng 12/2022.
Bộ NN-PTNT cũng đã ban hành Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp với mục đích tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước là để thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân phát triển nông nghiệp trên cơ sở tiềm năng sẵn có của doanh nghiệp Nhà nước.
Năm 2023, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục triển khai giải pháp đổi mới cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến mở rộng thị trường. Đó là phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, dự báo thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm.
Xây dựng đề án phát triển Trung tâm cung ứng nông sản Việt Nam định hướng đến năm 2030. Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan trực thuộc đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác thị trường nội địa, từng bước khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh trở lại bình thường.
Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và công ty nông, lâm nghiệp nhằm tạo cơ hội thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào phát triển nông nghiệp, nông thôn.