Năm 2023, Hà Nội đảm bảo tổ chức an toàn cho khoảng 2.200 sự kiện
Năm 2023, Hà Nội đã phối hợp, tổ chức khoảng 2.200 sự kiện. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện lớn cấp quốc gia, mang tầm quốc tế. Vì vậy, TP đã chủ động tiếp cận, hướng tới tổ chức, triển khai các sự kiện bài bản, chuyên nghiệp.
Chủ động kiểm soát và tổ chức sự kiện
Từ đầu năm 2023 đến nay, TP Hà Nội đã tổ chức 2.200 hoạt động sự kiên văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Để có được kết quả đó, thời gian qua, căn cứ nhiệm vụ cụ thể, UBND TP tổ chức các cuộc họp chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị thuộc TP để đôn đốc, triển khai các nhiệm vụ đảm bảo tiến độ, chất lượng; xây dựng các phương án, đảm bảo không bị động trong mọi tình huống, kịp thời xử lý những vẫn đề phát sinh…
Đơn cử, lực lượng công an TP đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã bố trí phương án đảm bảo an ninh, an toàn tại các địa điểm diễn ra sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng; lễ hội, sự kiện văn hóa, nghệ thuật và thể thao tiêu biểu tổ chức trên địa bàn TP theo Kế hoạch…
Theo Thượng tá Nguyễn Tiến Thắng - Trưởng phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an TP Hà Nội: “Quá trình triển khai các công tác phục vụ các sự kiện văn hóa trên địa bàn đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng phối hợp, giải quyết các sự kiện biểu diễn văn hóa, văn nghệ; công tác nắm tình hình được thực hiện thường xuyên, kịp thời”.
Điển hình, lực lượng công an đã phối hợp với Sở GTVT đã xây dựng các phương án phân luồng giao thông từ xa, phân luồng giao thông cục bộ, điều tiết hoạt động xe đưa đón để phục vụ các sự kiện (nơi tổ chức sự kiện, nơi lưu trú của Đại biểu, khách mời, nơi diễn ra các hoạt động bên lề của sự kiện) trước, trong và sau thời gian diễn ra sự kiện.
Mặt khác, theo Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Duy Phong: Sở GTVT Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, giải tỏa các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị - vệ sinh môi trường, đặc biệt là tại các khu vực tổ chức sự kiện, các tuyến đường liên quan. Ban hành văn bản chỉ đạo các Chủ đầu tư đang triển khai các dự án trên địa bàn TP tạm dừng thi công, thu hẹp rào chắn công trình, quét dọn vệ sinh để đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trong quá trình diễn ra các sự kiện.
Bên cạnh công tác đảm bảo ANTT, các sở, ngành TP đã phối hợp xác định quy mô sự kiện, qua đó chủ động đảm bảo công tác triển khai, tổ chức sự kiện. Đơn cử như với SEA Games 31, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Bình cho biết: “Chúng tôi được chỉ đạo trước 1 năm 6 tháng để chỉnh trang cở sở vật chất; phối hợp với khu liên hợp thể thao quốc gia để tổ chức các sự kiện lớn; phối hợp với cơ quan công an để đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, PCCC”.
Nâng tầm thương hiệu
Với Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và việc hướng tới trở thành “Thành phố của sự kiện” thì thời gian tới các hoạt động sẽ diễn ra thường xuyên với quy mô khu vực và quốc tế.
Được biết, TP và các sở, ngành đang triển khai kế hoạch, xác định sớm những chương trình, sự kiện sẽ tổ chức trong năm. Từ đó xác định rõ thời gian, quy mô các sự kiện lớn trên địa bàn TP trong năm 2023 để có sự chủ động.
Xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ và quy chế phối hợp giữa các sở, ngành để đảm bảo việc kiểm soát các nội dung trước khi chấp thuận tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao có quy mô lớn.
Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, trang bị kiến thức, phương tiện cho các lượng tham gia tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao trên địa bàn TP đảm bảo tính chuyên nghiệp; đảm bảo ngân sách bố trí hỗ trợ các lượng lượng, phương tiện tham gia tổ chức các hoạt động, sự kiện; chủ động xây dựng phương án ứng phó trong quá trình triển khai tổ chức, nghiên cứu thay đổi, ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ đa phương tiện.