Năm 2023: Thanh Hóa phát triển thêm 16.603 đoàn viên công đoàn
Thời gian qua, bằng nhiều biện pháp, cách thức triển khai sáng tạo, linh hoạt, công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS) của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận.
Đạt và vượt chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao
Cụ thể, năm 2022, toàn tỉnh đã phát triển tăng thêm được 32.800 đoàn viên (đạt 109% chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao); thành lập mới được 157 CĐCS (trong đó có 122 CĐCS có trên 25 lao động, đạt 203% chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao).
Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn do sự biến động của các doanh nghiệp và lực lượng lao động toàn tỉnh (số doanh nghiệp giải thể, tình trạng lao động nghỉ việc, chuyển việc có xu hướng tăng), song LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa vẫn hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao.
Toàn tỉnh đã phát triển tăng thêm được 16.603 đoàn viên (đạt 103% chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao); thành lập mới được 150 CĐCS (trong đó có 90 CĐCS có trên 25 lao động, đạt 429% chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao). Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa 3.739 CĐCS, với 342.149 đoàn viên.
Ông Võ Mạnh Sơn – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa cho rằng, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa sống còn đối với tổ chức Công đoàn, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng khi Việt Nam chính thức tham gia nhiều FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA)…
Đặc biệt, Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 đã công nhận sự ra đời và hoạt động hợp pháp của tổ chức người lao động tại doanh nghiệp ngoài tổ chức Công đoàn, trên cơ sở phù hợp với các quy định quốc tế về lao động và tuân thủ các hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam đã tham gia.
Đó là những khó khăn, thách thức lớn đối với tổ chức Công đoàn, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; đòi hỏi tổ chức Công đoàn cần có sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, trong đó vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ CĐCS đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, có nhiều đổi mới, tạo sự chuyển biến rõ nét.
Cụ thể, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chủ động khảo sát, nắm bắt tình hình số lượng công nhân lao động trong các doanh nghiệp để xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và chỉ đạo các cấp Công đoàn toàn tỉnh tập trung thực hiện. Hằng năm, LĐLĐ tỉnh giao chỉ phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS cho từng đơn vị, xem đây là chỉ tiêu quan trọng xét thi đua khen thưởng của các cấp Công đoàn.
Cùng với đó, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp Công đoàn tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, các ban ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể chính trị trong công tác tuyền truyền, vận động người lao động, người sử dụng lao động tham gia thành lập tổ chức Công đoàn.
Chỉ đạo các cấp Công đoàn nâng cao hiệu quả công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo của cấp mình, phân công trách nhiệm các thành viên trong Ban chỉ đạo theo dõi, đôn đốc và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch đề ra.
Xây dựng và ký kết quy chế phối hợp giữa LĐLĐ tỉnh với Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa. Trong đó có nội dung phối hợp tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; thường xuyên tổ chức hội nghị giao ban với các doanh nghiệp FDI nhằm kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng của đoàn viên, người lao động, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong các doanh nghiệp. Hằng quý, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, trao đổi và đưa ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, chỉ đạo tập trung đổi mới công tác tuyên truyền, vận động người lao động tự nguyện tham gia tổ chức Công đoàn; vận động, thuyết phục người sử dụng lao động ủng hộ, tạo điều kiện để phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; lấy địa bàn khu công nghiệp và những nơi có nhiều doanh nghiệp làm trọng điểm chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Đồng thời, nghiên cứu, biên soạn tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục, trình tự phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và phù hợp với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp và người lao động.
Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động cho đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, đặc biệt là đội ngũ làm công tác phát triển đoàn viên; xây dựng mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên làm công tác phát triển đoàn viên ở cơ sở.
Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ nguồn kinh phí hằng năm cho việc tuyên truyền, vận động thành lập CĐCS; tiếp tục nghiên cứu các hình thức khen thưởng phù hợp để kịp thời động viên các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS.