Năm 2024: Công tác bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy điện của Petrovietnam chủ yếu vượt kế hoạch

Để đảm bảo vận hành các nhà máy điện an toàn, ổn định, hiệu quả trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức Hội thảo 'Công tác vận hành và bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy điện của Tập đoàn' ngày 25/9.

Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phan Tử Giang: Cần thẳng thắn nhìn nhận tồn tại chủ quan ảnh hưởng tới quá trình vận hành các nhà máy điện của Tập đoàn (Ảnh: Trần Trung)

Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phan Tử Giang: Cần thẳng thắn nhìn nhận tồn tại chủ quan ảnh hưởng tới quá trình vận hành các nhà máy điện của Tập đoàn (Ảnh: Trần Trung)

Định hướng tại Hội thảo, ông Phan Tử Giang, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam cho biết, các nhà máy điện của Tập đoàn hiện chiếm 8% công suất lắp đặt toàn bộ hệ thống điện trên toàn quốc. Đối mặt với tình trạng các nhà máy điện hoạt động dưới công suất lắp điện, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, ông Giang cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận tồn tại chủ quan có ảnh hưởng tới quá trình vận hành.

“Do vậy, buổi hội thảo hôm nay không chỉ trao đổi kinh nghiệm mà còn là dịp thảo luận tìm ra giải pháp để vận hành các nhà máy điện ngày càng hiệu quả hơn. Hội thảo sẽ được tổ chức thường niên góp phần xây dựng ngành điện quốc gia”, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam phát biểu.

Petrovietnam hoàn thành 72,8% kế hoạch sản lượng điện năm

Các đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, giá bán lẻ điện chưa phản ánh đầy đủ chi phí sản xuất điện khiến các nhà máy điện gặp khó khăn. Để các nhà máy điện yên tâm đầu tư, sản xuất, cần có tổng sản lượng hợp đồng năm (Qc) lâu dài, ổn định. Và trong bối cảnh khó khăn chung đó, các nhà máy điện của Petrovietnam cần tìm ra phương án tối ưu chi phí và hiệu quả sản xuất.

Theo số liệu thống kê hiện nay, Việt Nam hiện có khoảng 400 nhà máy thuộc quyền điều khiển của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, tuy nhiên chỉ có 112 nhà máy trực tiếp tham gia thị trường điện,

Hội thảo là dịp trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật của đông đảo cán bộ, người lao động trong lĩnh vực điện lực dầu khí (Ảnh: Trần Trung)

Hội thảo là dịp trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật của đông đảo cán bộ, người lao động trong lĩnh vực điện lực dầu khí (Ảnh: Trần Trung)

Trong 3-4 năm gần đây, các nguồn điện năng lượng tái tạo có sự xâm nhập vào hệ thống điện Việt Nam. Đặc điểm của điện từ nguồn năng lượng tái tạo là không ổn định, ảnh hưởng lớn đến quá trình vận hành hệ thống điện.

Rút kinh nghiệm của sự cố thiếu điện năm 2023, trong giai đoạn đầu năm 2024, tình hình cung cấp điện cả nước được đảm bảo, an toàn, ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu công suất. Về lưới điện, dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) được khánh thành, có ý nghĩa quan trọng để tăng cường năng lực truyền tải điện.

Về Petrovietnam, sản lượng hợp đồng các nhà máy điện của Tập đoàn theo Qc năm 2024 là 13,47 tỷ kWh (PV Power là 8,86 tỷ kWh; PVPGB là 4,61 tỷ kWh). Tuy nhiên, lũy kế sản lượng điện tính đến ngày 20/9/2024, toàn Tập đoàn đã đạt 20,26 tỷ kWh, vượt Qc năm 2024, hoàn thành 72,8% kế hoạch năm. Các nhà máy điện của Petrovietnam luôn có độ khả dụng cao, đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất phát triển kinh tế và phục vụ sinh hoạt của nhân dân.

Trong bối cảnh đó, công tác bảo dưỡng, sửa chữa của các nhà máy điện thuộc Petrovietnam năm 2024 được thực hiện chủ động, kỹ lưỡng: 7/11 tổ máy vượt kế hoạch từ 1-7 ngày; 1 tổ máy thực hiện đúng tiến độ; 1 tổ máy đẩy sớm lịch sửa chữa và chỉ có 1 tổ máy chậm tiến độ do kéo dài thời gian căn tâm, chỉnh trục tổ máy, nhưng không ảnh hưởng đến sản lượng điện. Nhờ đó, tình hình vận hành năm 2024 tại các nhà máy điện của Petrovietnam tương đối ổn định, an toàn.

Đối với các nhà máy nhiệt điện than, Nhà máy Thái Bình 2 chính thức tham gia thị trường điện từ ngày 1/8/2024. Với lợi thế chi phí nhiên liệu nằm trong top các nhà máy rẻ nhất miền Bắc, Thái Bình 2 sẽ có nhiều cơ hội phát điện trên thị trường.

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Nhà máy Sông Hậu 1 hiện nằm trong top các nhà máy nhiệt điện than có giá biến đổi rẻ nhất miền Nam nên luôn được ưu tiên huy động để đáp ứng nhu cầu hệ thống.

Nhà máy Vũng Áng 1 vận hành theo cấu hình tối thiểu của hệ thống điện, Nhà máy được ưu tiên huy động 1 tổ. Tuy nhiên, do nằm ở điểm nghẽn truyền tải Trung - Bắc, Nhà máy thường xuyên bị giảm công suất khi năng lượng tái tạo phát cao.

Đối với các nhà máy tuabin khí, Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 2 là các nhà máy tuabin khí có mức giá rẻ ở khu vực miền Nam. Trong giai đoạn nắng nóng, các nhà máy luôn được huy động ở mức công suất cao để đáp ứng nhu cầu phụ tải của hệ thống điện.

Đối với các nhà máy thủy điện, đặc thù có mức giá biến đổi thấp hơn nhiều các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) nên thứ tự huy động cao hơn. Tuy nhiên, việc vận hành của các nhà máy phụ thuộc nhiều vào yếu tố thủy văn.

Nhà máy Hủa Na bị ảnh hưởng lớn do việc tích nước các thủy điện thượng nguồn bên Lào. Lưu lượng nước về giảm hơn so với các năm trước đó nên thường xuyên bị hạn chế huy động do vi phạm mực nước giới hạn. Nhà máy Đakđrinh nằm ở khu vực miền Trung có thủy văn về tốt nên sản lượng của Nhà máy luôn đạt mức cao.

Các nhà máy LNG, khí tự nhiên trong nước (nếu được phê duyệt các cơ chế khuyến khích về giá và sản lượng) sẽ cạnh tranh trực tiếp thị phần với các nhà máy điện hiện tại.

Dự báo trong thời gian tới, thông tin tại Hội thảo cho biết, hệ thống điện - thị trường điện xuất hiện thêm nhiều thách thức khó khăn: Sự xâm nhập cao của các nguồn năng lượng tái tạo, thay đổi về cam kết Qc, nguồn nhiên liệu suy giảm,...

Do đó, các đại biểu đề nghị các đơn vị sản xuất điện trong Tập đoàn chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, thiết bị, nguồn nhiên liệu, đảm bảo khả dụng, độ sẵn sàng của các tổ máy phát công suất khi hệ thống có nhu cầu.

Đường dây mạch 3 đã đi vào vận hành dẫn đến truyền tải công suất liên miền tăng, do đó, các đơn vị cần nâng cao hiệu quả vận hành, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng cơ hội phát điện trên thị trường.

Các đơn vị cũng cần theo dõi sát sao diễn biến của thị trường, xây dựng những công cụ phân tích, đánh giá chuyên sâu để đưa ra chiến lược hiệu quả nhất; nghiên cứu, tìm hiểu các quy định mới nhất của thị trường (cơ chế bao tiêu, DPPA, sàn giao dịch hợp đồng,...) để có những bước chuẩn bị, tránh bị động.

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Trần Trung)

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Trần Trung)

Kiến nghị lập kế hoạch bảo dưỡng dài hạn 3 năm

Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị sản xuất điện của Petrovietnam đã có những đóng góp ý kiến, thảo luận để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo công tác bảo dưỡng, sửa chữa được thực hiện tốt, vận hành ổn định, an toàn các nhà máy.

Ông Hồ Công Kỳ, Giám đốc Chi nhánh Phát điện Dầu khí (PVPGB) cho biết, đơn vị này ước đạt trên 9,4 tỷ kWh trong 9 tháng đầu năm với 4 tổ máy vận hành ổn định, an toàn.

Để đạt được mục tiêu đó, PVPGB đã triển khai đồng bộ các công tác xây dựng quản lý nội bộ, quản trị nhân lực, quản lý tốt các yếu tố sản xuất. Trong đó, công tác vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy điện thường xuyên, định kỳ được PVPGB chú trọng từ ngày tiếp nhận, đảm bảo máy móc thiết bị khả dụng, hiệu suất tốt.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Kỳ cho rằng kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa cần chuẩn bị sớm, đối với tiểu tu trước 6 tháng và đại tu trước 12 tháng. Trong kế hoạch, PVPGB sẽ xác định phần nào tự thực hiện và phần nào thuê ngoài nhằm chủ động nguồn lực.

Cùng với đó, công tác chuẩn bị về mặt nhân sự cần được thực hiện song hành. Kết quả được nhìn thấy ở quá trình bảo dưỡng NMNĐ Sông Hậu 1 và Thái Bình 2 là tiết kiệm chi phí, chất lượng đảm bảo, tiến độ rút ngắn từ 1-2 ngày.

Tuy nhiên, ông Hồ Công Kỳ cũng đề cập tới những tồn tại trong công tác cung ứng nhiên liệu than, đặc biệt là than nhập khẩu cho NMNĐ Sông Hậu 1. Vào mùa cao điểm (cuối tháng 4, đầu tháng 5), tiến độ giao hàng chậm do quá trình phối hợp, điều độ giữa các bên chưa tốt.

Ông Hồ Công Kỳ, Giám đốc PVPGB chia sẻ về kinh nghiệm bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy điện của đơn vị (Ảnh: Trần Trung)

Ông Hồ Công Kỳ, Giám đốc PVPGB chia sẻ về kinh nghiệm bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy điện của đơn vị (Ảnh: Trần Trung)

Cùng nói về kinh nghiệm sử dụng nhiên liệu than, đại diện Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) chia sẻ về kinh nghiệm của NMNĐ Vũng Áng 1.

Trong đó, Petrovietnam đang thực hiện nhiệm vụ chính trị được Chính phủ giao phó là tiêu thụ 10% trong 20 triệu tấn than Việt Nam hỗ trợ Lào. Tại Petrovietnam, chỉ có các NMNĐ Vũng Áng 1 và Thái Bình 2 có thể đốt được loại than này, tuy nhiên việc thay đổi nhiên liệu gây nên nhiều thử thách cho Nhà máy. Do đó, NMNĐ Vũng Áng 1 đã lên kế hoạch đánh giá suất hao nhiệt, tìm ra giải giải pháp kỹ thuật để quản lý hiệu năng, tiết kiệm chi phí đầu vào sản xuất.

Vừa kết thúc đợt bảo dưỡng, theo đại diện NMNĐ Thái Bình 2 cũng chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn trong việc tìm nhà thầu tiềm năng và giải pháp xử lý các tồn tại, bất thường về kỹ thuật (bộ gia nhiệt, các thiết bị điều khiển, UPS,...) nhằm nâng cao độ tin cậy trong công tác vận hành. Để công tác bảo trì, sửa chữa đạt hiệu quả cao, đại biểu cho rằng, Tập đoàn lập kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng dài hạn 3 năm cho các nhà máy, để có thể mua được vật tư tối ưu với chi phí hợp lý.

Sau khi nghe tham luận, ý kiến đóng góp từ các đơn vị, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phan Tử Giang đánh giá Hội thảo đã đạt được kết quả tích cực, có sự tương tác cao giữa các đơn vị.

“Hội thảo đã có nhiều giải pháp kỹ thuật nhưng còn thiếu các giải pháp quản lý. Chương trình hội thảo năm sau cần có thêm ý kiến của các nhà thầu, đối tác để xây dựng công tác sửa chữa, bảo dưỡng phù hợp với xu thế vận hành của thị trường”, Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phan Tử Giang định hướng.

PT - TT

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/nam-2024-cong-tac-bao-duong-sua-chua-cac-nha-may-dien-cua-petrovietnam-chu-yeu-vuot-ke-hoach-718149.html