Năm 2024, Cục Thuế Ninh Bình thu ngân sách vượt 19,7% dự toán
Nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thuế, lũy kế năm 2024, Cục Thuế Ninh Bình thu ngân sách nhà nước ước đạt 16.950 tỷ đồng, bằng 119,7% so với dự toán pháp lệnh, bằng 112,9% so với dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 21,2% so với năm 2023 thực hiện.
9/9 đơn vị thu đạt và vượt tiến độ dự toán
Cục Thuế Ninh Bình vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2025.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế Ninh Bình Hà Văn Hiếu cho biết, năm 2024, Cục Thuế Ninh Bình được Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách là trên 14.163 tỷ đồng; trong đó thu nội địa không kể tiền sử dụng đất là trên 11.313 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất là 2.850 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Cục Thuế Ninh Bình, trên cơ sở dự toán được giao, cục thuế bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự quyết liệt, tích cực, tập trung của cơ quan thuế các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các sở ngành, UBND các huyện, thành phố trong triển khai nhiệm vụ công tác thuế. Đơn vị đã thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thu ngân sách; kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, kịp thời triển khai hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Song song với đó, Cục Thuế Ninh Bình đã chủ động xây dựng, giao chỉ tiêu phấn đấu cho các đơn vị thực hiện. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, tổng thu ngân sách do Cục Thuế Ninh Bình quản lý trong năm 2024 ước đạt 16.950 tỷ đồng, bằng 119,7% so với dự toán pháp lệnh, bằng 112,9% so với dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 21,2% so với năm 2023 thực hiện.
Năm 2024, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 13/15 khoản thu đạt và vượt dự toán thu thuế, phí, có 12/15 khoản thu, sắc thuế tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023, có 9/9 đơn vị đạt và vượt tiến độ dự toán.
Trong đó, thu nội địa không kể tiền sử dụng đất là 13.100 tỷ đồng, bằng 115,8% so với dự toán pháp lệnh, tăng 6,6% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất là 3.850 tỷ đồng, bằng 135,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 104,1% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 126,1% so với cùng kỳ.
Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách, trong năm 2024, Cục Thuế Ninh Bình đã kiểm tra 524 đơn vị, bằng 118% so với kế hoạch được giao. Số thuế truy thu, phạt sau kiểm tra là 38,33 tỷ đồng; thanh tra 26 doanh nghiệp, đạt 100 % so với kế hoạch được giao.
Tổng số tiền thuế nợ toàn tỉnh Ninh Bình ước tính đến 31/12/2024 là 648 tỷ đồng, giảm 52 tỷ đồng, tương ứng giảm 7,4% so với tổng số nợ ngày 31/12/2023.
Ứng dụng toàn diện AI vào quản lý thuế
Dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, năm 2024, tuy bối cảnh thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế trong nước đã có sự phục hồi tích cực và đạt được mức tăng trưởng khá cao.
Trong xu thế phục hồi ấy, với sự nỗ lực và chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành Thuế kết quả công tác thuế đã đạt được những kết quả nổi bật và nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo Bộ Tài chính.
Điển hình như thu ngân sách do ngành thuế quản lý lần đầu tiên cán mốc 1,7 triệu tỷ, vượt 16,5% dự toán, tăng 13,7% so với thực hiện; toàn bộ 20/20 khoản thu, sắc thuế và 60/63 địa phương hoàn thành vượt dự toán; 63/63 địa phương hoàn thành vượt dự toán thuế, phí.
Cùng đó, toàn ngành Thuế đã chuyển đổi số mạnh mẽ trong quản lý thuế như: Ứng dụng phục vụ người nộp thuế: 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; tỷ lệ doanh nghiệp kê khai, nộp thuế điện tử trên 99,5%, hoàn thuế điện tử trên 96%; trên 2,3 triệu tài khoản sử dụng ứng dụng eTax Mobile; Trợ lý ảo AI hỗ trợ người nộp thuế được triển khai cuối tháng 11/2024 đã có gần 30.000 lượt hỏi đáp; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (Big Data) trong quản lý hóa đơn, hoàn thuế, thanh tra kiểm tra, quản lý nợ.
Đặc biệt ngày 19/12/2024 vừa qua, ngành Thuế đã chính thức ra mắt Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế thương mại điện tử.
Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho rằng, trong thành tích chung của ngành Thuế nói trên có đóng góp của Cục Thuế Ninh Bình. Những thành tích nổi bật trong năm 2024 đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ công chức, người lao động của Cục Thuế Ninh Bình.
Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cũng chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới đối với Cục Thuế Ninh Bình như: Công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh đã được đẩy mạnh, song mức doanh thu khoán được đánh giá vẫn chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; số thu ngân sách nhà nước từ khu vực hộ kinh doanh đạt thấp so với thế mạnh kinh tế nổi bật của tỉnh là du lịch; hạn chế trong công tác quản lý mỏ khoảng sản, đất đá, cát sỏi,…
Năm 2025, Cục Thuế Ninh Bình được Bộ Tài chính, HĐND tỉnh giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 16.556 tỷ đồng; trong đó thu nội địa không kể tiền sử dụng đất là 12.056 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất là 4.500 tỷ đồng.
Năm 2025, dự báo bối cảnh địa chính trị toàn cầu còn biến động phức tạp; kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro; ngành Thuế phải đối mặt với thách thức do xuất hiện những phương thức, thủ đoạn trốn thuế, gian lận thuế mới phức tạp hơn, tinh vi hơn và việc thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ đem đến những thay đổi rất lớn trong công tác quản lý thuế.
Do vậy, Cục Thuế Ninh Bình cần tiếp tục nỗ lực, chủ động, bám sát tình hình để triển khai tốt công tác thuế năm 2025, hướng tới 4 mục tiêu: Hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2025; sắp xếp tổ chức bộ máy theo đúng Nghị quyết 18-NQ/TW, đảm bảo tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) toàn diện trong công tác quản lý thuế và phục vụ NNT; tạo sự chuyển biến căn bản về tinh thần, thái độ phục vụ người nộp thuế.
Phó Tổng cục trưởng đặc biệt lưu ý, Cục Thuế Ninh Bình cần hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho bộ máy mới vận hành trơn tru, thông suốt ngay sau khi sắp xếp, không để khoảng trống ảnh hưởng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp. Kịp thời nắm bắt các vướng mắc của người nộp thuế để giải đáp, tháo gỡ./.