Xu hướng chi tiêu tiết kiệm dịp Tết 2025
Người tiêu dùng đang có xu hướng mua sắm tiết kiệm hơn bằng cách chủ động mua sắm Tết sớm, đồng thời tìm kiếm khuyến mãi thời điểm gần Tết.
Mua sắm tiết kiệm, thiết thực
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2025, không khí mua sắm cho dịp Tết đã hiện rõ trong các siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội. Các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, đồ khô, đồ uống giải khát… với bao bì, màu sắc rực rỡ đã được bày bán trên khắp các quầy kệ.
Số liệu từ Kantar Worldpanel Việt Nam cho thấy, 3 năm qua, giá trị đóng góp của 2 tháng Tết vào kết quả cả năm trong ngành tiêu dùng nhanh (FMCG) đã giảm dần, từ 21% xuống 19% ở thành thị và 24% xuống 21% ở nông thôn.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội năm nay đã đạt được nhiều thành tích đáng mừng, một số người tiêu dùng cảm thấy Tết Nguyên đán 2025 sẽ tích cực hơn. Song dự kiến sức mua sẽ không tăng trưởng quá mạnh, chỉ khoảng 12%. Lý do đến từ sau đại dịch Covid-19, người dân đã hình thành thói quen tích góp tiết kiệm hơn, tránh chi tiêu quá mức.
"Gia đình tôi năm nay cũng đã thoải mái chi tiêu hơn, nhưng tôi cũng xác định chỉ tiêu những thứ cần thiết và mua thêm vài món trang trí nhà cửa, đồ ăn vặt dịp Tết", chị Ngọc Tuyết, 43 tuổi (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết.
Bên cạnh đó, chính vì ưu điểm về giá cả cạnh tranh cũng như thuận tiện, xu hướng tiêu mua sắm hàng hóa Tết trên các sàn thương mại điện tử sẽ tăng mạnh vào năm nay.
Thông tin từ Báo cáo về hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết của Metric, trong dịp Tết 2025, các nhóm hàng, ngành hàng có tiềm năng tăng trưởng mạnh trên các sàn thương mại điện tử là thực phẩm đồ uống, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, rau củ, bánh kẹo, đồ uống không cồn. Ngoài ra, các sản phẩm làm đẹp, thời trang và bộ quà tặng Tết được dự báo cũng sẽ tăng trưởng.
“Người tiêu dùng cũng có xu hướng mua sắm tiết kiệm hơn bằng cách chủ động mua sắm Tết sớm, tìm kiếm khuyến mãi gần Tết. Chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống tốt cho sức khỏe cũng sẽ được ưu tiên”, báo cáo của Metric nêu.
Sức mua hàng hóa nhích lên từng ngày
Chia sẻ với Đời sống và Pháp luật, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, năm nay, Hà Nội đã chuẩn bị khoảng 300.000 tấn gạo, 39.000 tấn thịt lợn hơi, 19.000 tấn thịt gia cầm, 35 tấn rau củ và các mặt hàng khác với khối lượng lớn. Đồng thời huy động hơn 100 siêu thị, 30 trung tâm thương mại và 400 điểm, chợ bán hàng khác.
Còn bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail cho hay, theo thông tin báo cáo nhanh từ các giám đốc ngành hàng, cũng như giám đốc vùng của GO!, sức mua những ngày qua đã và đang nhích dần lên từng ngày. Tăng trưởng đạt trên 2 con số, tăng mạnh nhất là các siêu thị ở vùng miền Bắc.
Trong đó, sức mua tăng, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) chuyên phục vụ nhu cầu cuối năm như: bia rượu, nước ngọt, thịt nguội, trái cây, hamper, đồ trang trí Noel… Ngoài ra, các chương trình giảm giá, khuyến mãi hấp dẫn được tung ra vào dịp cuối năm, sẽ góp phần kích thích nhu cầu mua sắm.
"Nhằm giúp người tiêu dùng mua sắm thuật lợi, không lo về giá, Central Retail Việt Nam đã làm việc chặt chẽ với tất cả các nhà cung cấp để dự trữ hàng từ đầu tháng 10/2024, để cung cấp dịch vụ tốt nhất cho tất cả khách hàng của mình", bà Vân chia sẻ.
Ngăn chặn kịp thời hàng hóa kém chất lượng
Theo ông Vũ Vinh Phú, các địa phương cần tích cực, chủ đồng chuẩn bị nguồn hàng hóa trước, trong và sau Tết. Đặc biệt là quản lý chặt chẽ chất lượng hàng hóa, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng.
“Cần chặn ngay hàng hóa kém chất lượng, hàng nhái từ biên giới. Chờ cho hàng hóa rởm đến tay hàng vạn tiểu thương thì không thể nào quản lý được”, ông Phú nói.
Đồng thời tổ chức bán hàng rộng rãi, đa dạng các hình thức, địa điểm bán hàng để phục vụ nhu cầu của người dân. Yêu cầu các doanh nghiệp, tiểu thương kinh doanh với thái độ văn minh, không lợi dụng dịp Tết để tăng giá bất hợp lý.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá cả, chất lượng nguồn gốc hàng hóa. Nhất là trong các chợ truyền thống và điểm bán lẻ, nơi chiếm đến 80% nguồn cung hàng tươi sống cho người tiêu dùng.
“Phía đơn vị quản lý của Nhà nước phải thường xuyên sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Cứ 10 ngày một lần, phối hợp giữa các tỉnh, các địa phương để công tác quản lý hàng hóa mới được đồng bộ, hiệu quả”, ông Vũ Vinh Phú đề xuất.
Đặc biệt siết chặt quản lý bán hàng trên nền tảng số để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khuyến khích người dân mua sắm trực tiếp, kiểm tra hàng hóa để đảm bảo chất lượng.
Song song đó, người dân cần thận trọng với hàng kém chất lượng tràn lan trên các sàn thương mại điện tử. Cần kiểm tra kỹ hàng hóa khi nhận hàng, không nên thanh toán trước và chủ quan. “Công tác này phải coi như một trận đánh cao điểm, không được chủ quan và coi thường”, ông Phú nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, chương trình khuyến mại tập trung quốc gia 2024 sẽ là một trong những nội dung quan trọng, thiết thực để khai thác tối đa thị trường nội địa đang hồi phục tốt.
Mục tiêu nhằm nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong khoảng thời gian cuối năm, góp phần vào việc duy trì sự tăng trưởng ở mức cao của nền kinh tế.