Năm 2024, đã xử lý kỷ luật hơn 4.700 cán bộ, công chức, viên chức
Thực hiện công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), năm 2024 trên cả nước tăng cường thanh tra công vụ, công chức tại các bộ, ngành, địa phương và kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, khuyết điểm trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý CBCC, nhất là quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại CBCC.
Tinh giản 16.149 biên chế công chức, viên chức
Ngày 21/12, đánh giá kết quả công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025, Bộ Nội vụ cho biết, về kết quả thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức của bộ, ngành, địa phương, tại các quyết định giao biên chế giai đoạn 5 năm (2022-2026) cho các cơ quan của hệ thống chính trị đã thực hiện giảm 5% biên chế công chức, giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (NSNN).
Bộ Nội vụ thẩm định số lượng người làm việc hưởng lương từ NSNN trong các đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) công lập chưa tự chủ tài chính tại 29 bộ, ngành giai đoạn 2022-2026, giảm 17.736 biên chế, tương ứng giảm 14,84% so với số biên chế giao năm 2021.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nội vụ đã hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách tinh giản biên chế công chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương từ NSNN gắn với việc phê duyệt vị trí việc làm. Cùng đó, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Kết quả thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức của bộ, ngành, địa phương (tính đến ngày 30/10/2024) theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ tổng số là 16.149 người, trong đó bộ, ngành 217 người; địa phương 15.932 người.
Bộ Nội vụ đánh giá, các bộ, ngành, địa phương về cơ bản đã sử dụng đúng số biên chế được giao, không vượt quá số biên chế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC theo vị trí việc làm.
Về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước và cơ cấu lại các ĐVSN công lập, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng đề án, văn bản quy định liên quan sắp xếp bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Công việc này sẽ báo cáo Ban chỉ đạo Chính phủ cho ý kiến và Bộ Chính trị trước ngày 31/12.
Bộ Nội vụ chủ động, kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện sắp xếp tinh gọn các cơ quan tham mưu trực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước từ T.Ư đến địa phương.
Bộ cũng tích cực đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội, đủ mạnh đối với CBCCVC và người lao động làm cơ sở để thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy, gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC.
Theo cơ quan này, đây là khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, nhạy cảm, song với sự thống nhất về nhận thức và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, đến nay đã cơ bản hoàn thành các đề án để báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo T.Ư.
Về kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy (tính đến ngày 30/10) tại 63 tỉnh, TP tiếp tục giảm 12 tổ chức chi cục, phòng và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện, lũy kế đến nay, giảm 13 sở và tương đương; giảm 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương.
Bộ Nội vụ nhận định, công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian là việc khó, đụng chạm đến lợi ích của tổ chức và cá nhân, đây là việc rất phức tạp và nhạy cảm nên một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động, quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện. Ngoài ra, việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCV theo vị trí việc làm chưa thực hiện đồng bộ.
Xử lý kỷ luật hơn 4.700 cán bộ, công chức, viên chức
Cũng theo Bộ Nội vụ, thực hiện công tác quản lý CBCCVC, trong năm 2024 trên cả nước tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có sai phạm, vi phạm pháp luật; thực hiện các biện pháp nhằm đẩy lùi tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của CBCCVC.
Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển dụng và quản lý CBCCVC gắn với siết chặt kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ; tăng cường thanh tra công vụ, công chức tại các bộ, ngành, địa phương và kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, khuyết điểm trong công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý CBCC, nhất là công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại CBCC.
Theo rà soát, năm 2024 các bộ, ngành, địa phương đã xử lý kỷ luật 4.741 CBCCVC, trong đó cán bộ 390 người, công chức 1.092 người.
Tính từ đầu năm đến ngày 15/11, Bộ Nội vụ đã tiếp nhận và xử lý 1.516 đơn, trong đó có 502 đơn tố cáo, 238 đơn khiếu nại, 776 đơn kiến nghị phản ánh. Tất cả các đơn đều được tiếp nhận, xem xét, giải quyết đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và thời hạn theo luật định.
Song song đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, trong năm nay Bộ đã tiến hành kiểm tra tình hình công chức, viên chức thôi việc/bỏ việc, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ liên quan đến người dân và doanh nghiệp tại Hà Nội, Cần Thơ.
Đáng chú ý, Bộ Nội vụ đã tổ chức 23/23 cuộc thanh tra tại các bộ, ngành, địa phương theo kế hoạch, qua đó đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả và kỷ cương, kỷ luật, công vụ.
Cơ quan này đã phát hiện những tồn tại, hạn chế trong cơ chế, chính sách và áp dụng pháp luật để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định pháp luật cho phù hợp, đồng thừi xử lý trách nhiệm, thu hồi các quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm CBCCVC theo quy định.
Để nâng cao kỷ luật, kỷ cương, chủ động phòng ngừa vi phạm trong thực thi công vụ, sở nội vụ các tỉnh, TP chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024 và đã tổ chức 2.792 cuộc thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực.
Phát huy những kết quả tích cực đã đạt được và thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại hạn chế để khắc phục trong năm 2024, bước sang năm 2025, ngành Nội vụ xác định sẽ tập trung thực hiện 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 6 nhóm giải pháp.
Trong đó, Bộ Nội vụ nêu rõ một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của toàn ngành là triển khai thực hiện hợp nhất Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ bảo đảm chủ động, thống nhất, đồng thuận, dân chủ, công khai, minh bạch và làm tốt công tác chính trị, tư tưởng để đội ngũ CBCC của Bộ sau khi hợp nhất yên tâm công tác, chấp hành và phát huy giá trị văn hóa cốt lõi của 2 Bộ trước khi hợp nhất để cùng nhau thi đua đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ.