Năm 2024 dự báo nắng nóng kỷ lục, các hồ thủy điện có lo cạn nước?

Theo dự báo, mùa hè năm 2024 có thể trở thành năm nóng nhất lịch sử, mối lo hồ thủy điện cạn nước như năm 2023 lại hiện hữu.

Theo khảo sát của VTC News, các hồ thủy điện đang tiết kiệm triệt để, tích cực trữ nước, đặc biệt là các hồ có mực nước thấp, để đảm bảo việc cung cấp điện cho mùa khô 2024,

Ông Phạm Văn Vương, Giám đốc nhà máy thủy điện Hòa Bình cho biết, mực nước tại hồ đang ở mức cao hơn 4m so với thời điểm cùng kỳ năm 2023. Mặc dù vậy, ngay từ những tháng đầu năm 2024, nhà máy đã khai thác ở mức hạn chế do nhu cầu chưa cao để đảm bảo tích nước hồ chứa.

Bên cạnh đó, kế hoạch sửa chữa nhà máy cũng được tính toán để hoàn thành muộn nhất vào ngày 28/4, giúp các tổ máy sẵn sàng phục vụ nhu cầu huy động phát điện.

Hiện thủy điện Hòa Bình có 8 tổ máy và chỉ còn 1 tổ đang sửa chữa, dự báo khoảng hơn 20 ngày nữa sẽ hoàn thành”, ông Vương cho biết thêm.

Thủy điện Hòa Bình đang chủ động tích nước. (Ảnh minh họa).

Thủy điện Hòa Bình đang chủ động tích nước. (Ảnh minh họa).

Cũng theo ông Vương, ngoài việc tích nước, sửa chữa, nhà máy còn theo dõi sát sao tình hình thủy văn để xem có sự biến động bất thường nào không, nhằm điều chỉnh kịp thời, phù hợp nhất, tránh việc bị động và trở tay không kịp, gây sự cố khó khắc phục, ảnh hưởng đến kế hoạch phát điện.

Còn nhớ mùa hè năm 2023, do ảnh hưởng nắng nóng, ít mưa, mực nước vùng hạ du hồ thủy điện Hòa Bình khô cạn, người dân có thể đi bộ qua sông Đà. Tình trạng này khiến nhà máy phải phát điện gián đoạn, dưới công suất.

Thủy điện Hòa Bình từng có quy mô lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á từ năm 1994 cho đến khi kỷ lục này bị phá vỡ bởi Nhà máy thủy điện Sơn La, khánh thành vào năm 2012. Thủy điện Hòa Bình đã chế ngự được hàng chục trận lũ lớn trên 10.000 m3/giây. Điển hình là trận lũ lịch sử tháng 8/1996 có lưu lượng hơn 22.650 m3/giây; trận lũ muộn xuất hiện tháng 10/2017 (khi hồ chứa đã đầy) lưu lượng gần 16.000 m3/giây với những diễn biến rất phức tạp, khó lường. Đồng thời, giữ vững an toàn công trình và vùng hạ du đồng bằng Bắc Bộ.

Tại thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương, Nghệ An), tình hình tích nước cũng đang được triển khai. Ông Tạ Hữu Hùng, Giám đốc thủy điện Bản Vẽ cho biết, hiện đơn vị đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An vừa đảm bảo khai thác điện, vừa xả nước cho hạ du lấy nước sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn đảm bảo tiết kiệm nước.

“Hiện mực nước ở hồ thủy điện Bản Vẽ ở mức 192m, cao hơn so với cao trình 1,5m và cao hơn mực nước thời điểm này năm 2023 là hơn 10m. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sử dụng tiết kiệm để có thể chủ động điều tiết phát điện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và bộ Công Thương trong giai đoạn cao điểm sử dụng điện trong tháng 5-7 tới”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, việc tiết kiệm trước hết là phát điện ở mức vừa phải, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu sử dụng điện hiện nay.

“Thủy điện Bản Vẽ nằm trong khu vực phía Bắc, dự báo là khu vực thiếu điện vào mùa cao điểm. Bên cạnh đó, hiện nay mực nước về hồ chỉ đạt khoảng 38m3/s nên nhà máy cũng chỉ phát điện ở mức 40% công suất nhà máy. Mực nước xả qua các tua bin đạt 70m3/s để tránh lãng phí nước”, ông Hùng thông tin.

Thủy điện Bản Vẽ. (Ảnh: EVN).

Thủy điện Bản Vẽ. (Ảnh: EVN).

Cùng với đó, việc duy tu, bảo dưỡng, khắc phục sự cố cũng đã hoàn thành để sẵn sàng huy động toàn bộ các tổ máy phát điện khi nhu cầu sử dụng điện tăng cao.

Còn ông Đỗ Trung Đông, Giám đốc nhà máy thủy điện Sê San (Gia Lai) cho biết, mặc dù ở miền Trung, miền Nam cơ bản không thiếu điện nhưng nhà máy vẫn chủ động các phương án theo sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) với tinh thần có nước dùng nước, nếu thiếu nước thì phải dùng diesel, dùng than.

“Năm nay để không thiếu điện theo tình thần cam kết của EVN với Bộ Công Thương và Chính phủ. Ngay từ đầu năm, EVN đã chỉ đạo phải để dành nước để phụ vào thời điểm cao điểm, phụ tải tăng cao. Chúng tôi cũng đang giữ mực nước cầm chừng”, ông Đông nói.

Năm 2024 không lo thiếu điện

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, việc để xảy ra thiếu điện như năm 2023 là một sự cố rất đáng tiếc và Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để khắc phục. Đồng thời Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì chỉ đạo EVN tìm mọi giải pháp khắc phục.

"Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo EVN rà soát, cập nhật các yếu tố đầu vào như tốc độ tăng trưởng phụ tải điện, thời tiết (nhiệt độ, thủy văn), tiến độ nguồn điện, lưới điện, khả năng cung ứng nhiên liệu (than, khí, dầu) để tính toán, cập nhật kế hoạch đảm bảo cung ứng điện cho các tháng cao điểm mùa khô sắp tới (từ tháng 4 đến tháng 7)", Thứ trưởng Tân nói.

Trên cơ sở tính toán cập nhật của EVN, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết Bộ Công Thương sẽ rà soát, cập nhật lại kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 nhằm đảm bảo cung cấp đủ, liên tục nhiên liệu, đặc biệt là nhiên liệu than, khí cho nhu cầu sản xuất điện.

Cùng với đó là tăng cường giám sát, kiểm tra tình hình vận hành các thiết bị của nhà máy điện, chuẩn bị dự phòng vật tư sẵn sàng để đảm bảo độ khả dụng cao nhất của các tổ máy phát điện, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện ở khu vực miền Bắc.

Chỉ đạo điều tiết hợp lý các hồ chứa thủy điện với mục tiêu đảm bảo dự phòng công suất điện năng của hệ thống điện ở mức cao nhất có thể trong các tháng cao điểm mùa khô.

Yên cầu EVN tăng cường công tác rà soát hành lang lưới điện truyền tải 500-220kV, kiểm tra các thiết bị trên hệ thống truyền tải điện để kịp thời phát hiện và khắc phục các khiếm khuyết nếu có, hạn chế thấp nhất các trường hợp sự cố có thể xảy ra.

Đồng thời, Bộ Công Thương kêu gọi các địa phương đơn vị, người dân, doanh nghiệp triệt để thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, nhất là nhóm khách hàng sản xuất có mức tiêu thụ điện lớn.

Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) dự báo El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính trong khoảng thời gian từ tháng 4-6 với xác suất 75-80%. Từ tháng 7-9/2024, dự báo ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 55-65%.

Với diễn biến như vậy, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia dự báo do vẫn còn tác động của El Nino nên từ tháng 4-5, trên phạm vi toàn quốc nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1-2 độ C, có nơi cao hơn. Từ tháng 6 - tháng 9 mức nhiệt cao hơn từ 0,5-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Mùa hè năm 2024 vì thế khả năng nhiều đợt nắng nóng hơn và cường độ gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm.

PHẠM DUY

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nam-2024-du-bao-nang-nong-ky-luc-cac-ho-thuy-dien-co-lo-can-nuoc-ar862548.html