Năm 2024, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tăng 8,46%

Chiều 13-1, ông Lê Hữu Hoàng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh chủ trì buổi làm việc với các thành viên về kết quả hoạt động tín dụng chính sách năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Ông Lê Hữu Hoàng phát biểu tại buổi làm việc.

Ông Lê Hữu Hoàng phát biểu tại buổi làm việc.

Tính đến ngày 31-12-2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách hơn 4.588,4 tỷ đồng với 113.925 khách hàng dư nợ. Tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách năm 2024 đạt 358 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ tăng 8,46%) so với năm 2023. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn cho 3.355 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đầu tư sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho gần 11.300 lao động, trong đó 50 người chấp hành xong án phạt tù có việc làm; giúp 1.343 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng, sửa chữa 18.642 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; hỗ trợ mua mới, xây dựng 19 căn nhà xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và 914 căn nhà cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nợ quá hạn hơn 8,4 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 0,18% tổng dư nợ), tăng 391 triệu đồng so với đầu năm. Toàn tỉnh có 2.521 tổ tiết kiệm và vay vốn, giảm 15 tổ so với năm 2023; trong đó có 2.401 tổ xếp loại tốt, đạt tỷ lệ 95,24%; 120 tổ xếp khá, đạt tỷ lệ 4,76%.

Năm 2025, NHCSXH tỉnh phấn đấu tăng trưởng dư nợ từ 8% đến 10% so với năm 2024; nhận vốn ủy thác địa phương tăng tối thiểu 100 tỷ đồng; đạt chỉ tiêu huy động tiền gửi tổ chức, cá nhân và tiền gửi của tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn; duy trì chất lượng tín dụng ổn định...

Ông Lê Hữu Hoàng đánh giá cao và biểu dương những kết quả mà Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh đã đạt được trong năm qua. Ông đề nghị các thành viên Ban đại diện tiếp tục nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; thường xuyên rà soát đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác làm cơ sở cho vay; tăng cường phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về tín dụng chính sách xã hội… Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh cần tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát nội bộ, nhằm phát hiện kịp những tồn tại, sai sót trong quá trình thực hiện. Trong quý I, các thành viên ban đại diện cần thực hiện một số nhiệm vụ như: Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh thực hiện chuyển hơn 88 tỷ đồng từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH; kiện toàn ban đại diện cấp tỉnh; chú trọng tháo gỡ vướng mắc cho vay nhà ở xã hội, nuôi biển công nghệ cao, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm…

H.DUNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202501/nam-2024-du-no-cac-chuong-trinh-tin-dung-chinh-sach-tang-846-abd3d91/