Năm 2024, hành trình 'cai nghiện' khí đốt Nga của EU dẫn đến đâu?
Việc loại hẳn Nga khỏi phương trình năng lượng là bài toán khó cho EU, nơi các quốc gia có nhu cầu rất khác nhau, và mối quan hệ cũng rất khác nhau với Điện Kremlin.
Gần 2 năm kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được tiến bộ đáng kinh ngạc nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Nga.
Các chuyên gia cho rằng điều đó tốt cho an ninh năng lượng lâu dài của EU. Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn Nga khỏi phương trình năng lượng sẽ khó đạt được hơn nhiều trong một EU đang bị chia rẽ, nơi các quốc gia không chỉ có nhu cầu năng lượng rất khác nhau mà còn có mối quan hệ rất khác nhau với Điện Kremlin.
Mùa đông không khí đốt Nga
Châu Âu đang trải qua mùa đông thứ hai không có khí đốt Nga. Trong mùa đông đầu tiên năm 2022-2023, bất chấp giá năng lượng tăng vọt, “lục địa già” đã không bị đóng băng nhờ thời tiết tương đối ôn hòa và các biện pháp khẩn cấp của EU và chính phủ các nước thành viên.
Để đối phó với tình trạng thiếu khí đốt Nga trong những tháng lạnh hơn và trong thời gian còn lại của năm 2023, EU đã nỗ lực làm đầy kho dự trữ, tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), chủ yếu từ Mỹ, khuyến khích người dân cắt giảm nhu cầu sử dụng và nâng cao hiệu quả tiết kiệm năng lượng, đồng thời dựa nhiều hơn vào các nguồn tái tạo như điện gió và điện mặt trời.
“Liên minh châu Âu đã đạt được tiến bộ đáng kinh ngạc kể từ tháng 2/2022 nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Nga”, ông Akos Losz, một nhà nghiên cứu cấp cao không thường trú tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu (CGEP) thuộc Đại học Columbia ở New York, nói với RFE/RL.
Các chuyên gia cho rằng điều đó tốt cho an ninh năng lượng lâu dài của EU. Tuy nhiên, việc loại bỏ hoàn toàn Nga khỏi phương trình năng lượng sẽ khó đạt được hơn nhiều trong một EU đang bị chia rẽ, nơi các quốc gia không chỉ có nhu cầu năng lượng rất khác nhau mà còn có mối quan hệ rất khác nhau với Điện Kremlin.
Trước xung đột, EU phần lớn phụ thuộc vào Nga về khí đốt. Nhìn chung, Nga cung cấp hơn 40% lượng khí đốt nhập khẩu của khối. Con số cụ thể đối với mỗi quốc gia thành viên là khác nhau.
Ví dụ, theo cơ quan thống kê chính thức của EU là Eurostat, Moscow đáp ứng tới 95% nhu cầu khí đốt của Hungary, trong khi chỉ cung cấp chưa đến 10% lượng khí đốt cho Tây Ban Nha vào năm 2021.
Tuy nhiên, quốc gia nhập khẩu ròng khí đốt lớn nhất của Nga tại EU là Đức với 55 tỷ m3 vào năm 2021, chiếm hơn 65% lượng khí đốt nhập khẩu của nước này. Berlin đáng ra sẽ còn phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Moscow nếu xung đột Nga-Ukraine không nổ ra.
Chỉ 2 ngày trước khi Nga mang quân vào Ukraine vào ngày 24/2/2022, dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) – vốn đã hoàn thành và chuẩn bị đi vào hoạt động – đã bị đình chỉ.
Giống như “người anh em song sinh” Nord Stream 1, đường ống mới được xây dựng để vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức qua Biển Baltic và được tài trợ bởi tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga và các công ty năng lượng châu Âu khác.
Trước xung đột, những cảnh báo về rủi ro địa chính trị của việc phụ thuộc quá mức vào khí đốt Nga phần lớn đã bị các nước trong khối phớt lờ. Ông Philipp Lausberg, nhà phân tích tại Trung tâm Chính sách châu Âu (EPC) có trụ sở tại Brussels, cho rằng năng lượng là “vũ khí mạnh nhất” mà Moscow có.
Nguồn cung “teo tóp” dần
Xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU hiện giảm khoảng 1/3 so với mức trước xung đột. Theo số liệu từ Eurostat, trong quý III/2021, 39% lượng khí đốt của EU đến từ Nga. 2 năm sau, vào quý III/2023, con số đó giảm xuống còn 12%.
Sự sụt giảm này một phần là do trong năm 2022, Nga đã cắt nguồn cung cho một số khách hàng châu Âu mà Moscow coi là “không thân thiện” và không đáp ứng yêu cầu thanh toán bằng đồng Rúp do Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt ra thay vì USD hay Euro, bao gồm Bulgaria, Ba Lan, Phần Lan và Hà Lan, khiến giá khí đốt tăng cao kỷ lục.
Kể từ năm 2022, 3 trong số các tuyến đường vận chuyển khí đốt chính của Nga đến EU đã bị đóng cửa. Cụ thể, vào tháng 5/2022, nhà điều hành hệ thống truyền tải khí đốt của Ukraine GTSOU đã tuyên bố bất khả kháng đối với việc quá cảnh khí đốt Nga qua Ukraine tại trạm tiếp nhận khí đốt Sokhranivka.
Tuyên bố bất khả kháng của GTSOU – một điều khoản được viện dẫn khi một doanh nghiệp gặp phải những tình huống không thể lường trước được – đã khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng mạnh vào thời điểm đó vì 1/3 lượng khí đốt Nga quá cảnh qua Ukraine đi qua đây.
Cũng trong tháng 5/2022, đường ống Yamal-Châu Âu, một dự án chung giữa Nga-Belarus-Ba Lan vận chuyển khí đốt từ Nga đến Ba Lan và Đức, đã ngừng hoạt động sau khi Moscow tạm dừng dòng khí đốt sang Ba Lan và trừng phạt công ty sở hữu đoạn đường ống ở Ba Lan. Ba Lan hiện đang sử dụng phần đường ống của mình để nhập khẩu khí đốt từ Đức.
Vào ngày 31/8/2022, Moscow đã ngừng dòng chảy khí đốt đến châu Âu thông qua Nord Stream 1 với lý do “bảo trì định kỳ”. Nhưng sau đó, vào tháng 9/2022, các vụ nổ bí ẩn đã phá hủy một phần của Nord Stream 1 và Nord Stream 2, khiến các đường ống này không thể hoạt động được. Các chuyên gia kết luận rằng các vụ nổ là phá hoại, nhưng các cuộc điều tra riêng biệt vẫn chưa thể tìm thấy kết luận gì về thủ phạm.
Những điều trên nghĩa là việc vận chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu qua đường ống đang “teo tóp” dần, và hiện chỉ còn được thực hiện qua 2 tuyến: Tuyến đầu tiên là qua đường ống TurkStream, một dự án chung giữa Gazprom và Thổ Nhĩ Kỳ vận chuyển khí đốt từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ dưới Biển Đen và sau đó đi đến Trung và Đông Nam châu Âu; tuyến thứ hai là qua nhánh Sudzha ở biên giới Ukraine với Nga.
Ngoài ra, tổng mức tiêu thụ khí đốt ở EU đã giảm gần 18%, như một phần trong nỗ lực toàn khối nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và đầu tư vào các nguồn tái tạo. EU đã cam kết chấm dứt sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga vào năm 2027 thông qua Kế hoạch REPowerEU và, Ủy ban châu Âu cho biết khối này đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu đó.
Mức độ phụ thuộc khác nhau
Nguồn cung khí đốt Nga sang châu Âu có thể giảm hơn nữa trong những năm nay, vì việc vận chuyển khí đốt vốn đã hạn chế qua Ukraine có thể không tiếp tục sau tháng 12/2024. Hợp đồng hiện tại của Nga với Ukraine sắp hết hạn, và cả Kiev và Moscow đều ra tín hiệu rằng họ không có kế hoạch gia hạn nó.
Mặc dù điều này không tự động có nghĩa là dòng chảy qua Ukraine sẽ ngừng hoàn toàn kể từ tháng 1/2025, nhưng khó có khả năng lưu lượng sẽ tiếp tục ở mức hiện tại.
Hành lang quá cảnh Ukraine về mặt lý thuyết có thể tiếp tục hoạt động nhờ các thỏa thuận ngắn hạn từ năm 2025 trở đi, ông Losz, chuyên gia năng lượng tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu (CGEP) của Đại học Columbia, cho biết. Nhưng “điều này đòi hỏi mức độ tin cậy cơ bản và mối quan hệ làm việc giữa các công ty liên quan, trong khi điều đó hiện nay rất thiếu”, ông nói.
Việc dừng dòng chảy khí đốt còn lại qua Ukraine sẽ ảnh hưởng đến một số quốc gia châu Âu vẫn đang nhận khí đốt Nga thông qua hành lang quá cảnh này. Trong số đó có Áo, nước trước xung đột đã nhận gần 80% lượng khí đốt từ Nga.
Công ty năng lượng OMV của Áo có hợp đồng cung cấp dài hạn với Gazprom của Nga có hiệu lực đến năm 2040, với khí đốt được trung chuyển qua Ukraine. Người đứng đầu OMV, Alfred Stern, nói với tờ Financial Times có trụ sở tại London vào tháng 7 năm ngoái rằng họ sẽ tiếp tục mua khí đốt Nga miễn là Gazprom còn cung cấp.
Slovakia, Italy và Croatia cũng nhận khí đốt từ Nga thông qua các tuyến đường ống quá cảnh qua Ukraine theo hợp đồng dài hạn với Gazprom. Những quốc gia này “có đủ khả năng nhập khẩu từ các nguồn cung thay thế khác nhưng với mức giá cao hơn và thông qua các tuyến đường vận chuyển phức tạp hơn”, ông Losz cho biết.
Moldova, quốc gia ứng cử viên mà EU vừa nhất trí sẽ mở các cuộc đàm phán gia nhập, có thể sẽ gặp tình trạng tồi tệ hơn khi dòng khí đốt Nga qua Ukraine bị ngừng đột ngột.
Trong khi Gazprom chỉ cung cấp khí đốt cho khu vực ly khai Transdniester do Nga hậu thuẫn, thì Moldova mua một phần điện đáng kể mà nước này sử dụng từ nhà máy điện Cuciurgan chạy bằng khí đốt ở Transdniester. Sự gián đoạn đột ngột trong việc cung cấp khí đốt có thể khiến phần lớn đất nước không có điện.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10 năm ngoái với RFE/RL, Tổng thống Moldova Maia Sandu cho biết đất nước bà hiện đang xây dựng đường dây điện cao thế trực tiếp để nhập khẩu điện từ Romania và cho phép đất nước này “hoàn toàn độc lập”. Đường dây truyền tải dự kiến sẽ hoàn thành trước năm 2025.
Vẫn khó từ bỏ
Việc từ bỏ hoàn toàn khí đốt Nga sẽ không dễ dàng đối với EU và dòng chảy của Nga dự kiến sẽ tiếp tục, ít nhất là trong một thời gian.
Ông Lausberg của Trung tâm Chính sách châu Âu (EPC) lưu ý rằng trong khi một số quốc gia “đã tách biệt đáng kể khỏi Moscow về mặt năng lượng”, những quốc gia khác – như Hungary, Slovakia, Áo cũng như ứng cử viên EU là Serbia – vẫn phụ thuộc vào khí đốt Nga và chưa sẵn sàng. từ bỏ điều đó vì cả lý do kinh tế và chính trị.
TurkStream là một trường hợp điển hình. Đoạn đường ống ở châu Âu, sử dụng cơ sở hạ tầng mới và hiện có, vận chuyển khí đốt tới các nước thành viên EU xa hơn qua Bulgaria. Mặc dù Moscow đã tạm dừng giao hàng cho Bulgaria vào tháng 4/2022 và Gazprom nói rằng họ chưa nhận được thanh toán bằng đồng Rúp như yêu cầu, TurkStream vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt cho Serbia, Hungary, Bắc Macedonia, Bosnia-Herzegovina và Hy Lạp thông qua mạng lưới đường ống của mình.
“Một số nước ở Trung và Đông Âu, đặc biệt là Hungary, đang cố gắng giữ quan hệ chặt chẽ với ông Putin”, ông Lausberg nói. Budapest “sẵn sàng dựa lâu hơn vào nhập khẩu khí đốt Nga vì họ coi đó là điều có lợi về mặt chính trị, như một công cụ trong trò chơi giữa Brussels và Moscow để sử dụng như một con bài thương lượng đối với cả hai bên”.
Hungary, đồng minh mạnh nhất của Nga ở EU, nhận phần lớn khí đốt từ Nga. Năm 2021, chính phủ của Thủ tướng Victor Orban đã đàm phán một hợp đồng 15 năm, theo đó Gazprom sẽ vận chuyển 4,5 tỷ m3 khí đốt đến Hungary hàng năm, qua TurkStream và qua Ukraine. Năm 2022, sau khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine, Budapest đã ký một thỏa thuận mới với Moscow để mua thêm lượng khí đốt bổ sung từ Nga.
Hầu hết lượng khí đốt đến Hungary – 3,5 tỷ m3 trong tổng số 4,5 tỷ m3 theo hợp đồng dài hạn, cộng với số lượng bổ sung – đều đi qua TurkStream, với một phần nhỏ hơn được giao qua Ukraine.
Có vẻ như Hungary không muốn sớm ngừng nhận khí đốt. Vào tháng 10 năm ngoái, Bulgaria đã áp thuế đối với việc vận chuyển khí đốt Nga ở mức 20 leva (10,80 USD) mỗi megawatt giờ (MWh). Sofia cho biết họ đang hướng tới việc giảm lợi nhuận cho Gazprom khi vận chuyển khí đốt qua Bulgaria, từ đó làm vơi đi ít nhiều “hòm chiến tranh” của Điện Kremlin, cũng như giảm sự phụ thuộc của khu vực vào Nga về năng lượng.
Hungary đáp trả, đe dọa phủ quyết việc Bulgaria xin gia nhập khu vực Schengen, trừ khi nước này bãi bỏ phí quá cảnh mới đối với khí đốt Nga. Bulgaria cuối cùng đã nhượng bộ và quốc hội nước này đã bỏ phiếu bãi bỏ mức phí mới.
Belgrade cũng đe dọa sẽ đáp trả động thái của Sofia, nói rằng hành động này nhằm chống lại Hungary và Serbia, những nước cũng nhập khẩu phần lớn khí đốt từ Nga thông qua Bulgaria theo hợp đồng dài hạn với Gazprom kéo dài đến năm 2025.
Những phản ứng giận dữ được thúc đẩy không chỉ bởi tác động tiềm tàng về giá mà còn bởi “rủi ro được nhận thấy đối với an ninh nguồn cung”, ông Losz nói. “Cả Hungary và Serbia đều coi khí đốt Nga là nền tảng cho an ninh năng lượng của họ, bất kể sự phân chia địa chính trị và họ nhận được khí đốt của mình với những điều kiện rất thuận lợi so với các lựa chọn thay thế”.
“Sự cấp bách để đạt đến mức phụ thuộc bằng 0 đã giảm đi phần nào, và tôi cho rằng sẽ mất nhiều thời gian hơn thời hạn mục tiêu năm 2027 trong Kế hoạch REPowerEU để loại bỏ hoàn toàn khí đốt Nga khỏi cơ cấu năng lượng của EU”, ông Losz nói. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng mức độ phụ thuộc vào khí đốt Nga hiện nay “dễ quản lý hơn nhiều” so với trước đây.
“Sự phụ thuộc vào khí đốt Nga không còn là mối đe dọa tàn phá nền kinh tế đối với EU như cách nó đã từng cách đây không lâu”, vị chuyên gia kết luận.
Minh Đức (Theo RFE/RL, S&P Global)