Năm 2024, lĩnh vực nghệ thuật 'bội thu' nhờ 'đánh' trúng thị hiếu khách hàng

Tại các điểm bảo tàng, sân khấu, nhà hát, đại diện các đơn vị đánh giá 2024 là một năm kinh doanh tiến triển với số lượng khách tăng lên cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đánh dấu sự khởi sắc trong ngành. Theo đó, chiến lược tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu tham quan giải trí của từng đối tượng khách hàng đã góp phần thu hút khách mới, giữ chân khách cũ, tạo nền tảng phát triển và nhân rộng trong năm 2025.

Bảo tàng “trẻ hóa” để tăng trưởng

Chia sẻ với SGTT, ông Nguyễn Thiều Kiên, Giám đốc bảo tàng Nghệ thuật Quang San, nói sau 1 năm hoạt động, bảo tàng đã cho ra đời không gian QS Art Space chuyên tổ chức các sự kiện văn hóa thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ dừng lại ở mảng mỹ thuật đơn thuần mà còn có nhiếp ảnh, thời trang, hòa nhạc… từ đó đẩy mạnh các hoạt động mỗi tháng, tiếp cận và mở rộng đối tượng khách tham quan của bảo tàng.

Mới đây, bảo tàng cũng vừa tổ chức triển lãm cá nhân cho họa sĩ Nguyễn Đình Văn chủ đề “Dưới tán cây rừng", đồng tổ chức bởi bảo tàng Nghệ thuật Quang San và 84Space – Họa kể, được trưng bày tại không gian QS Art Space thuộc bảo tàng từ 4-1 đến 19-1-2025.

Chính sự xuất hiện không gian tự do dễ dàng thay đổi hình thức, nội dung sự kiện cho từng tháng đã giúp địa điểm kết nối thêm nhiều lĩnh vực nghệ thuật và tiếp cận thêm nhiều đối tượng khách tham quan. Qua đầu năm 2025, không gian phòng trưng bày, hàng lưu niệm sẽ ra đời, đây là nơi để quảng bá các sản phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ Việt Nam cũng như bày bán các vật phẩm lưu niệm nhỏ, hoàn thiện thêm trải nghiệm tham quan cho khách hàng.

Không gian triển lãm cá nhân mới nhất có tên "Dưới tán cây rừng" tại bảo tàng Quang San. Ảnh: Hoàng An

Không gian triển lãm cá nhân mới nhất có tên "Dưới tán cây rừng" tại bảo tàng Quang San. Ảnh: Hoàng An

Năm 2025, bảo tàng cũng sẽ đẩy mạnh phần kết hợp với các đối tác bên ngoài để mang đến nhiều sự kiện chất lượng hơn cho công chúng. Ông Kiên cho biết hiện ở Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều đơn vị hỗ trợ cho lĩnh vực bảo tàng để nâng cao các hoạt động và trải nghiệm, ví dụ như các đơn vị về bảo hiểm tài sản, chuyên gia về phục chế và bảo quản tác phẩm, các đơn vị logistic riêng cho các tác phẩm, các đơn vị thẩm định tác phẩm. Vì vậy để bảo tàng tư nhân hoạt động chuyên nghiệp hơn, nguồn nhân lực từ những lĩnh vực liên quan cũng cần phát triển theo.

Tại Bảo tàng Áo dài, lượng khách tham quan trong năm 2024 đã tăng 7-10% so với năm trước đó với hơn 60.000 khách. Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc bảo tàng đánh giá khách vãng lai đông hơn mọi năm, bảo tàng tăng thêm dịch vụ, năng suất phục vụ như đưa vào nhiều mẫu áo dài cho thuê hợp xu hướng đủ đối tượng.

Bên cạnh đó, không gian chợ quê, ẩm thực trong bảo tàng cũng duy trì mỗi ngày thay vì mỗi cuối tuần để đáp ứng nhu cầu khách dừng nghỉ chơi. Các khu vực sau khi tu sửa xong cũng thu hút nhiều đoàn làm phim, truyền hình dịch vụ đến ghi hình, quảng bá điểm đến.

“Năm 2024, bảo tàng nhận nhiều giải thưởng liên tiếp dù là bảo tàng tư nhân. Đây là kết quả cho thấy chúng tôi đang đi đúng hướng, chạm được đến nhiều khách hàng tiềm năng duy trì lâu dài cho bảo tàng”, bà bộc bạch.

Trong đó, đội ngũ bảo tàng thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với nội dung ngoại khóa, rèn kĩ năng cho học sinh, sinh viên của các trường học đến trải nghiệm. Một số chương trình như tổ chức đổ bánh xèo, tái hiện trò chơi dân gian, hát dân ca, quan họ… đã làm bảo tàng luôn trở nên mới mẻ trong mắt du khách mà vẫn đảm bảo mục đích truyền tải, gìn giữ văn hóa, bà nhấn mạnh.

Trong năm 2025, bà đặt ra mục tiêu tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện, chương trình giáo dục, trải nghiệm phù hợp theo từng mùa và phục vụ từng đối tượng du khách cụ thể như thiếu niên, thanh niên, người cao tuổi. Điều này góp phần tăng nguồn thu dịch vụ bên ngoài cho đơn vị tư nhân và bảo tàng vẫn giữ được lượng khách ổn định trong từng mùa cao điểm, thấp điểm của du lịch.

Hiện tại, nhiều bảo tàng ngoài công lập mong chờ được tiếp sức từ cơ quan nhà nước, đồng hành cùng doanh nghiệp để phát triển công nghệ, kỹ thuật, tăng cường thiết bị trải nghiệm số cho hoạt động tham quan, khám phá.

Bảo tàng Hải dương học ở Nha Trang thuộc Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trongnăm 2024 ghi nhận lượng khách tăng đến 20%, ước đón khoảng 800.000 lượt khách. Đại diện bảo tàng đánh giá việc về đích thành công một phần nhờ vào hoạt động truyền thông hiệu quả trên mạng xã hội, trẻ hóa các công tác quảng bá, thu hút khách du lịch nước ngoài đến Nha Trang biết đến điểm đến này nhiều hơn.

Nhà hát, sân khấu “sáng đèn” liên tục

Năm nay, sân khấu kịch Quốc Thảo cũng sửa soạn đón mùa Tết mới tại không gian mới ở quận Phú Nhuận. Nghệ sĩ Quốc Thảo cho biết khi chuyển sang địa điểm mới đầu năm 2024, đơn vị phải tính toán lại nhiều chi phí và doanh thu vì “lớn thuyền lớn sóng”.

Ông đánh giá ở sân khấu mới, nghệ sĩ có điều kiện phát triển tay nghề cũng như đầu tư nhiều chi phí hơn cho các đêm diễn lớn. Cụ thể, năm 2024, sân khấu đã đạt được nhiều giải thưởng khi tham gia liên hoan sân khấu đầu tiên được tổ chức ở TPHCM và liên tục cho ra mắt các vở mới như Trò chơi mất tích, Cá bống kho tộ, Cánh đồng rực lửa... Sân khấu đón 700-800 khách/tuần với 2-3 suất diễn chính, những ngày còn lại sẽ phục vụ việc đào tạo, dạy học.

“Chúng tôi đạt mục tiêu 2024 huề vốn hoặc có lời nhỏ nhỏ vì khi chuyển qua điểm mới, sân khấu như được đầu tư lại từ đầu. Hoạt động kinh doanh sân khấu cũng như những loại hình khác, cần thời gian bỏ vốn đầu tư ban đầu rồi bù lỗ, mới sinh lời vào nhiều năm tới”, ông bộc bạch.

Tuy vậy, chính sân khấu lớn cũng cho ban lãnh đạo thêm động lực cộng tác cùng nhiều diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng để tăng sức hút cho vở diễn cũng như sức bật cho sân khấu. Được biết, dịp Tết năm 2025 sân khấu sẽ có 3 vở diễn phục vụ nhu cầu giải trí của nhiều đối tượng khách khác nhau. Ở sân khấu lớn, giá vé sẽ cao hơn vài chục nghìn đồng so với điểm diễn cũ.

Nhìn chung, 2024 là một năm có nhiều điểm nhấn khởi sắc với ngành sân khấu. Có thể thấy các sân khấu luân phiên nhau sáng đèn, diễn liên tục không ngừng nghỉ ở các ngày trong tuần. Bên cạnh đó, TPHCM có liên hoan sân khấu đầu tiên tạo điều kiện thêm lửa nghề, cơ hội phát triển chuyên môn cho các anh chị em nghệ sĩ trình diễn, ông Thảo nói thêm.

Thạc sĩ Trần Được, Phó Trưởng đoàn Rối Rồng Phương Nam, nhà hát nghệ thuật Phương Nam, cũng cho biết năm 2024, nhà hát đã tham gia Liên hoan Nhạc kèn và Múa rối TPHCM cho kết quả khởi sắc về loại hình rối nước và rối cạn. Ông ước tính doanh thu 2024 tăng khoảng 10-20% so với 2023 với kế hoạch phát triển tác phẩm theo mùa, mở rộng phục vụ đa dạng đối tượng khán giả.

Một phân cảnh trong vở rối nước Huyền Sử Yết Kiêu. Ảnh: ĐVCC

Một phân cảnh trong vở rối nước Huyền Sử Yết Kiêu. Ảnh: ĐVCC

Theo ông Được, tại nhà hát, các vở mới được ra thường xuyên, năm nay mùa Tết Nguyên đán khán giả có thể đón chờ vở Huyền Sử Yết Kiêu, Nàng Tiên Cá… diễn từ mùng 1 đến mùng 9 Tết với số lượng 2-3 suất/ngày.

Ông cho rằng để thu hút các nhóm khách ngày càng trẻ hóa, việc linh động đổi mới, cập nhật tác phẩm nghệ thuật theo xu hướng, thay đổi theo từng thời điểm rất quan trọng. Các vở diễn tại nhà hát đang theo mùa, chủ đề cũng theo từng đối tượng để đáp ứng được nhu cầu riêng.

Chẳng hạn, những bạn học sinh, sinh viên cần nghiên cứu thì sẽ có vở diễn cổ truyền, chủ đề lịch sử, truyền thống. Những dịp giáng sinh, trung thu, đoàn sẽ trang trí lại con rối, không gian và thêm chủ đề biểu diễn phù hợp cho các em thiếu nhi là chính. Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông bán vé, quảng bá nhà hát cũng dần mở rộng ngoài các kênh truyền thống để thu hút thị giác hơn với đối tượng người xem nhanh, thích công nghệ hiện nay.

Hoàng An

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/nam-2024-linh-vuc-nghe-thuat-boi-thu-nho-danh-trung-thi-hieu-khach-hang/