Năm 2024, Nam Định phấn đấu mức tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP từ 9,5% đến 10,5%
Năm 2024 được coi là giai đoạn bứt phá để tỉnh Nam Định hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.
Tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, năm 2023 được coi là năm rất thành công của tỉnh Nam Định khi hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt kế hoạch.
Trong đó nổi bật, tổng sản phẩm GRDP ước tăng 10,19%, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách nhà nước đạt 10.452 tỷ đồng, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX trước 02 năm. Sản xuất công nghiệp và các hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 14,58%.
Từ một tỉnh thuần nông, đến nay, ngành công nghiệp và dịch vụ của Nam Định đã chiếm tỷ trọng khoảng 80% trong cơ cấu kinh tế. Kết quả này đưa Nam Định xếp thứ 6 toàn quốc về mức tăng GRDP chỉ sau các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Hậu Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hải Phòng; xếp thứ 3 trong vùng Đồng bằng sông Hồng, sau các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước tăng 13,8%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 17%. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 18,8%; dư nợ tín dụng ước tăng 11,2% so với đầu năm… Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 9.700 tỷ đồng, bằng 102% dự toán năm và tăng 25% so với năm 2022.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được tập trung đầu tư, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Công tác xúc tiến và thu hút đầu tư được tập trung thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Là điểm đến được nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong nước và thế giới đánh giá cao bởi có lợi thế về hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp...
Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số tiếp tục đạt được kết quả tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển mới. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, tiếp công dân, giải quyết kiến nghị của cử tri tiếp tục được quan tâm thực hiện đúng quy định.
Đặc biệt, giáo dục tỉnh Nam Định đạt được nhiều thành tích nổi bật với vị trí đứng đầu toàn quốc về điểm trung bình của từng thí sinh dự thi và đứng thứ 3 toàn quốc về số điểm trung bình các môn thi THPT; đứng thứ 5 toàn quốc về tỷ lệ thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia… Giải quyết việc làm mới cho khoảng 33,3 ngàn lượt người lao động, bằng 104% kế hoạch; đào tạo nghề cho khoảng 35,2 ngàn người, bằng 100% kế hoạch.
Phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024
Đánh giá về thành quả phát triển của tỉnh trong năm 2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc nhấn mạnh, năm 2023, tỉnh Nam Định có bước phát triển toàn diện, vượt bậc về kinh tế-xã hội.
Đó là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của tập thể thường trực, ban thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng thuận, vào cuộc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân.
Năm 2024 được xác định là năm bứt phá để hoàn thành các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Tỉnh Nam Định đặt chỉ tiêu đạt mức tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP từ 9,5% đến 10,5%; nâng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ lên 84%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 14,5% trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 18% trở lên; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 12.000 tỷ đồng.
Giá trị xuất khẩu đạt 3.300 triệu USD trở lên, thu ngân sách nhà nước đạt 12.030 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo; tăng tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế; tạo việc làm cho trên 33 nghìn lượt người, tỉnh sẽ phải nỗ lực rất nhiều.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc khẳng định, những mục tiêu trên khá cao, thể hiện quyết tâm và nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định.
Trên cơ sở đó, tỉnh Nam Định đề ra 10 phương hướng, nhiệm vụ nhằm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó bám sát chỉ đạo của trung ương, thực hiện đồng bộ các giải pháp; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục chú trọng triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết nối; xúc tiến thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ cao, thân thiện với môi trường để phát triển, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách của tỉnh và quốc gia.
Cùng với đó, quan tâm phát triển sự nghiệp văn hóa, bảo tồn di sản, kinh tế du lịch; tập trung phát triển hợp lý nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng; phát triển các khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ...
Tỉnh cũng tổ chức quản lý, thực hiện tốt các loại quy hoạch, trong đó, triển khai thực hiện các nội dung Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ; các quy hoạch vùng, quy hoạch liên vùng, quy hoạch đô thị các thị trấn, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết...
Tập trung công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; đảm bảo an ninh, quốc phòng. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.