Năm 2024, phấn đấu đạt số ca ghép tạng từ người cho chết não cao nhất từ trước đến nay

Dự kiến, năm 2024, bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức sẽ đạt số ca ghép tạng từ nguồn người hiến chết não cao nhất từ trước đến nay.

Đây là thông tin của ông Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức tại chương trình hội thảo khoa học “Ghép phổi từ người cho chết não - Thực trạng và giải pháp” ngày 9-8.

Nam thanh niên (áo đen) được ghép khí quản từ người cho chết não tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Ảnh: Thu Trang

Nam thanh niên (áo đen) được ghép khí quản từ người cho chết não tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Ảnh: Thu Trang

Hiện nay, Việt Nam là nước ASEAN duy nhất thực hiện ghép tạng trên 1.000 ca/năm, trong đó tạng từ người hiến chết não chiếm 6%, tạng hiến từ người sống 94%. Nhu cầu ghép tạng rất lớn, tuy nhiên, còn rất ít người đăng ký hiến tặng mô tạng sau chết não.

Tuy nhiên, thời gian qua, do có sự điều chỉnh trong ghép và chiến dịch vận động người hiến tạng, cùng với đó là sự hỗ trợ của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và hệ thống nội khoa của các bệnh viện nên số lượng ca ghép tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã tăng lên. Bệnh viện đang phấn đấu đạt số ca ghép tạng từ người cho chết não lớn nhất từ trước đến nay.

Trong các kỹ thuật ghép tạng, ông Dương Đức Hùng cho biết, ghép phổi vẫn là một thách thức. Đặc biệt, quy trình chuyên môn kỹ thuật của ghép phổi rất khác so với kỹ thuật ghép của nhiều tạng khác. Hơn nữa, không giống như tim, công tác ghép phổi phải được chuẩn bị trước từ rất sớm. Để hoàn thiện quy trình ghép phổi, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa công tác nội khoa phía người nhận với bên có người hiến. Một bệnh nhân chết não hiến tặng phổi, nếu không có đơn vị nào sẵn sàng chờ để ghép thì sẽ phải bỏ lá phổi đó đi.

Chính vì những khó khăn nêu trên mà đến nay, ghép phổi ở Việt Nam vẫn diễn ra lẻ tẻ, cá thể, ở một vài ca... Trong khi đó, nếu muốn ghép phổi trở thành phương pháp điều trị với người bệnh phổi mạn tính giai đoạn cuối thì không còn cách nào khác là phải sắp xếp lại công tác ghép phổi, có sự kết hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa.

Cùng với kỹ thuật ghép phổi, mới đây, lần đầu tiên tại Việt Nam, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã thực hiện thành công ca ghép khí quản từ người cho chết não để cứu sống một nam thanh niên.

“Trong lĩnh vực ghép tạng, tiềm năng, cơ hội cứu sống người bệnh là rất lớn. Với sự hỗ trợ, vào cuộc của Chính phủ, sự quan tâm của Bộ Y tế, các cấp chính quyền, sự thay đổi trong nhận thức của người dân, tôi tin rằng, trong giai đoạn tới sẽ có sự “bùng nổ” trong công tác ghép tạng từ người cho chết não”, ông Dương Đức Hùng nói.

Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức có thể thực hiện khoảng 200-300 ca ghép tạng. Ngoài ra, tại bệnh viện cũng có khoảng 300 người tử vong do chấn thương sọ não mỗi năm, đây là con số rất lớn.

Một người chết não có thể hiến tạng cứu sống 8 người khác và một người chết não có thể giúp cải thiện cuộc sống cho 75-100 người khác. Trong tương lai, Bệnh viện Việt - Đức cũng sẽ triển khai thực hiện các kỹ thuật ghép tạng mới như: Ghép tụy, khối tim - phổi, ghép van tim...

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nam-2024-phan-dau-dat-so-ca-ghep-tang-tu-nguoi-cho-chet-nao-cao-nhat-tu-truoc-den-nay-674313.html