Năm 2024, sản xuất tôm nước lợ đạt 215.000 tấn
Năm 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu nghị quyết của tỉnh đề ra trong năm, từ đó góp phần vào sự tăng trưởng chung của cả tỉnh đạt 5,77% (trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 2,65%). Phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng về những thành tựu ngành Nông nghiệp tỉnh đã đạt được trong năm 2023 và những giải pháp sẽ thực hiện trong năm 2024.
Phóng viên: Xin đồng chí điểm qua một số kết quả nổi bật ngành Nông nghiệp tỉnh đã đạt được trong năm 2023?
Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Trong năm 2023, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Theo đó, giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên 1 hécta, đạt 233 triệu đồng. Tổng sản lượng thủy, hải sản đạt 372.757 tăng 3% so cùng kỳ, vượt chỉ tiêu Nghị quyết. Trong đó tôm nước lợ đạt 206.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 950 triệu USD. Chiếm hơn 20% giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước.
Cụ thể, về lĩnh vực trồng trọt, cây lúa toàn tỉnh xuống giống được 330.381ha lúa, bằng 104% kế hoạch, ước sản lượng đạt trên 2 triệu tấn, tăng 1,46% so cùng kỳ, trong đó sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao 1,92 triệu tấn, chiếm hơn 93% sản lượng lúa toàn tỉnh. Cây ăn trái có diện tích 28.910ha, tăng 1,68% so với cùng kỳ, với một số cây trồng chính như: xoài, vú sữa, nhãn, sầu riêng, cây có múi... tổng sản lượng trái cây 293.345 tấn. Về chăn nuôi, tổng đàn gia súc 475.862 con, tăng gần 19% so cùng kỳ. Tổng đàn gia cầm 6,67 triệu con, tăng gần 3,7% so cùng kỳ. Sản lượng thịt gia súc xuất chuồng 43.063 tấn, tăng hơn 20% so cùng kỳ; sản lượng thịt gia cầm 30.114 tấn, tăng 0,56% so cùng kỳ. Đối với lĩnh vực thủy sản, diện tích thả nuôi 73.500ha, tăng 0,75% so cùng kỳ, trong đó, sản lượng tôm nuôi đạt 206.334 tấn và sản lượng khai thác 72.183 tấn.
Hình thành và phát triển khu vực sản xuất cây trồng theo hướng hữu cơ tại các địa phương có thế mạnh về loại nông sản đó, với diện tích 32.178ha (lúa 12.745ha, rau màu 5.970ha, cây ăn trái 13.463ha). Xây dựng 104 mã số vùng trồng trên cây ăn trái, diện tích hơn 685ha, trên vú sữa, nhãn, xoài, bưởi, sầu riêng cho các địa phương. Phát triển 4 trang trại nuôi gia súc, gia cầm công nghệ cao...
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ có những giải pháp gì để thực hiện đạt chỉ tiêu Nghị quyết tỉnh giao.
Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Năm 2024, trên cơ sở chỉ tiêu Nghị quyết giao, cụ thể: về sản xuất lúa đạt trên 2 triệu tấn; lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 93%. Diện tích cây ăn trái 29.000ha; diện tích rừng tập trung 9.270ha, trong đó rừng phòng hộ 7.270 ha, tỷ lệ che phủ rừng 2,65%. Tổng đàn gia súc 418.500 con và gia cầm 7,5 triệu con. Sản lượng thủy hải sản 380.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng 310.000 tấn (có 215.000 tấn tôm nước lợ), sản lượng khai thác 70.000 tấn...
Để đạt được các mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp, đó là tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, tổ chức sản xuất theo chuỗi, quy hoạch hình thành vùng trồng lúa đặc sản, chất lượng cao; khuyến khích nông dân phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị trên đơn vị canh tác.
Tiếp tục hướng dẫn hộ dân chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Khuyến khích, tạo điều kiện chuyển đổi chăn nuôi nhỏ lẻ kém hiệu quả sang chăn nuôi quy mô trang trại. Tăng cường kiểm tra công tác kiểm dịch vận chuyển và kiểm soát giết mổ, thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Xây dựng và triển khai nhân rộng các mô hình mới, các giải pháp, công nghệ nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi thủy sản theo các quy chuẩn sản xuất có trách nhiệm, an toàn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP… để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Duy tu, bảo dưỡng và đưa các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Rà soát và kiểm tra, vận động nhân dân bảo vệ, tôn cao các bờ bao để bảo vệ sản xuất trong mùa mưa lũ. Tiếp tục triển khai thêm các công trình nâng cấp, mở rộng tuyến ống mạng cấp nước nông thôn tại các huyện, thị xã, phục vụ cấp nước cho các hộ dân. Phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu thị trường, truy xuất được nguồn gốc, liên kết tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm của hợp tác xã, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm…
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!