Năm 2024 sẽ triển khai đơn nguyên cấp cứu, điều trị đột quỵ

Sở Y tế Bình Thuận phối hợp với chương trình Angels Initiatives 2023 vừa tổ chức hội nghị trao đổi chuyên đề định hướng phát triển đột quỵ tại Bình Thuận.

Chuyên đề định hướng phát triển đột quỵ tại Bình Thuận

Ước tính, tỷ lệ nguy cơ mắc đột quỵ ở Việt Nam là 161/100.000 dân. Dân số tại Bình Thuận khoảng 1.252.100 người (năm 2022), sẽ có khoảng 2.016 người có nguy cơ mắc đột quỵ; cần ít nhất 2 đơn vị sẵn sàng cấp cứu đột quỵ mới chăm sóc được cho người dân của tỉnh. Theo đó, chương trình Angels giúp hỗ trợ xây dựng và tối ưu hóa quy trình cấp cứu điều trị đột quỵ cho cơ sở khám chữa bệnh để bệnh nhân nhanh chóng được cứu sống, giúp giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội. Điều kiện để cơ sở khám chữa bệnh triển khai chương trình này phải có máy CT - scanner, thuốc tiêu sợi huyết (nếu cơ sở triển khai kỹ thuật can thiệp mạch não, cần có máy DSA), quy trình điều trị và nhân sự.

Tại hội nghị, bác sĩ Lê Văn Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế đề nghị chương trình Angels hỗ trợ kinh phí đào tạo bác sĩ, điều dưỡng của tỉnh về quy trình cấp cứu điều trị đột quỵ. Kế hoạch năm 2024, Bình Thuận sẽ triển khai đơn nguyên điều trị đột quỵ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận và Bệnh viện đa khoa khu vực phía Nam Bình Thuận. Đồng thời, thành lập nhóm đột quỵ với sự tham gia của các bác sĩ chuyên khoa trong tỉnh. Đại diện của chương trình Angels ghi nhận sự đề nghị của Sở Y tế, sẽ xem xét có kế hoạch cụ thể trong thời gian tới để có thể đồng hành xây dựng tối ưu quy trình cấp cứu, điều trị đột quỵ tại Bình Thuận. Được biết, Angels là chương trình phi lợi nhuận, phi thương mại hóa, được sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của các tổ chức uy tín thế giới; bao gồm Hội Đột quỵ thế giới (WSO), Hội Đột quỵ châu Âu (ESO) và tại Việt Nam, Hội Đột quỵ Việt Nam (VNSA), Hội Đột quỵ TP. Hồ Chí Minh (HSA).

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nam-2024-se-trien-khai-don-nguyen-cap-cuu-dieu-tri-dot-quy-112257.html