Năm 2024, tiếp tục ổn định tỷ lệ điều tiết các khoản thu giữa ngân sách trung ương và địa phương
Thông tư số 51/2023/TT-BTC ngày 17/7/2023 của Bộ Tài chính đã hướng dẫnvề xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nêu chi tiết về dự toán thu ngân sách địa phương.
Thông tư số 51/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính nêu rõ, các địa phương xây dựng dự toán trên cơ sở tổng hợp toàn bộ các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác trên địa bàn theo quy định tại Điều 7 Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan Tài chính, Thuế, Hải quan, phối hợp với các cơ quan liên quan ở địa phương chấp hành nghiêm việc lập dự toán thu ngân sách nhà nước và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước.
Công tác lập dự toán thu ngân sách nhà nước phải tích cực, sát thực tế, tổng hợp đầy đủ các khoản thu mới phát sinh trên địa bàn để tính đúng, tính đủ nguồn thu ngân sách, không dành dư địa để địa phương giao chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách.
Đồng thời, phải phân tích, đánh giá cụ thể những tác động ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 theo từng địa bàn, lĩnh vực thu, khoản thu, sắc thuế, trong đó tập trung đánh giá ảnh hưởng nguồn thu do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, tác động ngân sách do thực hiện các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế.
Theo Thông tư số 51/2023/TT-BTC, năm 2024, tiếp tục ổn định tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia và số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương (nếu có) như năm 2023. Căn cứ tỷ lệ % phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương (phần ngân sách địa phương được hưởng) đã được Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua dự toán năm 2023 để xác định dự toán thu ngân sách địa phương được hưởng năm 2024 của ngân sách từng cấp chính quyền địa phương đảm bảo đúng quy định Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan.