Năm 2024, Trường Đại học Vinh có thêm 1 giáo sư và 5 phó giáo sư

6 giảng viên của Trường Đại học Vinh được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận chức danh phó giáo sư, giáo sư năm 2024.

Năm 2024, Trường Đại học Vinh có thêm 1 giáo sư ngành Toán học và 5 giảng viên đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư gồm: 1 phó giáo sư ngành Giao thông Vận tải, 1 phó giáo sư ngành Hóa học, 2 phó giáo sư ngành Kinh tế và 1 phó giáo sư ngành Xây dựng.

Danh sách các thầy cô đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 của Trường Đại học Vinh như sau:

1. Thầy Lê Văn Thành - Giáo sư ngành Toán học

Giáo sư Lê Văn Thành sinh năm 1978 tại xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Thầy hiện đang là giảng viên cao cấp của Trường Đại học Vinh.

 Giáo sư Lê Văn Thành (thứ tư từ trái sang phải). Ảnh: NVCC.

Giáo sư Lê Văn Thành (thứ tư từ trái sang phải). Ảnh: NVCC.

Hướng nghiên cứu chủ yếu của thầy Thành là các định lý giới hạn trong lý thuyết xác suất, bao gồm luật số lớn đối với các biến ngẫu nhiên phụ thuộc và ứng dụng, luật số lớn đối với các phần tử ngẫu nhiên trên không gian Banach và tốc độ hội tụ trong định lý giới hạn trung tâm theo phương pháp Stein.

Thầy Thành đã hướng dẫn 3 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Bên cạnh đó, giáo sư có 46 bài báo khoa học, trong đó 40 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín; xuất bản 2 cuốn sách thuộc nhà xuất bản có uy tín.

Năm 2010, thầy được nhận bằng khen của Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" giai đoạn 2007-2010.

Năm 2018, thầy nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong năm học 2017-2018.

Năm 2023, thầy Thành nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vì đã đoạt giải Ba Giải thưởng công trình Toán học xuất sắc năm 2023 thuộc chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến 2030.

Xem chi tiết hồ sơ Giáo sư Lê Văn Thành tại đây.

2. Thầy Phan Văn Tiến - Phó Giáo sư ngành Giao thông Vận tải

 Phó Giáo sư Phan Văn Tiến. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư Phan Văn Tiến. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư Phan Văn Tiến sinh năm 1984 tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Hiện tại, thầy Tiến là Phó Trưởng phòng, Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Vinh.

Hướng nghiên cứu chủ yếu của thầy Tiến là Ứng xử cơ học vật liệu và kết cấu. Thầy Tiến đã hướng dẫn 3 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường và 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường trọng điểm.

Trong quá trình nghiên cứu, phó giáo sư có 34 bài báo khoa học, trong đó thầy là tác giả chính của 12 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín thuộc danh mục WoS/Scopus.

Xem chi tiết hồ sơ Phó Giáo sư Phan Văn Tiến tại đây.

3. Thầy Lê Thế Tâm - Phó Giáo sư ngành Hóa học

 Phó Giáo sư Lê Thế Tâm. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư Lê Thế Tâm. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư Lê Thế Tâm sinh năm 1984 tại Xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện tại, thầy là Trưởng Bộ môn Điều dưỡng - Hóa dược, Viện Công nghệ Hóa sinh - Môi trường, Trường Đại học Vinh.

Các hướng nghiên cứu chủ yếu của thầy Tâm gồm: 1) Tổng hợp và đặc trưng tính chất các vật liệu có cấu trúc nano ứng dụng trong y sinh; 2) Chế tạo vật liệu mới trên cơ sở các hợp chất có tính sinh học, tính chất lý hóa đặc biệt và khảo sát ứng dụng trong nông nghiệp, thực phẩm và các lĩnh vực khác.

Thầy Tâm đã hướng dẫn 4 học viện cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ; chủ nhiệm và hoàn thành 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở trở lên bao gồm: 1 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở (Trường Đại học Vinh), 1 đề tài nghiên cứu cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, 1 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh Nghệ An, 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quỹ VinGroup (chương trình học bổng sau tiến sĩ).

Trong quá trình nghiên cứu, phó giáo sư có 60 bài báo, báo cáo khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có 25 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Bên cạnh đó, thầy Tâm còn sở hữu 2 bằng độc quyền sáng chế và 1 bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Xem chi tiết hồ sơ Phó Giáo sư Lê Thế Tâm tại đây.

4. Thầy Đặng Thành Cương - Phó Giáo sư ngành Kinh tế

 Phó Giáo sư Đặng Thành Cương. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư Đặng Thành Cương. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư Đặng Thành Cương sinh năm 1980 tại xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Hiện tại, thầy Cương là Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Kinh tế, Trường Đại học Vinh.

Thầy Thành Cương có hai hướng nghiên cứu chủ yếu gồm kinh doanh ngân hàng và quản lý tài chính.

Hướng nghiên cứu 1 - Kinh doanh ngân hàng: tập trung phân tích những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh ngân hàng như huy động vốn của ngân hàng thương mại, cho vay các đối tượng khác nhau trong nền kinh tế, chất lượng dịch vụ, lòng trung thành và quản trị rủi ro của ngân hàng thương mại…

Hướng nghiên cứu 2 - Quản lý tài chính: tập trung vào các vấn đề liên quan đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài và quản lý tài chính của chính quyền, doanh nghiệp.

Trong công tác đào tạo và quá trình nghiên cứu, thầy Cương đã hướng dẫn 8 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ; hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường trọng điểm, 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường.

Phó Giáo sư Đặng Thành Cương xuất bản 3 cuốn sách và có 41 bài báo khoa học, trong đó có 7 bài báo quốc tế uy tín, 31 bài báo đăng trên các tạp chí trong nước.

Xem chi tiết hồ sơ Phó Giáo sư Đặng Thành Cương tại đây.

5. Cô Phạm Thị Thúy Hằng - Phó Giáo sư Kinh tế

 Phó Giáo sư Phạm Thị Thúy Hằng. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư Phạm Thị Thúy Hằng. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư Phạm Thị Thúy Hằng sinh năm 1983 tại xã Nghi Ân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Hiện, cô Hằng đang là giảng viên Khoa Kế toán, Trường Kinh tế, Trường Đại học Vinh.

Cô có hai hướng nghiên cứu chủ yếu là nghiên cứu lý luận và thực tiễn về kế toán gắn với xu thế hội nhập quốc tế; nghiên cứu về các khía cạnh khác nhau liên quan đến mối quan hệ giữa thông tin kế toán với các thông tin thuộc lĩnh vực kinh tế liên ngành.

Cô đã hướng dẫn 10 học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ; chủ nhiệm 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; tham gia xây dựng, phát triển 11 chương trình đào tạo đại học và cao học của Trường Kinh tế.

Nữ phó giáo sư đã công bố 38 bài báo khoa học, trong đó 7 bài trên tạp chí quốc tế có uy tín với 3 bài là tác giả chính.

Xem chi tiết hồ sơ Phó Giáo sư Phạm Thị Thúy Hằng tại đây.

6. Thầy Nguyễn Duy Duẩn - Phó Giáo sư ngành Xây dựng

 Phó giáo sư Nguyễn Duy Duẩn. Ảnh: NVCC.

Phó giáo sư Nguyễn Duy Duẩn. Ảnh: NVCC.

Thầy Nguyễn Duy Duẩn sinh năm 1985 tại thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện tại, thầy Duẩn đang là Trưởng Bộ môn Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Khoa Xây dựng, Trường Đại học Vinh.

Phó giáo sư Nguyễn Duy Duẩn có 3 hướng nghiên cứu chủ yếu là phân tích ứng xử và đánh giá hư hỏng kết cấu công trình chịu động đất; dự báo khả năng chịu lực của kết cấu dựa trên trí tuệ nhân tạo; đánh giá sự suy giảm khả năng chịu lực của kết cấu bị ăn mòn.

Thầy Duẩn đã hướng dẫn 5 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ. Thầy đã hoàn thành 1 đề tài cấp Bộ với vai trò chủ nhiệm, 1 đề tài cấp Bộ với vai trò thư ký khoa học.

Bên cạnh đó, phó giáo sư đã công bố 49 bài báo khoa học, trong đó có 23 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín thuộc danh mục SCIE, 13 bài báo đăng trên tạp chí thuộc danh mục Scopus, 7 bài báo đăng trên kỷ yếu hội thảo/hội nghị khoa học quốc tế, 4 bài báo đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục ESCI, 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học có uy tín trong nước.

Xem chi tiết hồ sơ Phó Giáo sư Nguyễn Duy Duẩn tại đây.

Với 1 giáo sư và 5 phó giáo sư được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024, Trường Đại học Vinh hiện có tổng cộng 4 giáo sư và 57 phó giáo sư.

Bên cạnh 6 tân giáo sư, phó giáo sư, năm 2024, Trường Đại học Vinh còn có 1 giáo sư được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân là Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Khoa. Nhiều tập thể và cá nhân khác của nhà trường được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, Kỷ niệm chương của các cơ quan Bộ, Ngành Trung ương, cũng như Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Nhà trường bày tỏ, những thành tích xuất sắc này không chỉ tô thắm thêm trang sử vẻ vang của Trường Đại học Vinh mà còn khẳng định vị thế và uy tín của nhà trường trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Trường Đại học Vinh được thành lập năm 1959 theo Nghị định số 375/NĐ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục với tên gọi ban đầu là Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh. Ngày 29/02/1962, Bộ trưởng Bộ Giáo dục có Quyết định số 637/QĐ đổi tên Phân hiệu Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Sư phạm Vinh. Ngày 25/4/2001, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 62/2001/QĐ-TTg đổi tên Trường Đại học Sư phạm Vinh thành Trường Đại học Vinh. Ngày 11/07/2011, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 1136/TTg-KGVX đưa Trường Đại học Vinh vào danh sách xây dựng thành trường đại học trọng điểm quốc gia.

Thùy Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nam-2024-truong-dai-hoc-vinh-co-them-1-giao-su-va-5-pho-giao-su-post247312.gd