Năm 2025, cơ hội và thách thức nào đang chờ?

Có thể thấy, những ảnh hưởng của bối cảnh thế giới từ năm 2024 sẽ kéo dài sang 2025. Cụ thể, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump, thế giới sẽ phải đối mặt với những chính sách bảo hộ thương mại quyết liệt, trong đó Việt Nam cũng sẽ chịu tác động mạnh.

Điều này đặt ra yêu cầu phải chuẩn bị kỹ lưỡng, vì đây sẽ là một năm đầy thử thách cho nền kinh tế Việt Nam với các căng thẳng liên quan đến vấn đề tỷ giá, ngoại thương và các biến động chính trị thế giới. Ngoài ra, các khó khăn nội tại trong nước cũng ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư.

Về tỷ giá, chỉ số đồng USD (DXY) ghi nhận tăng mạnh trong thời gian qua, đạt mức 105,69 vào ngày 9/12/2024. Điều này kéo theo tỷ giá đồng Việt Nam tăng, từ 24.265 đồng/USD đầu năm lên 25.318 đồng/USD hiện nay, tương đương mức tăng 4,34%. Dự báo, cả năm 2024, đồng Việt Nam sẽ mất giá khoảng 5%. Sang năm 2025, tỷ giá sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế của ông Donald Trump.

Về ngoại thương, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam phát triển mạnh trong những năm qua, với kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP. Tuy nhiên, việc phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ cũng là một rủi ro. Các chính sách mới của ông Trump sẽ tạo ra thách thức lớn.

Về tình hình chính trị quốc tế, các điểm nóng tại Ukraine, Trung Đông, và mới đây là bán đảo Triều Tiên, sẽ tạo ra những diễn biến khó lường, ảnh hưởng đến tiền tệ toàn cầu và chính sách kinh tế Việt Nam. Tất cả những biến động địa chính trị này sẽ tác động lên chính sách đối ngoại của chính phủ ông Trump sau khi ông nhậm chức ngày 20/1/2025.

Với vị trí là một siêu cường của thế giới, chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ tác động mạnh mẽ lên tình hình chính trị toàn cầu và từ đó các thị trường tài chính. Việt Nam với sự lệ thuộc vào ngoại thương với Mỹ và có tỷ lệ thanh toán bằng đồng USD trong các giao dịch ngoại thương lên tới khoảng 80 - 90%, sẽ chịu những tác động từ biến động của đồng USD và các chính sách kinh tế và đối ngoại của Mỹ.

Một thách thức đáng quan tâm nữa là những khó khăn nội tại của kinh tế trong nước. Hiện tại, nhiều DN vẫn đang chật vật phục hồi. Họ cần thêm những hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để phát triển bền vững hơn.

Bên cạnh những khó khăn, Việt Nam cũng đứng trước nhiều cơ hội năm 2025 như cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Thực tế gần đây, Nvidia - công ty công nghệ bán dẫn hàng đầu của Mỹ đã quyết định chọn Việt Nam làm địa điểm đặt trung tâm R&D đầu tiên của Nvidia tại ASEAN.

Về nội tại, Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế, tạo nền tảng cho một giai đoạn phát triển mới. Thị trường xuất khẩu dự đoán vẫn tăng mạnh, do hiện tại nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, AVFTA,... đang triển khai đạt hiệu quả.

Từ những khó khăn và thách thức nêu trên, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có thêm các chính sách thu hút FDI chất lượng cao vào các ngành công nghiệp mới như bán dẫn, AI,... Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, phải đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tăng chất lượng, phát triển nông nghiệp hữu cơ. Nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân cũng đang có xu hướng tăng mạnh và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư của xã hội và đặc biệt với sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, môi trường kinh doanh sẽ được tháo gỡ nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN phát triển.

Năm 2025, khu vực tư nhân được đánh giá sẽ tăng trưởng mạnh mẽ với vốn đầu tư tăng mạnh hơn. Bên cạnh đó, đầu tư từ Nhà nước sẽ là mồi dẫn dắt cho nền kinh tế phát triển với các công trình lớn như đường sắt cao tốc Bắc - Nam... Hạ tầng giao thông liên kết sẽ tạo ra mối liên kết giữa các vùng, tạo các vành đai công nghiệp, thúc đẩy mức độ lưu thông hàng hóa rất lớn.

Hà Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nam-2025-co-hoi-va-thach-thuc-nao-dang-cho.html