Năm 2025, Giám đốc Sở GD Bắc Giang, Lai Châu đề cao nhiệm vụ tuyển bổ sung GV
Giám đốc sở giáo dục địa phương đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025, hướng tới giải quyết vấn đề vấn đề thiếu GV cục bộ.
Năm 2024, ngành giáo dục địa phương đã nỗ lực thực hiện các kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, cải thiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên.
Nhiều nhiệm vụ vượt chỉ tiêu đề ra trong năm 2024
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Tạ Việt Hùng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang chia sẻ: “Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo, sự đồng thuận và quyết tâm cao trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện của tập thể lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang, chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn đã có bước tiến xuất sắc, vượt bậc.
Các chỉ tiêu về tuyển sinh, huy động trẻ ra lớp, kiên cố hóa và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2024 là năm mà ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Giang ngày càng tiến bộ trong tốp các tỉnh dẫn đầu cả nước”.
Đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 716 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt 95,5% (vượt 0,3% so với chỉ tiêu được giao), 218 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt 29,1% (vượt 2,5%). Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là 99,76%, vượt 1,76% so chỉ tiêu giao năm 2024; điểm bình quân đạt 6,682 điểm. Tỷ lệ học sinh phổ thông xếp loại học lực khá, giỏi cao.
Đặc biệt, ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành xuất sắc, vượt chỉ tiêu đề ra trong nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn.
Cụ thể, trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023 – 2024, tỉnh Bắc Giang có 86 giải, trong đó có 4 giải Nhất, 25 giải Nhì, 38 giải Ba và 19 giải Khuyến khích (tăng 27 giải và 5 bậc so với năm học 2022-2023).
Năm 2024, Bắc Giang được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao đăng cai tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, kết quả có 4 dự án tham gia và đều xuất sắc đoạt giải, trong đó có 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 1 giải Tư; là một trong 2 tỉnh có số giải cao nhất toàn quốc.
Chia sẻ về thành tích ấn tượng này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, năm 2024, những chủ trương đổi mới của ngành được chỉ đạo nghiêm túc, linh hoạt, hiệu quả. Các hoạt động giáo dục đã cơ bản chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất người học.
Không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành vượt chỉ tiêu tỷ lệ kiến cố hóa toàn tỉnh, cải thiện cơ sở vật chất trường học, đảm bảo công tác dạy học ngày càng chất lượng.
Cùng chia sẻ với phóng viên, Nhà giáo ưu tú Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết, năm 2024, ngành giáo dục tỉnh Lai Châu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Công tác huy động học sinh ra lớp được các cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm, đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ trẻ từ nhà trẻ đến trung học phổ thông ra lớp đều tăng so với năm học trước, cho thấy sự nỗ lực trong việc đảm bảo quyền học tập cho mọi lứa tuổi.
Trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, Nhà giáo ưu tú Đinh Trung Tuấn cho biết: “100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 trở lên, trong đó 61,3% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh Lai Châu, các huyện đã mở 108 lớp xóa mù chữ cho 2.202 người dân, nâng tỷ lệ người dân trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi biết chữ”.
Nhờ sự quan tâm và triển khai tích cực, hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn”, đến nay, quy mô trường lớp tiếp tục được sắp xếp hợp lý, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư mạnh mẽ.
Đặc biệt, trong năm 2024, tỉnh Lai Châu đã thực hiện rà soát, sắp xếp lại quy mô trường, lớp theo hướng tinh gọn, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học và trung học cơ sở), thu gọn lại các điểm trường có khoảng cách gần nhau trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Kết thúc năm 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu thực hiện đạt và vượt 34/36 chỉ tiêu theo kế hoạch Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
Tuyển dụng bổ sung giáo viên được đẩy mạnh trong năm 2025
Bên cạnh những thành tựu đạt được trong năm học vừa qua, ngành giáo dục tỉnh Lai Châu vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên cục bộ. Trong năm học 2024 - 2025, toàn ngành thiếu 752 giáo viên so với biên chế được giao (trong đó: mầm non 96, tiểu học 238, trung học cơ sở 319, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên 99).
Việc tuyển dụng giáo viên gặp khó khăn, thiếu nhất là giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Mĩ thuật, Âm nhạc do thiếu nguồn tuyển dụng. Một số trường còn thiếu thiết bị phòng học bộ môn, thiết bị theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhà giáo ưu tú Đinh Trung Tuấn chia sẻ: “Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, trong năm 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả và hiệu lực công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Chủ động rà soát, tham mưu với cấp có thẩm quyền đảm bảo các chế độ, chính sách cho học sinh, giáo viên góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo đội ngũ triển khai, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018; tăng cường công tác tuyên truyền chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để thu hút giáo viên đến Lai Châu công tác”.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên triển khai đào tạo đại học sư phạm Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật theo diện hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 07/2024/NQ-HĐND, ngày 17/4/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh để đảm bảo nguồn tuyển dụng giáo viên.
Ngoài ra, năm 2025 tới đây, Sở sẽ chủ động rà soát, tham mưu với cấp có thẩm quyền đảm bảo các chế độ, chính sách cho học sinh, giáo viên góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục.
Năm 2025 mở ra một kỷ nguyên mới đầy hứa hẹn cho ngành giáo dục, khi sự đổi mới và hội nhập toàn cầu trở thành những yếu tố quyết định. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu nhấn mạnh, sẽ thực hiện đảm bảo các chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Đặc biệt, tổ chức hiệu quả các hoạt động giáo dục đặc thù, nuôi dưỡng học sinh nội trú, bán trú khoa học; chăm lo hỗ trợ điều kiện học tập cho học sinh người dân tộc thiểu số, nhất là học sinh ở vùng cao, biên giới, vùng gặp nhiều khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất để các em có cơ hội đến trường và học tập.
Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang, để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, trong năm 2025, ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Bắc Giang đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Trong đó, rà soát, thực hiện linh hoạt, bố trí và sắp xếp giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt là một số môn học như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mĩ thuật,…. ; tuyển dụng bổ sung giáo viên phổ thông các cấp học đáp ứng quy mô phát triển giáo dục, đảm bảo đủ tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đặc biệt, năm 2025, ngành giáo dục tỉnh Bắc Giang sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.
Thạc sĩ Tạ Việt Hùng cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang sẽ tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo theo Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục xây dựng hoàn thiện các cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, kết nối liên thông dữ liệu trong ngành giáo dục và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang xác định, một trong những nhiệm vụ trong năm 2025 là nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh ở các cấp học và bậc học; xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Từ đó, tiến tới tổng kết Kế hoạch nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh giai đoạn 2021-2025.