Năm 2025, Hà Nội sẽ khởi công 12 công trình điện
Năm 2025, Hà Nội sẽ khởi công được 12 công trình và đóng điện vận hành 24 công trình song song với việc tiếp tục công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng nhiều công trình điện khác.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Kế hoạch số 353/KH-UBND ngày 3/12/2024 về phát triển điện lực thành phố Hà Nội năm 2025.
Cụ thể, Hà Nội chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu cấp điện năm 2025 như sau: Sản lượng điện thương phẩm đạt 27.640 triệu kWh, tăng trưởng 7,2%; tỷ lệ tổn thất điện năng đạt 3,4%; chỉ số thời gian mất điện bình quân lưới điện trung áp dưới 120 phút; tỷ lệ tiết kiệm điện trên tổng sản lượng điện tiêu thụ đạt 2,2%.
Năm 2025, Hà Nội sẽ khởi công được 12 công trình và đóng điện vận hành 24 công trình song song với việc tiếp tục công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng nhiều công trình điện khác.
Hà Nội cũng khảo sát, lập kế hoạch đầu tư hạ tầng kỹ thuật điện từ nguồn vốn ngành điện tại 100% các cụm công nghiệp thành lập mới năm 2025. Số hóa ở hầu hết các hoạt động tiếp cận điện năng và cung cấp dịch vụ cho khách hàng, 100% các hoạt động quản lý, vận hành hệ thống điện cấp 110kV trở lên; triển khai diễn tập ứng phó sự cố mất điện diện rộng quy mô 220kV.
Thành phố sẽ hoàn thành xử lý dứt điểm 10 điểm vi phạm hành lang lưới điện cao áp còn tồn tại dưới đường dây 110kV Thành Công - Giám trên địa bàn quận Đống Đa; tập trung xử lý ít nhất 50-70% điểm vi phạm chiếm dụng cột điện, trạm biến áp tại mỗi địa bàn.
Bên cạnh đó, Hà Nội yêu cầu ngành điện rà soát, lập danh mục, bố trí đầy đủ nguồn lực và tổ chức hạ ngầm hệ thống cáp điện lực trong nội đô và tại các khu vực phát triển đô thị, khu vực có quy hoạch ổn định theo kế hoạch thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030; xây dựng Kế hoạch phát triển điện lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2026-2030; bố trí đủ nguồn kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng công trình điện đảm bảo cấp điện phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.
Ngành điện xây dựng các kịch bản cấp điện theo tiêu chí linh hoạt, dự phòng cao bảo đảm cấp điện kịp thời trong mọi tình huống; thúc đẩy việc ngầm hóa hạ tầng lưới điện và tổ chức triển khai Quy hoạch phát triển điện lực; lập kế hoạch đầu tư hạ tầng kỹ thuật điện bằng nguồn vốn ngành điện tại 100% các cụm công nghiệp thành lập mới năm 2025.
Ngành điện thường xuyên tổ chức kiểm tra hạ tầng lưới điện trong phạm vi quản lý và có giải pháp thay thế, sửa chữa trang thiết bị bảo đảm vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa tổ chức nhà nước với đơn vị quản lý lưới điện trong cấp phép thi công đào hè đường tuân thủ các quy định pháp luật về hành lang bảo vệ an toàn đường cáp ngầm, hàng lang bảo vệ đê điều và phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường bộ gần hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.
Việc bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống điện, duy trì tiêu chí điện tại các huyện, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu được chú trọng. Thành phố cũng yêu cầu ngành điện quan tâm đầu tư các trạm biến áp cấp điện cho các khu vực quy hoạch sản xuất chuyên canh tập trung, các Cụm Công nghiệp làng nghề trên địa bàn; đầu tư phát triển hệ thống lưới điện trung áp đồng bộ với lưới điện hạ áp của các tổ chức kinh doanh điện nông thôn.
Ngành điện triển khai đồng bộ chương trình chỉnh trang nông thôn mới, di chuyển cột, bó gọn, thanh thải cáp viễn thông, đường dây các loại bảo đảm mỹ quan đô thị; tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng dịch vụ cung cấp điện; phối hợp triển khai xây dựng nông thôn thông minh.
Thành phố yêu cầu ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại có tính tự động hóa cao trong thiết kế, lắp đặt, quản lý vận hành, bảo trì bảo dưỡng các trạm biến áp và đường dây truyền tải năng lượng; triển khai chuyển đổi số trong quản lý vận hành các trạm biến áp 220kV, 110kV của thành phố, số hóa hầu hết các hoạt động tiếp cận điện năng và cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Đồng thời, thúc đẩy các nền tảng số trong quản lý mua bán điện, trải nghiệm các dịch vụ cung cấp điện; xây dựng hệ thống điện thông minh góp phần triển khai thực hiện Chiến dịch tăng trưởng xanh của Thủ đô.
Hà nội sẽ đa dạng hóa các hình thức phổ biến, tuyên truyền chuyên sâu về văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn về đầu tư phát triển điện lực, an toàn điện, bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp; đẩy mạnh tiếp xúc, vận động người dân, người lao động nâng cao ý thức trách nhiệm sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; tuyên truyền về các Chương trình, Kế hoạch thúc đẩy phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quản lý nhu cầu điện; thực hành tiết kiệm điện.
UBND thành phố Hà Nội giao Sở Công Thương giữ vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phát triển điện lực thành phố, là đầu mối trong phối hợp, triển khai các mặt hoạt động của Ban Chỉ đạo thành phố; chủ trì tổ chức làm việc với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã đôn đốc hướng dẫn thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển điện lực tại địa phương; kiểm tra đôn đốc hướng dẫn các Chủ đầu tư công trình điện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng công trình điện theo Quy hoạch, Kế hoạch.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp tổ chức các chương trình tập huấn, phổ biến chủ trương, chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực điện lực; phối hợp với Công an thành phố và chính quyền các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án đảm bảo an ninh, trật tự hệ thống truyền tải 500kV thuộc Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nam-2025-ha-noi-se-khoi-cong-12-cong-trinh-dien/355525.html