Năm 2025, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh dự báo tiếp tục đà tăng trưởng

Tốc độ giải quyết thách thức về cơ sở hạ tầng của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ góp phần quyết định tốc độ tăng trưởng của địa phương này trong năm 2025 và đóng vai trò then chốt trong việc quyết định tốc độ tăng trưởng trong kỷ nguyên mới.

Các đại biểu chủ trì buổi tọa đàm.

Các đại biểu chủ trì buổi tọa đàm.

Ngày 25/12, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) và Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức tọa đàm ra mắt “Báo cáo Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh: Phục hồi và sẵn sàng sang kỷ nguyên mới”.

Theo đó, Báo cáo Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh: Phục hồi và Sẵn sàng sang kỷ nguyên mới” nhấn mạnh, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng ổn định và từng bước chuyển dịch mô hình tăng trưởng.

Năm 2024, GRDP Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 1.178 nghìn tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng trưởng 7,17% (năm 2023 là 5,8%).

Tăng trưởng GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2024 chủ yếu đến từ khu vực dịch vụ (7,7%) và công nghiệp (7,26%). Trong khi đó, khu vực xây dựng trong năm 2024 ước tính chỉ tăng trưởng 4,86%.

Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm

Giáo sư, Tiến sĩ Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm

Theo giá hiện hành năm 2024, khu vực dịch vụ chiếm 65,7% trong GDRP, khu vực công nghiệp chiếm 17,9%, và khu vực xây dựng chiếm 3,5%. Khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong GDRP (0,5%) và ước tính chỉ tăng 0,12% trong năm 2024 so năm 2023...

Theo đánh giá Báo cáo Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng nhưng vẫn chưa quay lại được với xu hướng tăng trưởng của giai đoạn trước đại dịch Covid-19.

Điều này phần nào phản ánh một hiện thực khách quan là kinh tế thành phố đang phải đối mặt với một thử thách kép: Phục hồi sau đại dịch Covid-19 song song với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ thâm dụng lao động sang công nghệ cao và xanh hóa.

Do đó, thành phố cần phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và khai thác tiềm năng của mô hình tăng trưởng mới để đạt được tốc độ tăng trưởng cao.

Trong năm 2025, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh được dự báo sẽ tiếp tục đà hồi phục nhờ vào tăng trưởng của ngành dịch vụ, công nghiệp và xây dựng.

Tiêu dùng của người dân ở thành phố có xu hướng tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung cả nước và khách du lịch đang trong đà tăng trưởng tốt cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới.

Ngành công nghiệp cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục đà hồi phục, đặc biệt là hai ngành trọng điểm là hóa dược và điện tử.

Với những cơ chế và chính sách hỗ trợ mới, lĩnh vực bất động sản và xây dựng cũng được kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh hơn.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng để bước sang một kỷ nguyên mới với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, đó là: nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, cơ sở hạ tầng.

Trong 3 thách thức mà Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt trên, tập trung giải quyết thách thức về cơ sở hạ tầng là cách tiếp cận hiệu quả nhất trong việc tháo gỡ triệt để vòng xoáy luẩn quẩn giữa năng suất, tiền lương, lao động chất lượng cao và vốn đầu tư.

Tốc độ giải quyết thách thức về cơ sở hạ tầng sẽ góp phần quyết định tốc độ tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2025 và đóng vai trò then chốt trong việc quyết định tốc độ tăng trưởng trong kỷ nguyên mới.

Báo cáo Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh: Phục hồi và sẵn sàng sang kỷ nguyên mới” là ấn phẩm nghiên cứu khoa học do Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp thực hiện.

CAO TÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nam-2025-kinh-te-thanh-pho-ho-chi-minh-du-bao-tiep-tuc-da-tang-truong-post852486.html