Quảng Ninh: Định vị Hạ Long trở thành đô thị xanh, đô thị di sản trong kỷ nguyên mới

Tại Hội thảo được tổ chức ngày 26/12, các chuyên gia, nhà khoa học đã kiến nghị nhiều giải pháp chuyển đổi số, phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long để thúc đẩy phát triển kinh tế của TP Hạ Long trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

3 chủ đề chính được các chuyên gia, nhà quản lý tập trung thảo luận là: Định vị TP Hạ Long trở thành đô thị di sản trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; Hạ Long nhìn từ cực tăng trưởng kinh tế đến động lực phát triển vùng, quốc gia và toàn cầu; Phát huy giá trị ngoại hạng Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long cho thúc đẩy kinh tế di sản.

Du khách chèo thuyền tham quan làng chài Vung Viêng, vịnh Hạ Long.

Du khách chèo thuyền tham quan làng chài Vung Viêng, vịnh Hạ Long.

Nhấn mạnh sự giàu mạnh, phong phú về văn hóa của tỉnh Quảng Ninh với sự hội tụ đủ các loại hình di sản, GS.TS Nguyễn Văn Kim,Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng: TP Hạ Long nên đặt không gian văn hóa vịnh Hạ Long trong mối liên kết chuỗi và di sản liên vùng để tạo hiệu ứng, nhân tố kích hoạt cho sự gia tăng các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

GS.TS Nguyễn Văn Kim gợi mở, Hạ Long nên sớm có chương trình khảo sát, nghiên cứu để nhận diện sâu, đánh giá tổng thể, toàn diện hơn về sự phân bố, trữ lượng, tiềm năng, giá trị văn hóa của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và các loại hình di sản trên địa bàn thành phố để có kế hoạch bảo tồn, chuyển hóa thành nguồn lực, nguồn tài nguyên, giá trị tương hỗ cho Di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long. Mục tiêu căn bản là không ngừng tạo ra các giá trị mới cho sự phát triển của kinh tế di sản, đồng thời tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Tàu biển Noordam và Celebrity Solstice cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đưa hơn 4.700 du khách đến thăm Hạ Long vào ngày 12/11.

Tàu biển Noordam và Celebrity Solstice cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đưa hơn 4.700 du khách đến thăm Hạ Long vào ngày 12/11.

Bàn về việc lồng ghép phát triển “kép” kinh tế số và kinh tế xanh, GS.TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh: Việc kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh không chỉ giúp TP Hạ Long giải quyết hiệu quả các thách thức môi trường mà còn tăng cường năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa hoạt động kinh tế, thúc đẩy kinh tế du lịch bền vững và xây dựng hình ảnh thành phố xanh - thông minh trên bản đồ quốc tế.

GS.TS Trần Thọ Đạt cũng đã gợi ý một số giải pháp cụ thể như quản lý môi trường thông minh qua các công nghệ số như ứng dụng công nghệ IoT và AI. Giảm thiểu rác thải và phát triển kinh tế tuần hoàn bằng cách áp dụng công nghệ xử lý rác thải thông minh, sử dụng các giải pháp số hóa để quản lý phân loại, thu gom và tái chế rác thải hiệu quả... Hay phát triển năng lượng sạch và giảm phát thải thông qua việc áp dụng quản lý năng lượng thông minh, tích hợp công nghệ số vào quản lý tiêu thụ năng lượng trong các khu vực đô thị và du lịch; có kế hoạch ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió; khuyến khích tàu du lịch sử dụng nhiên liệu sạch hoặc năng lượng điện, giám sát hành trình để giảm phát thải carbon...

Một góc thành phố di sản Hạ Long.

Một góc thành phố di sản Hạ Long.

Một số ý kiến khác cho rằng, Hạ Long cần đẩy mạnh phát triển vùng và liên kết vùng trước hết vì sự phát triển của chính mình, sau đó là thực hiện vai trò kiến tạo, dẫn dắt các địa phương/vùng xung quanh cùng phát triển.

"Cùng với việc khai thác các thế mạnh đặc thù của thành phố và tỉnh, Hạ Long có điều kiện phát triển một nền kinh tế khá toàn diện, có khả năng dẫn dắt tăng trưởng và phát triển kinh tế vùng. Trước hết là Vùng đô thị Hạ Long (bao gồm chuỗi đô thị Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Uông Bí và Đông Triều), trong đó Hạ Long là trung tâm vùng, Quảng Yên là động lực tăng trưởng mới của tỉnh. Gắn liền với chức năng động lực phát triển của tỉnh Quảng Ninh và vùng Đông Bắc, Hạ Long cũng cần thúc đẩy liên kết lao động - việc làm, sản xuất công nghiệp - kinh tế đô thị, công nghiệp - cảng biển, logistics; nâng cấp các cơ sở đào tạo một số ngành nghề, đặc biệt là du lịch. Trong những năm trước mắt, cần tăng cường liên kết vùng đô thị với Hải Phòng, tạo thành cụm đô thị có khả năng từng bước hướng tới gia nhập hệ thống thành phố toàn cầu", PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Phát triển bền vững kinh tế địa phương Việt Nam - ASEAN nêu quan điểm.

Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến khẳng định, mô hình phát triển trong kỷ nguyên mới của thành phố sẽ tập trung hướng vào tăng cường khả năng hoán chuyển những bất lợi hiện nay thành lợi thế, với một chiến lược phát triển xanh, chuyển đổi số, kinh tế di sản là hướng đi đúng đắn.

Cùng với tư duy tầm nhìn toàn cầu và tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo, cách làm linh hoạt của địa phương, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản sẽ hóa giải bài toán mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa con người Hạ Long... Đồng thời là động cơ, động lực dẫn dắt nền kinh tế thành phố bứt phá trong giai đoạn tới, trở thành hình mẫu phát triển tiên phong, tiêu biểu của tỉnh và đất nước.

Đông Bắc

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quang-ninh-dinh-vi-ha-long-tro-thanh-do-thi-xanh-do-thi-di-san-trong-ky-nguyen-moi-10297227.html