Năm 2025, năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc

Theo Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, năm 2025 là 'Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc'. Đây là dịp để hai bên tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tình hữu nghị truyền thống Việt Nam – Trung Quốc, củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn nữa.

Chuyến thăm cấp Nhà nước đến nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ ngày 18- 20/8 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thành công rất tốt đẹp. Kết thúc chuyến thăm, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả của chuyến thăm này.

Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung nhấn mạnh, đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sau khi được bầu giữ cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. Đảng, Nhà nước Trung Quốc đón tiếp rất trọng thị, chu đáo, bố trí các biện pháp lễ tân, hậu cần, an ninh cao nhất theo nghi thức chuyến thăm cấp Nhà nước với nhiều biệt lệ.

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho rằng, nhận thức về tầm quan trọng của quan hệ Việt – Trung phải đặt trong tổng thể đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam.

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho rằng, nhận thức về tầm quan trọng của quan hệ Việt – Trung phải đặt trong tổng thể đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam.

Lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước đều khẳng định sự coi trọng quan hệ lẫn nhau. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam là coi trọng và ưu tiên hàng đầu quan hệ với Trung Quốc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và các lãnh đạo chủ chốt Trung Quốc khẳng định coi Việt Nam là ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng.

Hai bên coi đây là lựa chọn chiến lược của mỗi bên. Đồng thời, nhất trí tiếp tục duy trì đối thoại chiến lược cấp cao, xây dựng quan hệ giữa hai người đứng đầu hai Đảng, hai nước.

Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã dành nhiều quan tâm và thời lượng để trao đổi về định hướng hợp tác trên các lĩnh vực. Trong đó nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như ngoại giao, quốc phòng, công an; mở rộng hợp tác kết nối giữa sáng kiến “Vành đai và Con đường” với khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai”.

Việt Nam và Trung Quốc nhất trí đẩy nhanh xây dựng “kết nối cứng” về hạ tầng cơ sở, cửa khẩu, đường sắt qua biên giới giữa hai nước; tăng cường “kết nối mềm” về hải quan thông minh. Trung Quốc sẵn sàng cung cấp viện trợ không hoàn lại để Việt Nam quy hoạch và nghiên cứu khả thi các tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Trung Quốc ở phía Bắc.

Hai bên sẽ tích cực nghiên cứu thí điểm cửa khẩu thông minh, thí điểm xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới, cũng như xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn, ổn định. Trung Quốc ủng hộ các doanh nghiệp có thực lực tham gia phát triển kinh tế tại Việt Nam.

Ngoài Tuyên bố chung giữa nước về tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc, trong chuyến thăm, hai bên đã ký kết 16 văn kiện triển khai hợp tác thiết thực trong nhiều lĩnh vực.

“Hướng tới năm 2025 khi hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/01/1950-18/01/2025), lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước quyết định lấy năm 2025 là “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc”. Đây là dịp để hai bên tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tình hữu nghị truyền thống Việt Nam – Trung Quốc, củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn nữa”, ông Trung cho biết.

Để phát huy kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương cho rằng, các cấp, các ngành, các địa phương cần nhận thức, quán triệt đầy đủ về tầm quan trọng của quan hệ Việt – Trung. Nhận thức này phải đặt trong tổng thể đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

“Việc quán triệt đó sẽ có tác dụng thực tế nếu đi kèm với việc tích cực, chủ động thực hiện và triển khai sáng tạo, quyết liệt. Làm sao để những nhận thức chung và thỏa thuận đó thực sự lan tỏa và đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Các bộ ngành, địa phương cần kịp thời nghiên cứu, xây dựng các chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể nhằm quán triệt thực hiện nhận thức chung cấp cao một cách hiệu quả. Các cơ quan, cơ chế liên quan cũng cần định kỳ rà soát, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện”, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương nhấn mạnh.

Hà Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/chinh-tri/nam-2025-nam-giao-luu-nhan-van-viet-nam-trung-quoc/20240820104029751