Năm 2025, phấn đấu xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 12% so với năm 2024
Sau năm 2024 với nhiều điểm sáng, năm 2025, hoạt động xuất khẩu hàng hóa phấn đấu tăng khoảng 12% so với năm 2024.
Điểm sáng của xuất khẩu hàng hóa
Thông tin từ Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, mặc dù đối mặt với áp lực giảm giá, yêu cầu chất lượng cao, các tiêu chí bền vững, chi phí đầu vào tăng và thiếu hụt lao động… ngành da giày - túi xách vẫn đạt doanh thu 26 tỷ USD trong năm 2024, tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2023.
Hiện nay, trong chuỗi cung ứng da giày thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 3 về sản xuất với 1,4 tỷ đôi/năm, sau Trung Quốc và Ấn Độ; đứng thứ 2 về xuất khẩu với 1,3 tỷ đôi/năm, chỉ sau Trung Quốc.
Các thị trường xuất khẩu của ngành da giày năm 2024 đều có sự tăng trưởng. Một số thị trường lớn như: Mỹ, EU giữ được mức tăng trên 10%. Năm nay Trung Quốc tiếp tục được xếp vào nhóm thị trường xuất khẩu tỷ USD của ngành, chỉ xếp sau Mỹ, EU và chiếm 9% tỷ trọng.
Bước sang năm 2025, ngành da giày vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% so với năm 2024, đạt kim ngạch khoảng 29 tỷ USD. Để đạt mục tiêu này, ngành da giày còn phụ thuộc vào yếu tố nhu cầu tiêu dùng và khả năng tuân thủ tiêu chuẩn xanh từ các thị trường nhập khẩu.
Cùng với da giày, thủy sản cũng là một trong những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt. Tại Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024 diễn ra tối 23/12/2024 tại TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhấn mạnh, bối cảnh năm 2024 khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng với tinh thần sáng tạo, khả năng thích ứng linh hoạt ngành thủy sản Việt Nam đã đạt được thành tích ấn tượng với giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2023.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều ngành hàng đã “về đích” thành tích xuất khẩu năm 2024 ở mức cao. Theo Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đã có sự phục hồi mạnh mẽ, là điểm sáng trong kinh tế cả nước năm 2024. Các cuộc xung đột quân sự và bất ổn chính trị tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, kinh tế Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng tích cực. Trong đó, các kết quả đáng chú ý trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ở mức cao với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Dự kiến xuất khẩu cả năm 2024 ước đạt trên 404 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với năm 2023. Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 14,7%; trong đó máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ tăng trên 20%. Xuất khẩu Dệt may, giày dép tăng trên 10%. Xuất khẩu thủy sản phục hồi mạnh, tăng trên 10%; rau quả tăng trên 20%. Bên cạnh đó, hầu hết các thị trường xuất khẩu đã phục hồi và tăng trưởng tốt, các thị trường đã kí kết FTA với Việt Nam đều đạt tăng trưởng cao. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu với mức cao, trên 24 tỷ USD, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và ổn định vĩ mô.
Đặc biệt, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước phục hồi tốt. Cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đều ghi nhận tăng trưởng tốt về kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 105,5 tỷ USD, tăng 19,5%, cao hơn mức tăng trưởng của khu vực FDI (12,6%).
Đánh giá rất cao sự vươn mình của khối doanh nghiệp trong nước, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương mới đây, TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương nêu rõ, đặt trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng có giá trị thấp như nông sản, thủy sản… sự tăng trưởng vượt trội so với khối doanh nghiệp FDI cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp nội. Đồng thời cho thấy doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị kỹ càng, nắm bắt tốt thời cơ trong giai đoạn thị trường phục hồi.
Bộ Công Thương tích cực vào cuộc
Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương đánh giá, có được kết quả này, bên cạnh yếu tố vĩ mô thế giới tích cực hơn, còn có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, đến công tác phát triển thị trường. Các doanh nghiệp cũng chủ động, linh hoạt đa dạng hóa thị trường, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu.
Trong đó, Cục Xuất nhập khẩu có đóng góp trong công tác xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hóa thương mại, phát triển dịch vụ logistics, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới.
Cụ thể, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đồng thời quản lý rủi ro, Bộ Công Thương đã rà soát, điều chỉnh phù hợp cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi trên môi trường điện tử.
Từ ngày 01/01/2024, Bộ Công Thương đã thực hiện việc cấp 13 mẫu C/O điện tử cho doanh nghiệp bao gồm: AANZ, AJ, E, AHK, RCEP, CPTPP, VJ, VC, VN-CU và S. Đối với C/O mẫu D và C/O mẫu AK, VK (sang Hàn Quốc), và đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài Chính (Tổng cục Hải quan) thực hiện việc truyền dữ liệu C/O điện tử. Việc cấp C/O điện tử đã góp phần tích cực giúp giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí sẽ được phân loại vào “luồng xanh”, giảm thời gian duyệt cấp C/O cũng như các chứng từ phải xuất trình. Các doanh nghiệp có vi phạm về xuất xứ hàng hóa bị phân loại vào “luồng đỏ”. Tùy mức độ vi phạm, các doanh nghiệp thuộc “luồng đỏ” phải chịu sự kiểm tra, xác minh chặt chẽ hơn, thậm chí kiểm tra từng lô hàng xuất khẩu trước khi xem xét, cấp C/O ưu đãi. Đối với những nhóm hàng thuộc danh mục cảnh báo, có nguy cơ gian lận xuất xứ, các cơ quan, tổ chức cấp C/O tăng cường kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa trước khi xem xét, cấp C/O ưu đãi.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định về thương mại biên giới.
Theo đó, hoạt động thương mại biên giới đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế vùng biên, góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy hợp tác kinh tế - xã hội giữa Việt Nam và các nước láng giềng. Để tăng cường quản lý hoạt động thương mại biên giới, thúc đẩy thương mại chính ngạch, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết hoạt động thương mại biên giới có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2024. Phương thức thanh toán, tiêu chuẩn hàng hóa, chủ thể hoạt động mua bán tại chợ biên giới, xuất nhập cảnh và phương tiện của Việt Nam… là những nội dung được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định quy định về hoạt động thương mại biên giới.
Bộ Công Thương cũng tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Trong đó, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo đã góp phần khắc phục các tồn tại, bất cập phát sinh, định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu, nhập khẩu gạo bảo đảm mục tiêu xuất khẩu gạo bền vững và ổn định, đáp ứng yêu cầu thị trường và tiến trình hội nhập quốc tế về kinh tế; thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, ổn định và hiệu quả phù hợp diễn biến thị trường và yêu cầu của thị trường, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích chung của đất nước với lợi ích của người nông dân sản xuất lúa và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, người tiêu dùng gạo trong nước.
Trong bối cảnh nhiều yếu tố biến động khó lường ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, Bộ Công Thương vẫn thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực cao, đặt ra mục tiêu thách thức với tăng trưởng xuất khẩu năm 2025 đạt khoảng 12% so với năm 2024.