Tôi là Tăng Ngọc Hân (sinh năm 2001, TP.HCM), một cô gái đam mê chụp ảnh và sáng tạo. Tôi đã theo nghề chụp ảnh thuê bằng điện thoại, hay còn gọi là "photophone", được khoảng 4 năm.
Tôi bắt đầu theo đuổi nghề photophone vào năm 2020. Khi đó, một người mẫu mời tôi hợp tác chụp feedback sản phẩm thời trang. Công việc này yêu cầu tôi chụp cho người mẫu những bức ảnh tự nhiên, sao cho giống trải nghiệm của một khách hàng "thật", nhằm quảng cáo cho cửa hàng.
Ngày đó, tôi chỉ lấy phí 25.000 đồng/bộ ảnh, bởi xem đây là cơ hội “học việc”. Ngoài ra, tôi phải mượn điện thoại đời mới hơn của người mẫu để đảm bảo chất lượng ảnh. Sau bộ ảnh đầu tiên thành công, nhận được lời khen từ cả người mẫu lẫn cửa hàng, tôi tự tin hơn, đồng thời nhận ra tiềm năng của nghề nghiệp này.
Sau 4 năm, hiện tôi cung cấp dịch vụ chụp ảnh cá nhân với mức giá từ 200.000 đồng/giờ, bao gồm chỉnh sửa 10 bức ảnh. Đối với dịch vụ chụp ảnh feedback sản phẩm thời trang, giá khởi điểm là 35.000 đồng cho mỗi bộ trang phục, áp dụng khi khách hàng đặt chụp số lượng lớn.
Nhìn chung, tôi có thể kiếm được 13-14 triệu đồng/tháng từ nghề photophone, thậm chí 18 triệu đồng vào mùa cao điểm cuối năm. Tôi cũng nâng cấp điện thoại lên chiếc iPhone 13 Pro Max.
Hôm nay, tôi có lịch hẹn chụp ảnh feedback sản phẩm thời trang cho một người mẫu quen thuộc từng hợp tác trước. Chúng tôi hẹn nhau phía sau Nhà hát Thành phố (quận 1, TP.HCM) lúc 15h.
Người mẫu không có ekip nên tôi đề xuất hỗ trợ cô ấy miễn phí, từ việc dặm lại lớp trang điểm đến chỉnh sửa tóc, để buổi chụp diễn ra thuận lợi hơn. Tôi thậm chí cho người mẫu mượn một số phụ kiện của mình để phối đồ, sao cho tạo ra nhiều bức ảnh đa dạng và ấn tượng.
Những buổi chụp ảnh ngoài trời thường bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, đặc biệt là ánh sáng tự nhiên. Để đảm bảo có ánh sáng đẹp nhất, tôi và khách hàng thường chọn thời điểm giữa buổi sáng hoặc chiều muộn.
Thêm vào đó, tôi còn bổ sung các phụ kiện hỗ trợ như tấm hắt sáng. Ngoài ra, tôi còn trang bị chân máy điện thoại để cố định góc chụp.
Dù công việc linh hoạt, có thể sắp xếp thời gian tùy ý, tôi chỉ nhận tối đa 3 khách/ngày để đảm bảo chất lượng công việc và giữ tinh thần thoải mái. Những ngày không có lịch chụp, tôi thường chỉnh sửa ảnh, dọn dẹp nhà cửa hoặc dành thời gian cho bản thân.
Công việc photophone giúp tôi trau dồi nhiều kỹ năng hơn tưởng tượng. Từ kỹ năng giao tiếp, thấu hiểu tâm lý khách hàng đến khả năng quản lý thời gian hiệu quả, mỗi ngày làm việc là cơ hội để tôi hoàn thiện bản thân hơn.
Nghề chụp ảnh thuê còn đem lại nhiều mối quan hệ mới cho tôi. Không ít khách hàng đã trở thành bạn bè tôi sau buổi chụp hình.
Thoạt nghe tưởng đơn giản, nhưng không phải lúc nào công việc của tôi cũng thuận lợi. Giống nhiều người làm trong lĩnh vực sáng tạo, tôi thường đối mặt với áp lực, đặc biệt khi nhận được phản hồi không tích cực từ khách hàng.
Ngoài ra, do không yêu cầu khách hàng đặt cọc, tôi thường đối mặt với rủi ro bị hủy lịch vào phút chót. Mới đây, giữa tháng 12, tôi nhận lời chụp ảnh cho một khách hàng lúc 9h, cũng tại Nhà hát Thành phố. Ngay trước giờ hẹn vài phút, khách nhắn tin báo hủy đột ngột.
Hoạt động tích cực trên mạng xã hội, bao gồm gia nhập hội nhóm và đăng bài giới thiệu dịch vụ, là cách tôi tìm kiếm khách hàng. Ngoài các dịch vụ kể trên, tôi còn nhận làm trợ lý chụp ảnh cho khách tham dự sự kiện, hoặc quay, dựng clip đơn giản về nội dung "đập hộp" và đánh giá sản phẩm.
Các dịp lễ, Tết là thời điểm tôi "đắt" khách nhất. Để tối ưu thời gian, tôi chuẩn bị sẵn danh sách địa điểm, lên concept (ý tưởng) chụp ảnh từ vài tuần trước sự kiện. Chẳng hạn, trước Giáng sinh 2 tháng, tôi đã tìm kiếm một số góc check-in, từ địa điểm công cộng tới một số quán cà phê trang trí bắt mắt.
Dịp Noel năm nay, tôi thực hiện một bộ ảnh cá nhân cho khách hàng tại một nhà sách ở quận 1 (TP.HCM), nơi được trang trí bởi cây thông khổng lồ, lộng lẫy cùng máy tạo tuyết nhân tạo.
Không gian rộng rãi của nhà sách cũng cho phép chúng tôi thoải mái tạo dáng, lựa chọn góc chụp phù hợp.
Dù khách không yêu cầu quá cao như dịch vụ chụp ảnh chuyên nghiệp, tôi vẫn chi khoảng 1 triệu đồng/tháng cho các ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh, video trên điện thoại, bao gồm Meitu, Lightroom và Capcut. Khoản "đầu tư" mang lại hiệu quả chỉnh sửa tối ưu, hỗ trợ tôi "làm đẹp" cho khách hàng.
Tôi thường xuyên tham khảo ý tưởng chụp ảnh trên các nền tảng mạng xã hội như Pinterest, Douyin và TikTok, từ cách tạo dáng, chọn góc chụp, đến lên ý tưởng. Sau đó, tôi "biến tấu" theo phong cách cá nhân, sao cho phù hợp với từng khách hàng và bối cảnh thực tế.
Dù nghề photophone còn khá non trẻ, chưa có lộ trình phát triển cụ thể hay các khóa đào tạo chuyên sâu, tôi luôn phải tự học hỏi để nâng cao chất lượng dịch vụ. Chính sự tin tưởng và phản hồi tích cực từ khách hàng là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với công việc này.
Như Phương - Phương Lâm