Năm 2025 sẽ là bước ngoặt với chứng khoán Việt

Năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam đứng trước cơ hội và thách thức khi yếu tố vĩ mô và động lực nội tại được kỳ vọng tạo nên giai đoạn phát triển mới.

Nhiều cửa sáng cho TTCK năm 2025

Năm 2024 có thể được coi là một năm thành công của kênh chứng khoán khi tỷ suất sinh lời vượt trội hơn so với kênh đầu tư truyền thống như tiết kiệm. Thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn duy trì tăng trưởng ổn định, khẳng định là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế. Trên thị trường, dòng tiền tập trung vào một số ít cổ phiếu tăng trưởng và những nhóm ngành có kết quả kinh doanh nổi bật. TTCK còn phải cạnh tranh gay gắt với các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản và tiền điện tử… vốn đang trở nên ngày càng hấp dẫn.

Nhận định về TTCK năm 2025, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) dự báo, sẽ có nhiều cơ hội sáng. Đầu tiên, chính sách tiền tệ của các quốc gia đang có sự đồng pha. Chênh lệch lãi suất của các đồng tiền có sự thu hẹp. Năm 2025, dự đoán đồng USD sẽ hạ nhiệt, lợi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ cũng hạ nhiệt. Như vậy sẽ giảm áp lực tỷ giá của các quốc gia trong đó có Việt Nam. Cơ hội nới lỏng chính sách tiền tệ của các quốc gia cũng sẽ là yếu tố để dòng vốn rút khỏi các thị trường phát triển đầu tư vào các thị trường đang có định giá thấp hơn như Việt Nam.

Nhiều cửa sáng cho TTCK năm 2025 (Ảnh minh họa: KT)

Nhiều cửa sáng cho TTCK năm 2025 (Ảnh minh họa: KT)

“Một điểm nhấn quan trọng cho động lực của TTCK năm 2025 chính là đà hồi phục của nền kinh tế. Với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 7 - 7,5%, thậm chí cao hơn trong năm 2025, sẽ là bệ đỡ vững chắc cho TTCK phát triển. Ngoài ra, sự hồi phục của thị trường bất động sản sẽ giảm rủi ro cho TTCK. Dự báo nửa cuối năm 2025, thanh khoản thị trường bất động sản hồi phục trở lại, đóng góp nhiều cho GDP của Việt Nam năm 2025”, ông Minh phân tích.

Bên cạnh đó, làn sóng dịch chuyển FDI cùng xuất nhập khẩu hồi phục đặc biệt là giá bán, ngoài khối lượng đơn hàng tăng cũng kỳ vọng giá bán ra của các lĩnh vực trọng yếu như thủy sản, dệt may cũng tăng trở lại trong năm sau.

“Về định giá của TTCK, năm 2025 vẫn kỳ vọng mức tăng trưởng của các doanh nghiệp trên TTCK sẽ đạt từ 18 - 20%, P/E của thị trường ở mức thấp hơn trung bình 5 năm, định giá thấp cùng với tỷ suất lợi nhuận đạt mức cao của TTCK Việt Nam là cơ hội để TTCK tăng trưởng”, đại diện YSVN nêu quan điểm.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng, năm 2025 sẽ là một năm bước ngoặt của TTCK Việt Nam. Thời gian qua, cơ quan quản lý đã cho thấy những quyết tâm trong vấn đề giải quyết bài toán nâng hạng thông qua việc sửa đổi Luật Chứng khoán. Nút thắt giao dịch phải ký quỹ trước (pre-funding) dành cho nhà đầu tư nước ngoài cũng đã được tháo gỡ bằng Thông tư 68/2024/TT-BTC và cánh cửa nâng hạng đã rộng mở hơn.

Tuy nhiên, theo bà Mỹ Liên, để đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường vào năm 2025 và thu hút mạnh mẽ dòng vốn quốc tế, bên cạnh việc kinh tế chung tăng trưởng tốt, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện tính minh bạch, thanh khoản và cơ sở hạ tầng pháp lý. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để TTCK Việt Nam thu hút mạnh mẽ dòng vốn quốc tế, khẳng định vị thế trên bản đồ tài chính toàn cầu.

Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán năm 2025?

Năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam đứng trước cơ hội và thách thức khi yếu tố vĩ mô và động lực nội tại được kỳ vọng tạo nên giai đoạn phát triển mới.

Báo cáo chiến lược từ Công ty Chứng khoán VNDIRECT mới đây đã đưa ra hai kịch bản cho chỉ số VN-Index, phản ánh những biến số có thể tác động đến thị trường trong năm nay.

(Nguồn: VNDIRECT)

(Nguồn: VNDIRECT)

Theo VNDIRECT, chỉ số VN-Index có thể đạt mức 1.670 điểm trong kịch bản tích cực, tương ứng với mức tăng trưởng 32% so với năm trước. Ngược lại, trong trường hợp kém thuận lợi hơn, VN-Index sẽ dừng lại ở mức 1.340 điểm, tăng nhẹ 6% so với cuối năm 2024. Hai kịch bản này được xây dựng dựa trên các yếu tố vĩ mô, chính sách quốc tế và khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ở kịch bản tích cực, các yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ bao gồm: Việt Nam có khả năng được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 9/2025. Điều này sẽ thu hút một lượng lớn dòng vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế.

Theo các chuyên gia, dựa trên đà phục hồi của năm 2024 với tăng trưởng lợi nhuận đạt khoảng 16%, dự báo lợi nhuận của các công ty niêm yết trên HOSE sẽ tăng trưởng 17% vào năm 2025, được hỗ trợ bởi: cam kết mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy đầu tư công, đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 7,5% và hướng tới mức tham vọng là 8,0%.

Cùng đó là mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao của Ngân hàng Nhà nước là 16% trong năm 2025, cũng như việc thực hiện mục tiêu nâng hạng lên “thị trường mới nổi thứ cấp” của FTSE sẽ cải thiện thanh khoản thị trường và thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư tổ chức cũng như cá nhân vào thị trường chứng khoán, từ đó thúc đẩy lợi nhuận trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Chính sách vĩ mô ổn định, Chính phủ duy trì các biện pháp thúc đẩy đầu tư công, kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.

Ngược lại, kịch bản tiêu cực phản ánh những lo ngại về: Quan hệ thương mại quốc tế: Những rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể ảnh hưởng đến dòng vốn FDI và xuất khẩu của Việt Nam.

Biến động tỷ giá, đồng VND có thể chịu áp lực mất giá trong bối cảnh chỉ số DXY tăng mạnh, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu. Thị trường chờ đợi nhà đầu tư thận trọng khi các quyết sách của Mỹ dưới thời chính quyền của ông Donald Trump 2.0 chưa rõ ràng.

Nhiều chuyên gia nhận định, năm 2025 sẽ là năm mang tính bước ngoặt quan trọng với TTCK. Nếu được nâng hạng, Việt Nam có thể huy động 1,7 tỷ USD vốn thụ động, 6-7 tỷ USD vốn chủ động.

Dự báo kịch bản TTCK 2025, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng, theo lịch sử các chu kỳ hạ lãi suất của FED, nếu không có suy thoái thì S&P 500 thường tăng.

Hiện chứng khoán Mỹ cũng phản ứng mạnh với diễn biến kinh tế khi dòng tiền các quỹ ETF đổ vào TTCK Mỹ cao kỷ lục trong vòng 10 năm lại đây, hút 1.000 tỷ USD. Dự đoán dòng tiền sẽ sớm trở lại khu vực trường mới nổi như Việt Nam. Hiện VN-Index vẫn đang ở giai đoạn phản ứng, thị trường có thể đối mặt bẫy giảm giá, rung lắc ở đầu năm 2025 để đón sóng nâng hạng thăng hoa vào cuối năm.

"Sau vùng trũng vào giữa năm 2025, thị trường được dự báo sẽ phục hồi theo chiều hướng tích cực trong giai đoạn tháng 9, tháng 10. Do đó, nhà đầu tư có thể lên kế hoạch cho những quyết định trung hạn và đánh giá các danh mục cổ phiếu hứa hẹn chốt lời vào cuối chu kỳ tăng trưởng khi thị trường tăng tốc bùng nổ trở lại", ông Trần Hoàng Sơn nhận định.

Diệp Diệp/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/chung-khoan/nam-2025-se-la-buoc-ngoat-voi-chung-khoan-viet-post1149884.vov