Hải quan – doanh nghiệp: Đối tác tin cậy, đồng hành cùng phát triển
Thương mại toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã thiết lập 'trật tự mới' sau đại dịch Covid-19. Cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải chuyển dịch để đáp ứng những tiêu chuẩn, phương thức hoạt động mới, bền vững hơn. Trong bối cảnh đó, Hải quan Việt Nam đã và đang thích ứng mạnh mẽ để gắn bó đồng hành chặt chẽ cùng doanh nghiệp, hoàn thành tốt nhất vai trò tạo thuận lợi thương mại.
Nhiều thách thức từ chuyển dịch thương mại
Gần 2 thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước chuyển tích cực, từng bước thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tranh thủ khả năng hợp tác thương mại, đầu tư, hội nhập, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ, liên tiếp đạt được các mốc kỷ lục.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt con số 100 tỷ USD vào năm 2007. Năm 2011, tổng trị giá xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi, đạt 200 tỷ USD. Trong thời gian 4 năm tiếp theo, xuất nhập khẩu Việt Nam cán mốc trị giá 300 tỷ USD. Đặc biệt, sau đó, cứ 2 năm, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam lại tăng thêm 100 tỷ USD, từ 400 tỷ USD năm 2017 lên 600 tỷ USD vào tháng 11/2021. Và chỉ mất 1 năm để vượt mốc 700 tỷ USD vào năm 2022. Nếu đại dịch Covid-19 không ập xuống khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn, có lẽ con số này của nước ta đã vươn xa hơn rất nhiều trong 2 năm qua thay vì chỉ dừng lại ở cột mốc hơn 786 tỷ USD vào cuối năm 2024.
Không chỉ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đại dịch Covid-19 sau này đã tạo ra một “trật tự mới” cho thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ và trở thành xu hướng ưu tiên. Bằng chứng là vào năm 2022, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 28% - mức tăng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Việc hợp tác về công nghệ số được đẩy mạnh, thương mại dịch vụ kỹ thuật số được mở rộng. Điển hình là những giao kết trong Hiệp định CPTPP nổi lên như một chuẩn mực chính sách với các hiệp định kinh tế kỹ thuật số.
Đây cũng là xu thế không thể đảo ngược trên toàn cầu và là yêu cầu bắt buộc để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị mới. Lúc này, vai trò hỗ trợ của cơ quan hải quan càng quan trọng hơn hết.
Phục vụ chuyên nghiệp, coi trọng sự hài lòng
Công tác hỗ trợ của Hải quan Việt Nam thời gian qua đã có sự thích ứng tích cực với những chuyển dịch của thương mại và hoạt động của doanh nghiệp.
Ngành Hải quan đoàn kết, đổi mới, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Năm 2025, dự báo nền kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng lạc quan, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, thách thức xuất phát từ ảnh hưởng nền kinh tế toàn cầu. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Tài chính, cùng với sự đồng lòng, quyết tâm và nhiệt huyết của tập thể cán bộ, công chức, Hải quan Việt Nam sẽ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, trọng trách mà Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính. Ông Nguyễn Văn Thọ - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan
Dễ thấy nhất chính là sự thay đổi tư duy từ quản lý sang đối tác trong mối quan hệ Hải quan - Doanh nghiệp. Hải quan các cấp đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đa dạng nhằm cung cấp đến cộng đồng doanh nghiệp những thông tin hữu ích từ tuyên truyền, phổ biến văn bản mới đến hướng dẫn triển khai quy trình, thủ tục hải quan chuyên sâu... Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Đinh Ngọc Thắng, trong quá trình phát triển quan hệ đối tác, cơ quan hải quan luôn coi doanh nghiệp là đối tác tin cậy, đồng hành cùng phát triển. Cơ quan Hải quan đặt lợi ích của doanh nghiệp và xem lợi ích đó cũng là thắng lợi của mình. Hải quan các cấp luôn chú trọng xây dựng hình ảnh, đặt mục tiêu phục vụ doanh nghiệp ở mức độ nhanh nhất, với tinh thần chuyên nghiệp, coi trọng sự hài lòng của doanh nghiệp.
Điểm thứ hai là việc triển khai Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Cơ quan hải quan bố trí khu vực riêng, phân công, bố trí công chức, chuyên gia nghiệp vụ hải quan các cấp trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp thành viên trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cho biết, sau 2 năm triển khai thí điểm, trên 80% doanh nghiệp tham gia Chương trình tăng mức tuân thủ hoặc giữ nguyên mức tuân thủ. Giai đoạn tới, ngành đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao tỷ lệ này thêm nữa.
Liên quan đến thể chế chính sách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Âu Anh Tuấn cho hay, các quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan cũng đang được hoàn thiện theo hướng khắc phục những bất cập phát sinh trong thực tiễn và tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại.
Cuối cùng, không thể thiếu cải cách, hiện đại hóa hải quan. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trần Đức Hùng chia sẻ, Hải quan Việt Nam đang đẩy mạnh nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện tại, tích cực thực hiện chuyển đổi số góp phần đổi mới phương thức làm việc, nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hải quan và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.
Nhìn vào đó để thấy, con số 786 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam như một tấm huân chương phản ánh “thắng lợi lớn” của cơ quan hải quan trong cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đó cũng là động lực để Hải quan Việt Nam tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa, thích ứng hơn nữa, thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu 2025 tăng cao hơn nữa.
Vững tin, đồng lòng giải quyết “thách thức kép”
Trong dịp thăm và làm việc với Tổng cục Hải quan vào cuối năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã chỉ đạo Hải quan Việt Nam tập trung vào giải quyết được “thách thức kép” là đơn giản hóa thủ tục và chuyển đổi số để tạo thuận lợi thương mại mà vẫn đảm bảo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại hiệu quả. Để thực hiện đồng thời cả hai nhiệm vụ này, các giải pháp đã được Hải quan Việt Nam hoạch định cụ thể. Vấn đề còn lại lúc này, chính là quyết tâm của những cán bộ, công chức đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ, nhất là khi Hải quan Việt Nam đứng trước bước chuyển mạnh mẽ về tổ chức bộ máy trong năm nay.