Năm 2025, Sóc Trăng phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,5%
Theo Kế hoạch số 31/KH-UBND, ngày 11/2/2025 của UBND tỉnh Sóc Trăng về phát triển giáo dục nghề nghiệp năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, UBND tỉnh đã đề ra 6 chỉ tiêu cụ thể cần thực hiện trong năm nay, trong đó phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 65%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,5%.
Kế hoạch được ban hành hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề cao của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội. Củng cố mạng lưới giáo dục nghề nghiệp công lập, thúc đẩy sự tham gia của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập và doanh nghiệp, hướng đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới. Ảnh: NGỌC HẢI
Có 6 chỉ tiêu cụ thể thực hiện trong năm 2025: Có trên 80% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, học sinh phổ thông được tư vấn, hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh, trong đó, phấn đấu thu hút 25% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. 100% chiến sĩ Công an nhân dân, quân nhân xuất ngũ được tuyên truyền, tư vấn đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm. Tuyển sinh, đào tạo cho 16.490 người, gồm đào tạo trình độ cao đẳng 940 người, trung cấp 1.000 người, sơ cấp 6.330 người (bao gồm hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 1.200 người thuộc các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, ngày 9/7/2015 của Chính phủ), đào tạo thường xuyên và dưới 3 tháng 8.220 người. Trong đó, 25% số lao động được đào tạo thuộc nhóm ngành dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp lợi thế của tỉnh; trên 90% lao động sau đào tạo có việc làm; có 65% người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 65%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,5%. 100% trường cao đẳng đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp (kiểm định ngoài); Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng đạt tiêu chuẩn trường cao đẳng chất lượng cao; Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng đạt các tiêu chuẩn ngành, nghề trọng điểm cấp quốc gia và khu vực ASEAN. Có 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố đạt kiểm định chất lượng cấp độ 1 hoặc đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục thông qua các thiết chế giáo dục khác được giao chức năng, nhiệm vụ giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm ứng dụng, hệ thống kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu và thực hiện chuyển đổi, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động.
Việc thực hiện nhiệm vụ trên tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Công tác tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp phải đáp ứng về số lượng, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; phát triển ngành, nghề đào tạo phải hướng đến đạt chất lượng cấp độ quốc gia, cấp độ ASEAN và quốc tế.