Nâng cao chất lượng kiểm toán chuyên đề toàn ngành
Kiểm toán chuyên đề toàn ngành đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc nhận diện những bất cập, rủi ro trong quản lý, điều hành tài chính công, tài sản công, góp phần nâng cao tính minh bạch, hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Ly
Sáng 25/2, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tổ chức Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm các giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán.
Ông Hoàng Văn Lương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp chủ trì Tọa đàm. Cùng tham dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo, các công chức, kiểm toán viên đến từ các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước (KTNN). Tọa đàm được kết nối trực tuyến với KTNN các khu vực.

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Hoàng Văn Lương nhấn mạnh chất lượng kiểm toán được quan tâm hàng đầu. Ảnh: Nguyễn Ly
Cung cấp thông tin tin cậy và kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách
Thực tiễn cho thấy, yêu cầu và kỳ vọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và người dân đối với hoạt động kiểm toán của KTNN ngày càng cao về tính đa dạng, chuyên sâu và kịp thời, đáp ứng kỳ vọng về một nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững. Trong bối cảnh đó, KTNN đã triển khai các cuộc kiểm toán chuyên đề, đặc biệt là các cuộc kiểm toán trên phạm vi toàn ngành giúp nhận diện các bất cập, rủi ro quản lý điều hành ở phạm vi rộng, góp phần nâng cao chất lượng quản lý tài chính công, tài sản công.

Bà Lý Thanh Huyền - KTNN chuyên ngành II chia sẻ thông tin về các cuộc kiểm toán chuyên đề toàn ngành. Ảnh: Nguyễn Ly
Thông tin tại Tọa đàm, bà Lý Thanh Huyền - KTNN chuyên ngành II cho biết, năm 2024, KTNN thực hiện 6 cuộc kiểm toán chuyên đề toàn ngành: Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023; Việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các chính sách ưu đãi người có công giai đoạn 2021-2023; Việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý giai đoạn 2020-2023; Việc quản lý và cho thuê đất công ích giai đoạn 2022-2023; Việc quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng có sự trợ giá của Nhà nước giai đoạn 2022-2023; Việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 giai đoạn 2021-2023.
Kiểm toán chuyên đề toàn ngành được KTNN quan tâm tập trung nguồn lực và tổ chức thực hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kiểm toán các chuyên đề lớn đối với việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề quan trọng của đất nước.
Kết quả kiểm toán chuyên đề đã góp phần cung cấp những thông tin đáng tin cậy, có giá trị để Quốc hội, HĐND các cấp thảo luận, đánh giá các chương trình mục tiêu trọng điểm, các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát, điều hành chủ trương, chính sách phù hợp, đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, KTNN đã phát hiện, chỉ ra những hạn chế của hệ thống quản lý, kiến nghị khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; cảnh báo và hạn chế tình trạng thất thoát, lãng phí; hướng đến hoàn thiện các chính sách để thực hiện thành công các kế hoạch quốc gia gắn với các mục tiêu phát triển bền vững.
Nổi bật, thông qua cuộc kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý giai đoạn 2020-2023, KTNN đã chỉ ra một số quỹ chưa ban hành đầy đủ các hướng dẫn, quy trình nghiệp vụ; giải ngân nhiệm vụ thấp; sử dụng quỹ không đúng nguyên tắc sử dụng; tồn dư quỹ lớn, chưa tạo được nguồn thu mới...

Các kiểm toán viên tham dự Tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Ly
Đối với cuộc kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023, KTNN đã chỉ ra những sai sót trong việc phân bổ, quản lý ngân sách môi trường; chậm xây dựng, ban hành các văn bản quản lý, điều hành, kế hoạch quản lý chất thải; chưa điều chỉnh giá dịch vụ về rác thải phù hợp với thực tế; công tác kiểm tra, giám sát, còn tồn tại, hạn chế…
KTNN cũng chỉ rõ, Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu - NAP còn nhiều hạn chế, cụ thể: Dữ liệu chưa cập nhật đầy đủ, thiếu sự phối hợp, tham gia ý kiến của một số cơ quan; một số nội dung của NAP và Dự thảo cập nhật còn chưa phù hợp quy định hiện hành; nhiều văn bản chưa ban hành hoặc đã ban hành nhưng nội dung chưa đầy đủ và phù hợp với thực tiễn, quy định hiện hành…
KTNN đã hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng Hướng dẫn kiểm toán môi trường, đồng thời tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tếnhằm nâng cao năng lực kiểm toán trong lĩnh vực môi trường.
Nhiều cuộc kiểm toán chuyên sâu đã được triển khai, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy nhiệt điện, làng nghề; kiểm toán công tác quản lý chất thải y tế, phế liệu nhập khẩu, việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công gắn với các mục tiêu phát triển bền vững, giải pháp giảm sử dụng túi ni lông… Các chủ đề kiểm toán nói trên đều là các vấn đề môi trường “nóng”, thu hút sự quan tâm của Chính phủ, Quốc hội và người dân.
Tổ chức kiểm toán chuyên đề toàn ngành linh hoạt và phù hợp thực tiễn
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy, các cuộc kiểm toán chuyên đề toàn ngành có phạm vi rộng, nhiều đoàn kiểm toán (nhất là các KTNN khu vực) không có tổ kiểm toán riêng mà thực hiện lồng ghép với các nội dung kiểm toán khác, thời gian triển khai kiểm toán khác nhau, dẫn đến việc chia sẻ, lan tỏa các phát hiện kiểm toán chưa kịp thời, ảnh hưởng đến chất lượng đánh giá và tính đồng bộ trong kiến nghị kiểm toán.
Để nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán chuyên đề toàn ngành, đáp ứng kỳ vọng của người dân và yêu cầu giám sát của các cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước, đại diện KTNN chuyên ngành II kiến nghị, KTNN cần xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, tài sản công. Điều này giúp phục vụ công tác thu thập, nghiên cứu, phân tích và xác định những vấn đề quan trọng của nền kinh tế cần thực hiện kiểm toán.
Việc thu thập đầy đủ thông tin, số liệu rất cần thiết và là yêu cầu bắt buộc, tạo điều kiện cho các kiểm toán viên phát huy tính sáng tạo, linh hoạt trong hoạt động; các đơn vị trực thuộc KTNN có thể sử dụng dữ liệu này để xác định các vấn đề trọng yếu, thời sự đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát tài chính công, tài sản công của Quốc hội và Chính phủ.

Tọa đàm được kết nối trực tuyến với KTNN các khu vực. Ảnh: Nguyễn Ly
Đối với lựa chọn chủ đề kiểm toán, hằng năm, trên cơ sở tiếp cận từ chính sách cũng như đối tượng quản lý của các bộ, ngành trung ương, địa phương, KTNN lựa chọn chủ đề mang tầm vĩ mô và phạm vi rộng, phục vụ yêu cầu quản lý, và các nhiệm vụ chính trị của Chính phủ, Quốc hội, diễn biến về tình hình ngân sách, những vấn đề về quản lý, hiệu quả đầu tư công đang được dư luận xã hội quan tâm. Ngoài ra, nghiên cứu mở rộng một số chuyên đề mới để tiếp cận dần các xu hướng quốc tế và thích ứng với các thay đổi của quốc gia như: kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững, kiểm toán tham nhũng, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán trách nhiệm kinh tế...
Cách thức tổ chức kiểm toán chuyên đề toàn ngành cũng phải linh hoạt và phù hợp thực tiễn, các cuộc kiểm toán có phạm vi nhỏ và mang tính tiếp cận phương pháp kiểm toán mới có thể thực hiện lồng ghép, sau đó căn cứ kinh nghiệm, kết quả kiểm toán để thực hiện nhân rộng. Đặc biệt, trong bối cảnh sáp nhận tinh gọn bộ máy, có nhiều sự thay đổi về cơ chế chính sách, cơ cấu tổ chức của các cơ quan, đơn vị được kiểm toán, KTNN cần nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng về việc chuyển giao các đầu mối kiểm toán giữa các đơn vị trong ngành, nghiên cứu các phương án, cách thức tổ chức kiểm toán, lựa chọn đầu mối kiểm toán phù hợp.
Kiểm toán viên cần nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng phân tích các vấn đề kinh tế - xã hội, phân tích chính sách. Đây là nền tảng quan trọng để nâng cao chất lượng kiểm toán nói chung và kiểm toán chuyên đề nói riêng. Các đơn vị được giao kiểm toán phải tổ chức các buổi tọa đàm, tập huấn, trao đổi trong nội bộ và với các đơn vị trong ngành để kiểm toán viên được trang bị, củng cố các kiến thức, kỹ năng cần thiết trước khi tham gia kiểm toán.
Kiểm toán chuyên đề toàn ngành được thực hiện chuyên sâu, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, vì vậy, các đoàn, tổ kiểm toán cần tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp trong xử lý công việc, đặc biệt là trong quá trình xây dựng đề cương, trước khi triển khai kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, cần tổ chức các cuộc trao đổi để thống nhất các đánh giá, phát hiện, kiến nghị kiểm toán, đảm bảo tính đồng bộ khi tổng hợp báo cáo chuyên đề toàn ngành.
Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ vào công tác kiểm toán chuyên đề toàn ngành là yếu tố tất yếu giúp nâng cao hiệu quả, chất lượng và tính minh bạch của hoạt động kiểm toán. Các giải pháp cụ thể bao gồm: ứng dụng công nghệ Big data và trí tuệ nhân tạo để phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu, giúp xác định các lĩnh vực có rủi ro cao, vấn đề trọng yếu cần kiểm toán, thu thập và tổng hợp các thông tin. Nghiên cứu sử dụng blockchain để đảm bảo tính minh bạch, bảo mật và toàn vẹn dữ liệu trong kiểm toán…
Tại Tọa đàm, đại diện các KTNN chuyên ngành, khu vực đã trao đổi kinh nghiệm, thảo luận về nhiều nội dung: Nâng cao chất lượng kiểm toán thông qua hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán; giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán trong kiểm toán các dự án giao thông quan trọng quốc gia; kiểm toán việc quản lý, sử dụng, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước; giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán môi trường; giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán quyết toán chi ngân sách trong cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương…
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/nang-cao-chat-luong-kiem-toan-chuyen-de-toan-nganh-38397.html