Năm 2025: Tăng tốc, bứt phá
Năm 2024, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã nỗ lực, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, khai thác tốt các lợi thế, tiềm năng, khắc phục mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đây chính là nền tảng, động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Nỗ lực vượt khó
Năm 2024, Thái Nguyên cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với nhiều rủi ro, bất ổn. Trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; tổ chức nhiều cuộc họp, làm việc, kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong nhiều ngành, lĩnh vực, với mục tiêu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2024 ở mức cao nhất.
Sự chỉ đạo tích cực của cấp ủy, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, cùng sự đồng thuận trong nhân dân không chỉ tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, mà thực sự góp phần hiện thực hóa thành tựu trong các lĩnh vực phát triển KT-XH năm 2024.
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh năm 2024 đạt 6,5%. Một số chỉ tiêu chủ yếu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Giá trị xuất khẩu của tỉnh đứng thứ 5 toàn quốc (đạt gần 27,6 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ). Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.030 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người đạt 119,2 triệu đồng (tương đương tăng 6,6 triệu đồng/người/năm) so với năm 2023.
Toàn tỉnh có 6 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM); 118/126 xã đạt chuẩn NTM, bằng 93,7% tổng số xã. Công tác thu hút đầu tư tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực...
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ duy trì đà phục hồi và tăng trưởng tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt trên 78,8 nghìn tỷ đồng, bằng 104,5% kế hoạch, tăng 17,4% so với cùng kỳ.
Các chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm cho người lao động được thực hiện có hiệu quả. Công tác quốc phòng - quân sự địa phương; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững...
Kết quả trên thể hiện rõ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn thống nhất, sâu sát, sáng tạo, quyết liệt. Vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp được thể hiện rõ qua những quyết sách xuất phát từ lợi ích chung của tỉnh, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN), nên được người dân, DN ghi nhận, đồng thuận và sẵn sàng chia sẻ, ủng hộ...
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, đồng thời là năm tập trung tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Kết quả của 5 năm 2021-2025 là yếu tố nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển KT-XH trong giai đoạn 2026-2030.
Với tỉnh Thái Nguyên, để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2025 là hết sức nặng nề. Nắm chắc tình hình, tỉnh xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá. Toàn tỉnh nỗ lực phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025.
Các chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2025 được tỉnh đề ra là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,5%; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 10%; giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,5%; giá trị xuất khẩu tăng 9%; GRDP bình quân đạt 132 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 23.100 tỷ đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,8% trở lên…
Năm 2025, Thái Nguyên tiếp tục triển khai đồng bộ công tác giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Cùng với đó là nỗ lực triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm, làm cơ sở để thu hút các dự án FDI có chọn lọc. Tỉnh tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Hướng tới mục tiêu Số - Xanh - Hạnh phúc
Quy hoạch vùng Trung du, miền núi phía Bắc đã xác định hình thành trung tâm dữ liệu của vùng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và phát triển Thái Nguyên thành trung tâm chuyển đổi số (CĐS) của vùng. Là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề số 01-NQ/TU về CĐS, Thái Nguyên đã sớm nắm bắt cơ hội để kiến tạo những nền tảng phát triển.
Đến nay, Thái Nguyên xếp vị trí thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về Chỉ số CĐS (DTI) và là 1 trong 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số. Kết quả này là nền tảng để Thái Nguyên tiếp tục nỗ lực, chủ động triển khai định hướng phát triển CĐS theo quan điểm mới của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.
Cùng với việc tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 01-NQ/TU, để thực hiện tốt Chương trình CĐS ở mức độ cao và toàn diện hơn, tỉnh đã ban hành Đề án CĐS tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2024-2025.
Đây là giải pháp đột phá giúp Thái Nguyên thực hiện tốt chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng đề án CĐS của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời thể hiện sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo và quyết tâm của cả hệ thống chính trị hướng tới xây dựng “Thái Nguyên 2025+: Số - Xanh - Hạnh phúc”. Tỉnh xác định phát triển bằng CĐS, lấy CĐS thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển.
Thái Nguyên đặc biệt quan tâm phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hướng tới hiện đại hóa nền hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN.
Theo đó, từ nay đến cuối năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thành xây dựng Kiến trúc chính quyền số (phiên bản 3.0); triển khai Hệ thống thông tin 1022 kết nối người dân với chính quyền; triển khai camera giám sát thông minh ứng dụng AI; xây dựng Hệ thống định danh số thống nhất, linh hoạt, triển khai Bản đồ số phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Trong giai đoạn 2024-2025, tỉnh phấn đấu kinh tế số tiếp tục duy trì chiếm trên 30% GRDP và hoàn thành xây dựng Đề án thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tỉnh xác định trong giai đoạn 2024-2025 sẽ thực hiện trên 90% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% người dân, DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử thông suốt; 100% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, sẻ chia trên toàn tỉnh…
CĐS là công việc khó, phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt và phải có lộ trình cụ thể. Đề án CĐS của tỉnh giai đoạn 2024-2025 đã chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tạo động lực cho quá trình CĐS, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Để đạt được các mục tiêu trên, ngay trong năm 2024, tỉnh đã chỉ đạo 100% các trường đại học, bệnh viện trên địa bàn tỉnh triển khai mạng 5G, lấy đó làm tiền đề để năm 2025, 100% các khu dân cư được phủ sóng 5G, 100% các tuyến cao tốc, quốc lộ được phủ sóng băng thông rộng 4G/5G.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu phát triển các mô hình điểm kết hợp giữa hạ tầng mới với ứng dụng đổi mới sáng tạo, như 5G campus (mạng 5G trong khuôn viên), Smart factory (nhà máy thông minh); triển khai hệ thống camera AI tại các khu công nghiệp, khu trung tâm… để phục vụ công tác theo dõi, quản lý, thống kê người ra vào khu vực và kiểm soát an ninh trật tự.
Cùng với đó là nâng cao năng lực sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo cho lực lượng lao động theo tinh thần "bình dân học AI", để hình thành lực lượng sản xuất mới trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo, từ đó người dân có thể nâng cao mức sống và thu nhập…