Năm 2025 thêm quyền lợi mới cho người tham gia BHXH tự nguyện

Năm 2025, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng nhiều quyền lợi khi Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực.

Từ ngày 1/7 tới, các quy định về BHXH tự nguyện được điều chỉnh theo Luật BHXH năm 2024. Theo quy định mới, ngoài hai chế độ hưu trí và tử tuất, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng thêm trợ cấp thai sản.

Trợ cấp thai sản được quy định trong Luật BHXH năm 2024 là chế độ hoàn toàn mới của BHXH tự nguyện. Theo đó, người lao động có thời gian đóng BHXH tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì được hưởng trợ cấp thai sản.

Người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp. Ảnh minh họa: ANh Nguyễn.

Người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp. Ảnh minh họa: ANh Nguyễn.

Mức trợ cấp thai sản là 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra. Trong trường hợp thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì mức trợ cấp trên được tính cho mỗi thai.

Ngoài trợ cấp trên, lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con còn được hưởng chính sách hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ. Khoản trợ cấp này do ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện, người tham gia BHXH tự nguyện không phải đóng thêm chi phí.

Mức trợ cấp sẽ được Chính phủ điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và khả năng của ngân sách từng thời kỳ.

Ngoài ra, sau ngày 1/7, cũng như BHXH bắt buộc, người tham gia BHXH tự nguyện chỉ đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu 15 năm thay vì 20 năm như hiện nay.

Người tham gia chưa cao

BHXH tự nguyện có ý nghĩa thiết thực với lao động tự do vì ai cũng muốn về già được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, hiện nay mức đóng vẫn cao so với những người có thu nhập thấp nên rất cần Nhà nước hỗ trợ thêm.

Theo quy định hiện nay, Nhà nước hỗ trợ người đóng BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng hằng tháng. Cụ thể, hộ nghèo được hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo 25% và 10% đối với các trường hợp khác.

Mức hỗ trợ trên của Nhà nước dù đã bù đắp một phần cho người tham gia chính sách BHXH tự nguyện, nhưng thực tế vẫn chưa khuyến khích được nhiều người tham gia.

Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2025 số người tham gia BHXH tự nguyện khoảng 2,3 triệu người, đạt khoảng 4,9% lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng gấp 10,2 lần so với năm 2017).

So với lực lượng trong độ tuổi lao động số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn khá thấp. Nguyên nhân một phần là do người lao động chưa quan tâm đến những chế độ BHXH được hưởng khi về già. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với BHXH tự nguyện còn thấp, chưa thu hút nhiều người tham gia.

Hiện nay mức hỗ trợ đóng BHXH đối với hộ nghèo là 30%, cận nghèo là 25%, còn đối tượng khác là 10%, trong khi mức tăng lương cơ bản là 30%, áp dụng từ ngày 1/7/2024 làm cho mức đóng BHXH tăng cao. Việc này ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân và người lao động tự do.

Đề xuất tăng mức hỗ trợ

Để thu hút người lao động tham gia BHXH tự nguyện, Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo nghị định quy định điều chỉnh tăng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện.

Bộ này đưa ra 2 phương án tăng tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn.

Phương án 1, Nhà nước hỗ trợ 50% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, 40% đối với hộ cận nghèo, 30% đối với người tham gia BHXH thuộc dân tộc thiểu số, 20% đối với các đối tượng khác.

Phương án 2, Nhà nước hỗ trợ như sau: 30% với hộ nghèo, 25% với hộ cận nghèo, 20% với người dân tộc thiểu số và 10% đối với các đối tượng khác.

Người tham gia BHXH tự nguyện thuộc nhiều đối tượng được hỗ trợ ở mức khác nhau thì được hỗ trợ theo mức hỗ trợ cao nhất.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, nhóm hộ nghèo, cận nghèo là yếu thế của xã hội, thực sự khó khăn, cần được ưu tiên hỗ trợ để đảm bảo an sinh xã hội.

Một chuyên gia lao động đánh giá, trong 2 phương án được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, nếu chọn phương án 1 với mức hỗ trợ cao hơn so với quy định hiện hành sẽ có tác động thu hút, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian tới.

Việc Nhà nước tăng mức hỗ trợ để người nghèo có thể tham gia BHXH tự nguyện cho đến khi về già có lương hưu sẽ góp phần giảm gánh nặng an sinh xã hội sau này.

Vũ Điệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nam-2025-them-quyen-loi-moi-cho-nguoi-tham-gia-bhxh-tu-nguyen-2370149.html