Năm 2025, tỷ giá biến động theo hướng nào?
Năm 2024 có thể nói là một năm áp lực với tỷ giá. Tuy nhiên bước sang năm 2025, nhiều ý kiến cho rằng áp lực tỷ giá sẽ 'dễ thở' hơn. Giới chuyên gia kinh tế đưa ra dự báo năm 2025, dựa trên nhiều yếu tố hỗ trợ, tỷ giá sẽ tăng trong khoảng 3%...
Điểm danh các "bệ đỡ"
Theo nhận định của giới chuyên gia, tỷ giá tăng sẽ có lợi cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, ngược lại ảnh hưởng đến DN nhập khẩu. Tuy nhiên, dẫu trong hoàn cảnh nào, ổn định tỷ giá luôn là mục tiêu của nhà điều hành và là mong muốn của DN để phát triển kinh tế.
Chính bởi vậy, tỷ giá của năm 2025 thiên về kịch bản nào vẫn là điều được dư luận quan tâm. Dự báo cho năm 2025, nhiều chuyên gia cho rằng thị trường ngoại hối tại Việt Nam vẫn sẽ chịu nhiều áp lực.
Cập nhật thông số mới nhất trong ngày 6/1, trên thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 6/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD hiện ở mức 24.334 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN mua vào - bán ra giữ nguyên, hiện ở mức: 23.400 đồng - 25.450 đồng. Tỷ giá USD trên thị trường tự do tiếp tục tăng đồng USD giao dịch (mua - bán) ở mức 25.775 - 25.855 VND.
Trong báo cáo vừa công bố, Ngân hàng UOB cho rằng, dù có nền tảng vững chắc nhưng VND vẫn bị “kìm kẹp” bởi các yếu tố bên ngoài như đồng USD hồi phục khi thị trường định giá lại với kịch bản Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Không những chịu tác động từ yếu tố bên ngoài, tỷ giá USD/VND nhiều khả năng còn phải chịu những yếu tố bên trong do chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục phải nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Kèm với đó là đầu cơ ngoại tệ, nếu chênh lệch lãi suất USD và VND tăng cao.
Như phân tích của ông Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân (NEU), tỷ giá trong những năm qua chủ yếu phụ thuộc vào thâm hụt thương mại và chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và thế giới.
Giai đoạn trước, Việt Nam đã giải quyết tương đối tốt vấn đề thâm hụt thương mại, với thặng dư thương mại mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chênh lệch lãi suất lại nổi lên như một yếu tố gây bất ổn tỷ giá, do hiện tượng dòng vốn bị rút ra khỏi thị trường.
Dù các áp lực tỷ giá đang hiện hữu song rất quan trọng là dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào Việt Nam, thặng dư thương mại tăng cũng là yếu tố hỗ trợ cho việc tăng dự trữ ngoại hối của nhà điều hành.
Theo thông lệ, giai đoạn cận Tết Nguyên đán, nền kinh tế sẽ đón dòng kiều hối chảy về. Năm 2024, kiều hối cả nước đạt khoảng 19 tỷ USD, là mức cao kỷ lục từng đạt được trong năm 2022.
Với những kế hoạch đầu tư và hợp tác lớn vừa mở ra vào cuối năm 2024 như cú bắt tay lịch sử giữa Việt Nam và NVIDIA - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, cùng nhiều hãng công nghệ đang tìm kiếm vị trí và nhân sự cho các hoạt động đầu tư tại Việt Nam… dự báo năm 2025 sẽ ghi nhận lượng vốn đầu tư FDI tiếp tục tăng mạnh.
Chưa kể các đợt cắt giảm lãi suất của Fed được cho là sẽ tạo điều kiện phù hợp cho NHNN trong hoạt động để tái tích lũy nguồn dự trữ ngoại hối và có thêm dư địa để hạ lãi suất điều hành.
Kèm với đó theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất siêu đến ngày 14/12 đạt 23,4 tỷ USD, cả năm dự kiến đạt trên 23,5 tỷ USD. Hoạt động xuất nhập khẩu khá tích cực với kim ngạch cả năm dự kiến sẽ xác lập kỷ lục mới. Đây là cơ sở để nền kinh tế tích lũy được lượng ngoại hối làm giá đỡ chống chọi với các biến số của tỷ giá.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định thị trường ngoại hối có thể ghi nhận những yếu tố tích cực. Trong đó, xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, dòng tiền vẫn tìm đến các quốc gia đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô như Việt Nam. Đồng thời, kiều hối tiếp tục là điểm sáng của dòng vốn ngoại tệ trong năm 2025 khi liên tục duy trì trên ngưỡng 13 tỷ USD trong 3 năm trở lại đây. Đi kèm với đó, cán cân thương mại đạt sẽ tiếp tục dự báo thặng dư lớn trong bối cảnh các nền kinh tế lớn phục hồi.
Đặc biệt, trước áp lực tỷ giá, nhà quản lý có thể thực hiện những chính sách điều hành mạnh mẽ hơn nhằm hướng tới mục tiêu ổn định thị trường ngoại tệ, cũng như chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trong thời gian tới. VCBS dự báo VND giảm giá tương đối so với đồng USD với mức biến động hợp lý khoảng 3% cho cả năm 2025.
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược Thị trường tại VPBankS Research nhận định, tỷ giá năm 2025 có thể biến động trong biên độ 3%. Các giải pháp như phát hành tín phiếu, bán ngoại tệ can thiệp thị trường, điều hành lãi suất trên thị trường liên ngân hàng… của NHNN đã giúp tỷ giá không chịu các cú sốc lớn.
Ứng phó cách nào?
Phần lớn các quan điểm của giới chuyên gia đều dự báo trong năm 2025 tỷ giá USD/VND tiếp tục bị tác động bởi các chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cụ thể, chính sách giảm thuế cho các đối tượng thu nhập cao của ông Trump dự kiến sẽ làm gia tăng thâm hụt ngân sách của Mỹ, điều này có thể dẫn đến việc Chính phủ Mỹ phải phát hành trái phiếu với lãi suất cao để ổn định tài chính.
Hệ quả là lạm phát có thể gia tăng, buộc Fed phải điều chỉnh chính sách tiền tệ, chuyển từ trạng thái nới lỏng sang thắt chặt, tăng lãi suất trở lại. Khi lãi suất tại Mỹ tăng, giá trị của đồng USD sẽ mạnh lên.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tỷ giá VND/USD có khả năng tăng sẽ tác động đáng kể đến chính sách tiền tệ của NHNN. Nếu tỷ giá tăng cao, áp lực lạm phát tại Việt Nam cũng sẽ gia tăng. Trước tình hình đó, NHNN cần xoay trục chính sách tiền tệ bao gồm việc tăng lãi suất, cùng với các chính sách khác để giảm áp lực và kiểm soát lạm phát. Sự xoay trục này có thể là một bước đi cần thiết để ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh biến động toàn cầu.
Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng UOB dự báo tỷ giá USD/VND có thể đạt mức cao kỷ lục 26.200 vào quý III/2025. Cụ thể, tỷ giá USD/VND được kỳ vọng sẽ ở mức 25.800 trong quý I, tăng lên 26.000 vào quý II, đạt đỉnh 26.200 vào quý III và giảm nhẹ về mức 26.000 vào quý IV/2025.
Nhìn lại năm 2024 cũng cho thấy tỷ giá trải qua 1 năm đầy biến động. Tỷ giá nổi sóng lần đầu tiên vào tháng 4/2024 và kéo dài sang tháng 5. Có lúc tỷ giá USD và VND tăng tới 5% nhưng dần hạ nhiệt khi Fed giảm lãi suất 0,5% vào tháng 9/2024. Bước sang quý III/2024, tỷ giá USD lại tăng dần trở lại theo đà tăng của giá USD trên thế giới, buộc NHNN phải bán ngoại tệ can thiệp thị trường.
So với đầu năm 2024, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm 1,9% lên mức 24.320 đồng/USD. Tỷ giá trên thị trường chính thức tăng khoảng 4,8%, đồng thời, tỷ giá trên thị trường tự do tăng 4,3%. Như vậy, biến động tỷ giá vẫn nằm trong biên độ cho phép của NHNN.
Tính chung cả năm 2024, NHNN bán ra khoảng 9,4 tỷ USD. Ước tính dự trữ ngoại hối cuối năm 2024 khoảng 80 tỷ USD, tương đương 2,5 tháng nhập khẩu, thấp hơn mức được ghi nhận là 3,3 tháng nhập khẩu vào cuối năm 2023. Ngoài việc bán ngoại tệ để kiểm soát đà mất giá của tiền đồng, NHNN cũng tiến hành can thiệp trên thị trường mở thông qua việc kiểm soát hành lang lãi suất.
Tính chung cả năm 2024, quy mô điều tiết thanh khoản trên thị trường mở của NHNN tương đối nhỏ, hút ròng khoảng 28 nghìn tỷ đồng, so với quy mô bơm ròng khoảng 66 nghìn tỷ đồng trong năm 2023.
Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực nhận định: Về vấn đề tỷ giá, câu hỏi đặt ra là có đáng lo ngại hay không? Từ đầu năm 2024 đến gần cuối năm chỉ số đồng USD đã tăng khoảng 4,8%, với nguyên nhân do Mỹ cho rằng ông Donald Trump thắng cử chức Tổng thống Mỹ và hứa hẹn nhiều chính sách để kích cầu đầu tư, tiêu dùng quay trở lại Mỹ.
Khi ông Trump được dự báo làm Tổng thống, thị trường lo ngại lạm phát tăng thì Mỹ sẽ trì hoãn tăng lãi suất, chênh lệch lãi suất USD và VNĐ tạo sức ép lớn. Trong tháng 10-11 năm 2024, VNĐ đã mất giá khá nhiều so với USD và chỉ bắt đầu chững lại vào giai đoạn cuối năm. Dự báo cả năm 2024 VNĐ sẽ mất giá từ 3,5-4%, và năm 2025 sẽ giảm nhẹ, khoảng 2,5-3%. Lộ trình cắt giảm lãi suất sẽ tiếp tục giúp tỉ giá bớt áp lực.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nam-2025-ty-gia-bien-dong-theo-huong-nao-10297840.html