Năm 2025 xây dựng dự toán ngân sách phù hợp tốc độ tăng trưởng
Tại cuộc làm việc với các địa phương về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị các địa phương phải bao quát các nguồn thu, nhiệm vụ chi; dự báo tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để lập dự toán sát, đúng với thực tiễn 'tiên liệu nguồn thu ngân sách tương ứng, phù hợp mục tiêu tăng trưởng của địa phương và cả nước'.
Dự toán chính xác các nguồn thu ngân sách
Tại hội nghị, ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính thông tin những nội dung đáng chú ý liên quan đến công tác xây dựng dự toán NSNN được Bộ Tài chính quy định tại Thông tư số 49/2024/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2025 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2025 - 2027.
Theo đó, các địa phương thực hiện đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn, các quy định của pháp luật về thu ngân sách, các văn bản chỉ đạo, điều hành NSNN của cấp có thẩm quyền. Trên cơ sở đó, đánh giá đầy đủ mọi khoản thu thuế, phí, lệ phí, các khoản thu khác của NSNN.
Theo ông Nguyễn Minh Tân, về xây dựng dự toán thu NSNN năm 2025, Bộ Tài chính đặt mục tiêu phấn đấu, thu nội địa năm 2025 tăng tối thiểu khoảng 5 - 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu phấn đấu tăng bình quân từ 4 - 6% so với ước thực hiện năm 2024.
Bộ Tài chính lưu ý, các bộ, cơ quan trung ương quản lý ngành, lĩnh vực khi xây dựng dự toán cần tính tới việc rà soát lồng ghép, bãi bỏ các chế độ, chính sách (nhất là các chính sách an sinh xã hội) chồng chéo, trùng lặp, kém hiệu quả.
Chỉ đề xuất ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi cân đối được nguồn thực hiện; dự kiến đầy đủ nhu cầu NSNN theo phân cấp thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Bố trí dự toán để thu hồi các khoản ứng trước chi NSNN đến hạn thu hồi trong năm theo quy định tại Điều 50 Luật NSNN và Luật Đầu tư công. Đặc biệt, không bố trí dự toán chỉ cho các chính sách, chế độ chưa ban hành.
Các địa phương vượt khó, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán
Dự tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng, bà Nguyễn Bích Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 4,54%. Tổng thu NSNN ước đạt 1.288 tỷ đồng, dự kiến năm 2024 tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 1.944 tỷ đồng, vượt khoảng 106% dự toán.
Tuy nhiên, tỉnh Cao Bằng vẫn còn khó khăn, hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng GRDP dù cải thiện nhưng chưa bền vững; thị trường bất động sản còn trầm lắng. Nền kinh tế tỉnh phát triển chưa mạnh nên nguồn thu chưa bền vững. Dự án chiếm tỷ trọng vốn lớn trong tổng vốn đầu tư từ Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư đang giải phóng mặt bằng nên tỷ lệ giải ngân thấp.
Theo ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, thời gian qua, nhờ sự phối hợp của Bộ Tài chính, TP. Hà Nội đã tập trung cải cách hành chính, thực hiện Đề án 06, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đến thời điểm này, thu NSNN là điểm sáng, cùng với công tác cải cách hành chính được Chính phủ đánh giá cao.
Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, ông La Phúc Thành - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh cho biết, trên cơ sở hướng dẫn theo Thông tư số 49/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính, địa phương đang tổng hợp, chỉ đạo hướng dẫn các sở, ngành thực hiện. Về thu NSNN 6 tháng đầu năm, Thừa Thiên Huế đạt khá so với dự toán, thu từ thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đạt cao. Tỉnh phấn đấu sẽ thu đạt và vượt dự toán được giao theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Từ điểm cầu tỉnh Kiên Giang, ông Trần Minh Khoa - Giám đốc Sở Tài chính thông tin, nhờ chủ động trong điều hành từ đầu năm đến nay, thu NSNN ước đạt 8.325 tỷ đồng, bằng 66,5% so với dự toán, thu nội địa đạt 66% dự toán. Chi cân đối NSNN 7 tháng trên địa bàn đạt gần 50% dự toán, chi đầu tư phát triển đạt 43% dự toán. Xác định năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ 2021 - 2025, tỉnh Kiên Giang tiếp tục điều hành theo đúng quy định, đồng thời linh hoạt, thực hiện nhất quán mục tiêu bảo đảm cân đối ngân sách các cấp, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.
Đối với thực hiện dự toán NSNN cuối năm 2024 và năm 2025, dự báo tình hình doanh nghiệp còn khó khăn, đại diện các địa phương cho biết sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, mở rộng cơ sở thu thuế theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Tài chính để mở ra nguồn lực mới, như đẩy mạnh tăng thu từ nền tảng số, kinh doanh thương mại điện tử... Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thu thuế, góp phần tăng thu về cho NSNN.
Xây dựng dự toán ngân sách các giai đoạn tới
Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2025 - 2027 có 1 năm thực hiện thuộc kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và 2 năm 2026 - 2027 thuộc kế hoạch 5 năm giai đoạn 2026 - 2030. Theo đó, việc xây dựng dự toán năm 2025 thực hiện theo quy định tại Thông tư số 49/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính và mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; đối với 2 năm 2026 - 2027 được giả định tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách của thời kỳ ổn định 2022 - 2025 và các cơ chế, chính sách mới nếu đã xác định được dự kiến phát sinh.