Năm 2030, ĐBSCL sẽ trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững
Theo Quy hoạch, đến năm 2030 ĐBSCL sẽ trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới.
Chiều 4-3, tin từ Cổng thông tin Chính phủ cho hay Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của Quy hoạch nhằm cụ thể về phát triển kinh tế, tiếp tục phát huy thế mạnh về kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững và ứng dụng công nghệ cao.
Mặt khác, phát triển hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó, chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Theo Quy hoạch, đến năm 2030, sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000 km đường Quốc lộ, bốn cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
Quy hoạch cũng đề ra phương hướng phát triển nông nghiệp là chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích ứng với thay đổi về điều kiện tự nhiên theo ba tiểu vùng sinh thái.
Đó là vùng sinh thái ngọt ở thượng nguồn và trung tâm của đồng bằng, gồm TP Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, một phần của các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An.
Vùng sinh thái mặn - lợ ở ven biển, gồm một phần lãnh thổ của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An.
Vùng chuyển tiếp ngọt - lợ ở giữa đồng bằng, gồm một phần lãnh thổ của các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Long An.
Các sản phẩm chiến lược cũng theo ba trọng tâm là: thủy sản, trái cây và lúa gạo theo hướng tăng tỉ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỉ trọng lúa gạo. Phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Về công nghiệp, vùng ĐBSCL sẽ phát triển theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, trong đó chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Đầu tư chiều sâu, hướng vào xuất khẩu đối với các nhóm ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với vùng nguyên liệu, các sản phẩm hóa chất và cơ khí phục vụ nông nghiệp.
Đến năm 2030, không phát triển thêm nhiệt điện than ngoài các nhà máy nhiệt điện than đang trong quá trình xây dựng ở Duyên Hải II (Trà Vinh), Long Phú I (Sóc Trăng), Sông Hậu I (Hậu Giang).
Về du lịch, ĐBSCL sẽ trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch sinh thái và du lịch biển trên cơ sở phát triển sản phẩm và xúc tiến chung cho thương hiệu. Trong đó, phát triển TP Cần Thơ và TP Phú Quốc (Kiên Giang) trở thành hai trung tâm du lịch quốc tế, là cửa ngõ đón khách của toàn vùng.
Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch gồm: toàn bộ ranh giới hành chính của TP Cần Thơ và 12 tỉnh là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau; vùng biển ven bờ của các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang.
Quy hoạch nhằm phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, các hành lang kinh tế và các đô thị động lực tập trung các dịch vụ và công nghiệp đa dạng với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu...