Năm 2034, sẽ có 1,5 triệu nam giới Việt Nam có nguy cơ 'ế' vợ
Theo thông tin được Tổng cục Thống kê cho biết số liệu điều tra cho thấy, Việt Nam đang ngày càng mất cân bằng giới tính.
Theo đó, nếu tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái. TSGTKS ở Việt Nam cao hơn mức sinh học tự nhiên (104-106 trai/100 bé gái) cho thấy có khoảng 45.900 trẻ em gái bị thiếu hụt năm 2019. Số lượng trẻ em gái thiếu hụt chiếm 6,2% số lượng trẻ em gái sinh ra.
Nếu tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) vẫn giữ nguyên như hiện nay, năm 2039, dự báo Việt Nam sẽ có 1,5 triệu nam giới từ 15-49 tuổi dư thừa và tăng lên con số 2,5 triệu người vào năm 2034.
Theo phương án trung bình, dự báo dân số Việt Nam năm 2029 là 104,5 triệu người, năm 2039 là 110,8 triệu người và đến năm 2069 là 116,9 triệu người.
Trong 5 năm đầu của thời kỳ dự báo, 2019-2024, tỷ lệ tăng dân số hàng năm của nước ta là 0,93%. Trong tương lai, dự báo tỷ lệ tăng dân số sẽ tiếp tục giảm và đạt trạng thái “dừng” vào cuối thời kỳ dự báo, giai đoạn 2064-2069.
Tỷ số giới tính sẽ tăng nhanh trong giai đoạn 2019-2029. Theo phương án trung bình, dự báo đến năm 2026 dân số nam bằng dân số nữ (tỷ số giới tính đạt mức 100 nam/100 nữ); đến năm 2069, tỷ số giới tính của Việt Nam là 101,4 nam/100 nữ.
Tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, theo phương án trung bình, dự báo dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ vượt 15% tổng dân số vào năm 2039. Dự báo đây là thời điểm chấm dứt thời kỳ cơ cấu dân số vàng đã xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam từ năm 2007
Kết quả nghiên cứu chuyên sâu từ số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, mức sinh của Việt Nam hiện nay duy trì quanh mức sinh thay thế sẽ tác động làm giảm tốc độ tăng dân số trong tương lai. Theo đó, dự báo tốc độ tăng dân số trong vòng 10 năm tới sẽ thấp hơn 1%/năm.
Với thực trạng về mức sinh, cơ cấu dân số cũng như TSGTKS cao như hiện nay, cơ cấu dân số trong lai sẽ có sự thay đổi theo hướng dân số “già” và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi. Điều này sẽ tác động lớn đến nguồn lực lao động cũng như các vấn đề xã hội mới nảy sinh.
Ngoài ra, xu hướng di cư và tác động của di cư đến đô thị hóa và phát triển kinh tế – xã hội cũng sẽ là những vấn đề nổi lên trong thời gian tới.