Nắm bắt cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế, song thực tế với tỉnh Quảng Trị việc thu hút doanh nghiệp FDI còn gặp nhiều khó khăn. Nhìn chung, tốc độ phát triển doanh nghiệp FDI trong những năm qua không tăng nhiều. So với các tỉnh, thành trong nước, Quảng Trị vẫn là địa phương nằm trong nhóm ít thu hút được các dự án FDI cả về số lượng và vốn đăng ký. Vì thế, cần nắm bắt các cơ hội, chuẩn bị tốt các điều kiện để tăng sức hấp dẫn hơn nữa đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 19 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2.536 triệu USD, trong đó có 15 dự án hoạt động với tổng vốn đăng ký đầu tư 106,145 triệu USD; 4 dự án đang triển khai xây dựng với tổng vốn đăng ký 2.429,94 triệu USD.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, so với cùng kỳ năm 2022: trong quý II/2023, doanh thu của các dự án FDI toàn tỉnh đạt 25,04 triệu USD, bằng 481,37%; giá trị xuất khẩu đạt 14,59 triệu USD, bằng 81,83%; giải quyết việc làm thường xuyên cho 2.105 lao động, nộp ngân sách 0,84 triệu USD, bằng 63,23%. Mặc dù tỉnh đã quan tâm bố trí nguồn lực cho các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài nhưng kết quả thu hút FDI chưa đạt kỳ vọng.

Từ năm 2022 đến nay không có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài nào được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn. Trong khi đó, hiện có một số dự án FDI đã tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động hiệu quả thấp; một số dự án đã được cấp phép nhưng tiến độ triển khai chậm như dự án Nhà máy Sản xuất dăm gỗ và chế biến lâm đặc sản Shaiyo AA, Nhà máy Sản xuất và gia công may mặc PI Vina Quảng Trị...

Thực tế hiện nay, chính sách hỗ trợ đầu tư và cơ sở hạ tầng ở Quảng Trị chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Do nguồn lực địa phương hạn chế nên các chính sách ưu đãi đầu tư nói chung của tỉnh chưa tạo được lợi thế thực sự khác biệt so với các tỉnh, thành trong khu vực để tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư.

Trong khi đó, tỉnh thiếu các công trình giao thông, hạ tầng trọng điểm như sân bay, cảng biển nước sâu, kho ngoại quan cũng là một trong những “nút thắt” ảnh hưởng đến thu hút dự án FDI.

Công tác giải phóng mặt bằng chậm, không đảm bảo tiến độ gây khó khăn trong triển khai thực hiện dự án đã được cấp phép cũng khiến nhà đầu tư ái ngại trong việc quyết định đầu tư vào địa bàn.

Ngoài ra, tỉnh thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo đánh giá tình hình, xu hướng phát triển kinh tế hiện nay có sự dịch chuyển của dòng vốn quốc tế, nhất là việc một số nhà đầu tư rút khỏi thị trường Trung Quốc và chuyển dịch nhà máy sang thị trường các nước Đông Nam Á. Trong xu thế này, Việt Nam được đánh giá là một địa chỉ tiềm năng để thu hút làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư FDI.

Vì thế, cần nắm bắt cơ hội, tích cực phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để định hướng thu hút đầu tư, nắm bắt nhu cầu của các nhà đầu tư, nhất là thị trường, xu hướng đầu tư phát triển của các tổ chức kinh tế, các đầu tàu kinh tế trong, ngoài nước.

Tích cực tham gia các hội nghị, tọa đàm về nghiên cứu, đánh giá dòng chảy nguồn vốn quốc tế, xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu, xu hướng phát triển mới của nền kinh tế thế giới do các bộ, ngành trung ương tổ chức, từ đó tìm kiếm cơ hội, kết nối kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược.

Định hướng của tỉnh là tập trung kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược đến từ các thị trường Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Italia, Thái Lan...

Vì thế ngành chức năng, chính quyền địa phương cần bám sát mục tiêu, định hướng ngành, lĩnh vực mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định để kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ các tập đoàn có chuỗi sản xuất, các đối tác có công nghệ cao đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, nhất là Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, đánh giá các dự án FDI đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh để có hướng xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, đồng thời đề xuất tỉnh phương án xử lý đối với dự án hoạt động kém hiệu quả, dự án có tác động xấu đến môi trường hoặc hoạt động không đúng với mục tiêu, tiến độ và nội dung được phê duyệt.

Tăng cường các hoạt động trao đổi thông tin, đối thoại giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư nước ngoài để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp, thúc đẩy nhà đầu tư mở rộng các dự án đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Đổi mới và nâng cao chất lượng các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền về xúc tiến đầu tư nước ngoài. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và thế mạnh đầu tư của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, website, fanpage, facebook, youtube... Đẩy nhanh tiến độ xây dựng sổ tay hướng dẫn thủ tục đầu tư vào Quảng Trị. Tiếp tục cập nhật thông tin cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư, xây dựng phần mềm để tra cứu về dữ liệu xúc tiến đầu tư.

Triển khai và tổ chức có hiệu quả các chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đặc biệt sớm có những cải cách hợp lý để thích ứng đối với thuế tối thiểu toàn cầu.

Có chính sách và biện pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ, cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch. Huy động các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế La Lay nhằm chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài khi có cơ hội.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/dien-dan/nam-bat-co-hoi-de-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai/179972.htm