Nắm bắt cơ hội phát triển chăn nuôi bền vững

Từ đầu năm 2024 đến nay, ngành chăn nuôi có bước phục hồi tích cực sau những khó khăn từ sau đại dịch Covid-19. Đặc biệt, thời gian gần đây, các sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm đều tăng lên ở mức cao, người chăn nuôi bắt đầu có lợi nhuận tốt.

Chế biến thịt gà xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản tại một doanh nghiệp ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: Bình Nguyên

Chế biến thịt gà xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản tại một doanh nghiệp ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: Bình Nguyên

Sự tăng trưởng và phát triển trên có sự đóng góp quan trọng của Đông Nam Bộ, vùng trọng điểm chăn nuôi của cả nước, nhất là trong phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đây cũng là vùng đứng đầu cả nước trong xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB), cũng như xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, hướng đến sự phát triển bền vững.

* Ngành chăn nuôi khởi sắc

Thông tin từ Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), về giá cả các mặt hàng chăn nuôi đầu năm 2024, ở 3 miền trong cả nước, giá thịt heo hơi xuất chuồng tăng nhanh so với thời điểm cuối năm 2023. Tính bình quân tháng 1-2024, giá đạt 53 ngàn đồng/kg. Trong tháng 2, giá tăng khoảng 3-4 ngàn đồng/kg và tiếp tục tăng trong tháng 3. Hiện giá heo hơi dao động từ 59-67 ngàn đồng/kg tùy từng tỉnh, thành. So sánh giá thịt heo hơi trung bình quý I trong 3 năm trở lại đây cho thấy, giá trung bình quý I-2024 cao hơn khoảng 5 ngàn đồng/kg (tăng 9,7% so với quý I-2023). Với giá bán như hiện tại, nhìn chung người chăn nuôi đang có lợi nhuận tốt.

Giá các sản phẩm gia cầm khác như gà công nghiệp, gà lông màu cũng tăng cao. Cụ thể, giá gà lông màu nuôi công nghiệp trung bình từ 46-50 ngàn đồng/kg. Tính bình quân cả nước, trong quý I-2024, giá gà lông màu cao hơn 11 ngàn đồng/kg, tăng 30,8% so với trung bình quý I-2023. Đối với gà lông trắng xuất chuồng, từ đầu năm đến nay, giá tăng từ mức 23 lên 33 ngàn đồng/kg. Tính bình quân cả nước, trong quý I-2024, giá gà lông trắng cao hơn từ 2-3 ngàn đồng/kg so với trung bình quý I của năm 2022 và năm 2023.

Vùng Đông Nam Bộ còn có lợi thế là khu vực trọng điểm thu hút đầu tư chế biến các sản phẩm chăn nuôi cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu với quy mô lớn, đạt chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính như: Nhật Bản, châu Âu…

Hoạt động chăn nuôi cũng thuận lợi hơn khi giá sản phẩm chăn nuôi tăng lên và ổn định ở mức tốt, trong khi giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi đang dần hạ. Nhận định chung trong thời gian tới, nguồn cung nguyên liệu ổn định và giá giảm nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước sẽ tiếp tục theo xu hướng giảm, tuy nhiên khó quay trở lại mức giá thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Đồng Nai là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước với tổng đàn heo, gà lớn. Tính đến hết quý I-2024, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đạt gần 2,1 triệu con, tổng đàn gà gần 26 triệu con. Sau đại dịch Covid-19, ngành chăn nuôi gặp khó khăn do giá sản phẩm chăn nuôi thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi và các nguyên liệu đầu vào khác đều tăng, khiến tổng đàn chăn nuôi giảm sút. Trong đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm đàn, thậm chí ngưng chăn nuôi. Tuy nhiên, các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi heo vẫn nỗ lực duy trì tổng đàn, thực hiện việc tiết kiệm trong mọi chi phí đầu vào chứ không giảm sản xuất, đồng thời chăm chút hơn cho chất lượng sản phẩm. Do vậy, sản lượng heo xuất chuồng vẫn tăng khá so với cùng kỳ những năm trước.

Với mức giá các sản phẩm chăn nuôi hiện nay, người chăn nuôi đã yên tâm sản xuất.

Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho biết, hiện giá các sản phẩm chăn nuôi đã tăng về mức người chăn nuôi có lợi nhuận. Mức giá này đang cao hơn hẳn so với giá vào thời điểm Tết Nguyên đán 2024, là thời điểm người chăn nuôi kỳ vọng bán được sản phẩm với giá cao. Điều này cho thấy cán cân cung - cầu của thị trường chăn nuôi đã cân bằng hơn và đây cũng là nguyên nhân khiến giá nhiều sản phẩm chăn nuôi có giá tốt.

* Chú trọng phát triển bền vững

Không chỉ thị trường tiêu thụ trong nước thuận lợi cho ngành chăn nuôi, thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi cũng có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Cục Chăn nuôi, quý I-2024, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 113 triệu USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, việc nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi có giảm so với cùng kỳ mọi năm. Cụ thể, trong quý I-2024, kim ngạch nhập khẩu khoảng 702 triệu USD, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Trang trại nuôi bò quy mô công nghiệp lớn tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên

Trang trại nuôi bò quy mô công nghiệp lớn tại huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Nguyên

Để phát triển ngành chăn nuôi bền vững hơn, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi trong thời gian tới. Cuối năm 2023, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết “Bản ghi nhớ các yêu cầu đối với vùng ATDB lở mồm long móng có sử dụng vắc xin”. Điều này được kỳ vọng là “đòn bẩy” giúp các sản phẩm về thịt của Việt Nam có mặt ở thị trường tỷ dân này.

Theo đó, ngành chăn nuôi trong nước đang chuyển dịch theo hướng giảm chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sang phát triển chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn, đảm bảo ATDB. Phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết khép kín, đáp ứng tốt tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu là một trong những giải pháp cốt lõi để phát triển bền vững.

Tuy nhiên, để sản phẩm chăn nuôi đạt chuẩn xuất khẩu, Việt Nam phải xây dựng được những vùng chăn nuôi ATDB đáp ứng theo chuẩn quốc tế. Đông Nam Bộ hiện đứng đầu cả nước trong xây dựng các vùng ATDB. Trong 6 tỉnh, thành trên cả nước có vùng ATDB đối với một số bệnh trên gia cầm cấp quận/huyện, Đông Nam Bộ chiếm tới 5 tỉnh gồm: Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa -Vũng Tàu, Đồng Nai và Tây Ninh. Đặc biệt, Thành phố Hồ Chí Minh được công nhận là vùng ATDB cấp tỉnh/thành phố.

Để phát triển chăn nuôi bền vững, thời gian qua, ngành chăn nuôi vùng Đông Nam Bộ đang từng bước đẩy mạnh chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp. Các địa phương trong vùng, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước lấy chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi theo chuỗi khép kín, chăn nuôi hữu cơ để nhân rộng, phát triển bền vững ngành chăn nuôi.

Đồng Nai cũng thuộc tốp đầu trong xây dựng vùng ATDB của cả nước. Hiện toàn tỉnh có 5 huyện được công nhận vùng ATDB, 11 xã được chứng nhận ATDB với bệnh cúm gia cầm và Newcastle, 657 trang trại chăn nuôi được chứng nhận ATDB. Ngành chăn nuôi Đồng Nai tiếp tục phát triển theo hướng trang trại công nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn sinh học theo chuỗi khép kín. Đây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh nhân rộng vùng, cơ sở ATDB đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang cho biết, thời gian tới, Đồng Nai sẽ tập trung xây dựng chuỗi chăn nuôi gia cầm xuất khẩu gắn với hình thành các vùng chăn nuôi ATDB theo chuẩn quốc tế. Trong đó có một thuận rất lớn là một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành chăn nuôi đã đầu tư chuỗi liên kết khép kín với quy mô lớn, liên kết nhiều tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ, tạo lợi thế cạnh tranh phát triển ngành chăn nuôi hiện đại cho cả vùng.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202406/nam-bat-co-hoi-phat-trien-chan-nuoi-ben-vung-ec21e5e/