Nắm bắt cơ hội từ EVFTA: 'Thông thị trường nhưng phải thoáng thể chế'
Đó là nhận định của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc tại buổi đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) do Bộ Công Thương tổ chức sáng 1/7, tại Hà Nội.
Ngày hôm qua (30/6), lễ ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) đã diễn ra. Đây là Hiệp định được đánh giá là tốt nhất mà Việt Nam đạt được từ trước tới nay, đáp ứng cả hai yêu cầu: tự do cao nhất và công bằng nhất.
Bên cạnh những cơ hội, thuận lợi mà EVFTA mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam, người dân Việt Nam... ,buổi đối thoại về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay còn thảo luận về những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt khi Hiệp định đi vào thực thi.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, chủ thể chính trong Hiệp định là doanh nghiệp. Các chính phủ, người dân hậu thuẫn cho doanh nghiệp. Từ đó để thấy thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của người lao động. Doanh nghiệp làm ăn thành công sẽ tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.
Dù vậy, để đáp ứng thị trường thì doanh nghiệp cũng phải nâng cấp về công nghệ, về quản trị...
"EVFTA sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam phải lớn hơn, phải quốc tế hóa doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Chừng nào chưa quôc tế hóa DNNVV thì Hiệp định sẽ thất bại", ông Vũ Tiến Lộc nói.
Về cạnh tranh, Chủ tịch VCCI cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh của hàng hóa EU và thế giới ngay trước cửa nhà mình. Tuy nhiên, ông cho rằng không quá nghiêm trọng vì ông tin vào nội lực của các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam từng mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản.. rồi nên với EU không quá quan ngại. Với một số sản phẩm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp thì Hiệp định EVFTA cũng đã có lộ trình để bắt nhịp. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cũng có rất nhiều sản phẩm không cạnh tranh trực tiếp với EU, đó là lợi thế.
Về xuất xứ, chi phí tuân thủ, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, đây là một trong những thách thức, khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Một trong những nội dung quan trọng mà ông Vũ Tiến Lộc đề cập tới, đó là thể chế. Theo đó, thị trường đã mở ra thì thể chế phải thoáng thì mới tạo điều kiện được cho doanh nghiệp.
"Thị trường mở ra mà cơ chế vẫn trói buộc thì doanh nghiệp vẫn chết. Thông về thủ tục nhưng vẫn phải thoáng về thể chế, nếu không thì doanh nghiệp vẫn như bị trói", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Bên cạnh những thách thức nêu trên, ông Vũ Tiến Lộc cũng đề cập đến vấn đề về nguồn nhân lực. Ông dẫn chứng một khảo sát mới đây của VCCI cho thấy 70-80% doanh nghiệp FDI ở Việt Nam đi tìm giám đốc điều hành nhưng không tìm được, điều đó cho thấy nguồn nhân lực có đáp ứng được các yêu cầu về quản trị doanh nghiệp là rất thấp. Do đó, yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực là rất quan trọng và cấp bách.