Nắm bắt quy định để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) được coi là cơ hội để nông sản Việt liên kết sâu rộng vào thị trường lớn, có giá bán cao.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đòi hỏi doanh nghiệp thay đổi để tăng trưởng xuất khẩu cũng như đáp ứng quy định về tiêu chuẩn chất lượng với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam chế biến thủy sản xuất khẩu sang Anh. Ảnh: TTXVN

Doanh nghiệp Việt Nam chế biến thủy sản xuất khẩu sang Anh. Ảnh: TTXVN

EU với 27 nước thành viên, dân số hơn 500 triệu người và có nhu cầu nhập khẩu lượng lớn đối với hàng rau quả nhưng lượng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm gần 0,1% tổng lượng hàng rau quả nhập khẩu của thị trường này. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam đẩy mạnh sang thị trường EU trong thời gian tới.

Thế nhưng, thị trường EU đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc và các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm nên doanh nghiệp cần phải tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Đặc biệt, với Hiệp định EVFTA, các chủng loại hàng rau quả của Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập sâu hơn khi với mức cam kết thuế quan được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Điều này sẽ tạo lợi thế cho các chủng loại hàng rau quả của Việt Nam trong việc cạnh tranh với các thị trường có thế mạnh về hàng rau quả nhưng chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia và Indonesia.

Đơn cử với mặt hàng dứa xuất khẩu, theo bà Inge Ribbens, Chuyên gia Bộ phận Quốc tế, Hiệp hội Xúc tiến xuất nhập khẩu hoa quả tươi Hà Lan, đây là cửa ngõ xuất nhập khẩu quan trọng đối với nhiều mặt hàng trái cây ra, vào thị trường châu Âu.

Năm 2021, Hà Lan nhập khẩu trên 250 nghìn tấn dứa các loại và là nước có kim ngạch nhập khẩu dứa nhiều nhất trong khu vực EU. Hơn nữa, Hà Lan nhập khẩu dứa chủ yếu từ Costa Rica, Ecuador, Cote D’Ivoire và một số lượng nhỏ từ các thị trường châu Á như Thái Lan, Sri Lanka, Philippines...

Do đó, để các sản phẩm dứa của Việt Nam thâm nhập và phát triển tại thị trường Hà Lan, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm rõ và thực hành tốt các quy định chung của châu Âu về tiêu chuẩn chất lượng, chính sách kiểm dịch, quy định về an toàn thực phẩm và tính bền vững liên quan đến sản phẩm cũng như yêu cầu, quy định riêng của từng hệ thống phân phối như các vấn đề về trách nhiệm xã hội.

Cũng như nhiều quốc gia khác ở EU không trồng dứa, hàng năm Thụy Sỹ nhập khẩu khoảng 20 nghìn tấn dứa tươi, dứa đã chế biến và bảo quản (dứa hộp), nước dứa ép… Ông Nguyễn Đức Thương,Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ cho hay, Thụy Sỹ hiện đã nhập khẩu một số sản phẩm dứa từ Việt Nam nhưng số lượng và kim ngạch còn rất thấp. Các sản phẩm dứa của Việt Nam chủ yếu được bán tại các cửa hàng của người châu Á, người Việt, chưa được phân phối qua các kênh siêu thị lớn và mức tăng trưởng nhập khẩu hàng năm vào Thụy Sỹ không ổn định.

Nhìn chung, thị trường các sản phẩm dứa ở Thụy Sỹ có dung lượng nhỏ, nhu cầu đã bão hòa, mức độ cạnh tranh cao. Tuy nhiên, vẫn có một số cơ hội thị trường ngách cho các sản phẩm dứa đóng hộp, nước dứa ép của Việt Nam.

Đối với dứa tươi, để thâm nhập được thị trường Thụy Sỹ, doanh nghiệp Việt Nam cần hợp tác với nhà nhập khẩu Thụy Sỹ ngay từ khâu gieo trồng, tránh cạnh tranh trực tiếp với các nhà nhập khẩu khác trong cùng kênh, khi có đơn hàng cần đảm bảo ổn định về chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Còn theo ông Bùi Vương Anh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Đức, doanh nghiệp cần quan tâm chất lượng sản phẩm, đặc biệt lưu tâm tìm cách giảm các chi phí vận tải logistics đối với sản phẩm để tăng tính khả thi đối với việc cung cấp các sản phẩm dứa cho thị trường Đức. Đặc biệt, doanh nghiệp có thể tận dụng những ưu đãi thuế của EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm dứa sang thị trường này.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần nắm rõ thị hiếu của người tiêu dùng, ưu tiên xuất khẩu sản phẩm organic, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép…

Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển vừa cho biết, EU vừa sửa đổi Quy định 396/2005 về giá trị giới hạn thuốc trừ sâu trên/trong một số thực phẩm sẽ tiếp tục được áp dụng cho các sản phẩm được sản xuất trong EU hoặc nhập khẩu vào khu vực này trước ngày 22 tháng 2 năm 2023.

Bởi vậy, Thương vụ cũng lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm như trái cây tươi và đông lạnh, các loại hạt, rau tươi và đông lạnh, dầu và trái cây có dầu, ngũ cốc, trà, cà phê, thảo dược, sản phẩm có nguồn gốc động vật… vào Bắc Âu.

Cụ thể, ngày 1 tháng 8 năm 2022, Ủy ban châu Âu đã ban hành Quy định số (EU) 2022/1346 và 2022/1343 sửa đổi Phụ lục II và III của Quy định (EC) 396/2005 liên quan đến mức dư lượng tối đa đối với 1,4-dimethylnaphthalene, 8-hydroxyquinoline, pinoxaden và valifenalate trên và trong một số sản phẩm nhất định; và mức dư lượng tối đa của acequinocyl, chlorantraniliprole và emamectin trên và trong một số sản phẩm nhất định.

Nhận định từ các chuyên gia, châu Âu là một trong những thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam, nhờ Hiệp định EVFTA, nông sản Việt Nam đã ngày càng có sức cạnh tranh tại thị trường này. Kim ngạch thương mại nông, lâm, thủy sản hai chiều Việt Nam - EU 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2,66 tỷ USD. Tuy nhiên, các rào cản dựng lên với nông sản cũng không ít nên doanh nghiệp cần theo dõi sát những thay đổi của thị trường để thực hiện./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nam-bat-quy-dinh-de-day-manh-xuat-khau-sang-thi-truong-eu/256844.html