Nắm bắt xu hướng để thu hút độc giả trẻ đến với sách
Mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, TikTok Shop... trở thành kênh bán hàng được nhiều công ty sách đẩy mạnh vì khả năng dễ thu hút, tiếp cận được với đối tượng người trẻ.
Chuyển đổi số không chỉ diễn ra trong quá trình sản xuất sách của người làm xuất bản. Bên cạnh sách điện tử, sách nói, sách tinh gọn… những cuốn sách giấy truyền thống hiện nay cũng có một cuộc sống riêng trên mạng Internet.
Dễ nhận thấy, thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, đang thay đổi nhanh chóng trong những năm vừa qua, từ sự xuất hiện của các sản thương mại điện tử, cho đến mạng xã hội kết hợp tính năng bán hàng như TikTok Shop. Trước tình hình ảm đạm của nền kinh tế, việc nắm bắt được những xu hướng mới một cách nhanh nhạy và hợp lý có thể mở ra một cơ hội tiềm năng cho các nhà xuất bản và phát hành sách.
Người trẻ đọc sách nhiều hơn khi được tiếp cận đúng cách
Mua sắm trực tuyến đang được nhiều người trẻ yêu thích bởi nhiều tính năng tiện lợi, chiết khấu cao... Thị trường sách cũng không ngoại lệ. Trên thực tế, nhiều người vẫn giữ thói quen đến nhà sách để tham khảo nội dung, đánh giá chất lượng sách, nhưng chọn cách mua online vì nhiều chương trình khuyến mãi hơn.
Đây cũng là cơ hội để các đơn vị xuất bản và phát hành nhận ra tiềm năng của kênh bán hàng online. Bà Đào Phương Thu, Trưởng phòng Truyền thông Nhã Nam, cho biết, để kích cầu độc giả, các công ty đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử cung cấp sản phẩm cho người mua với mức giá tốt. Đại diện công ty Nhã Nam cho biết vào thời điểm đỉnh dịch Covid-19, hội sách online đã mang lại doanh thu gấp đôi so với hội sách truyền thống của đơn vị này.
Tuy phải đưa mức chiết khấu cao để cạnh tranh và quảng bá hình ảnh, bà Đào Phương Thu lý giải rằng các đơn vị phát hành sách phải chấp nhận chịu lỗ với một số đầu sách và sau đó sử dụng doanh thu ở mảng khác bù vào.
“Để triển khai một chương trình sale, sàn thương mại điện tử chịu lỗ 8-9 thì đơn vị mình cũng bỏ ra 5-6. Hỗ trợ nhau để làm vì số lượng mua online thường rất lớn, nên mình lấy số lượng bù cho chất lượng, tức là vẫn có lãi ở một số mảng, lãi không nhiều nhưng nếu nhân số lượng lớn thì sẽ là một con số ổn”, bà Đào Phương Thu chia sẻ.
Chia sẻ với Tri thức Trực tuyến, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Chủ tịch HĐQT Sài Gòn Books - cho biết thêm các mạng xã hội đang được người trẻ ưa chuộng như TikTok cũng là một kênh bán hàng tiềm năng. Tham gia TikTok Shop từ đầu năm nay, chỉ trong vòng 6 tháng, ông đã có thể thấy được doanh số tăng trưởng bất ngờ.
“Gần đây có một thực tế là những cách truyền thông truyền thống đang dần mất hiệu quả. Ngược lại, trên những nền tảng mạng xã hội mà người trẻ dùng nhiều như TikTok, doanh số tăng lên rất nhanh. Điều đó nói lên rằng không hẳn là người trẻ lười đọc sách, mà thông tin có về sách không nhiều. Nếu như các nhà sách biết cách truyền thông đúng, tôi tin là người đọc sẽ rất hoan nghênh”, ông nói.
Từ giới thiệu sách hay đến thói quen đọc sách
Là một người có kinh nghiệm làm sách lâu năm hướng tới độc giả trẻ, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh cho rằng nhu cầu và thị hiếu của đối tượng ngày nay rất đa dạng, song vẫn có một số chủ đề đang được người trẻ ngày nay quan tâm.
Chẳng hạn, ông đánh giá dòng sách liên quan đến văn hóa giải trí như truyện tranh, tiểu thuyết, ngôn tình vẫn sẽ tiếp tục bùng nổ, đáp ứng nhu cầu giải trí cho giới trẻ.
Bên cạnh đó, ông cũng nhận thấy người trẻ ngày nay có rất nhiều vấn đề trăn trở, những vấn đề tâm lý hoặc tác động từ bên ngoài khiến họ muốn tìm đến những cuốn sách để cân bằng như dòng sách tinh thần. Một dòng sách khác cũng được đông đảo độc giả trẻ quan tâm là sách kỹ năng, những cuốn sách truyền cảm hứng kể về những tấm gương thành công, vượt khó…
“Số lượng người trẻ rất đông. Hơn nữa, đó cũng là đối tượng cần được tác động, là những người sẽ thay đổi tương lai của đất nước này. Còn người trẻ có lười đọc hay không, thì phải thừa nhận là theo một thống kê gần đây trong học sinh, sinh viên thì có hơn 50% đối tượng được nghiên cứu không đánh giá cao tầm quan trọng của sách.
Tuy nhiên, nếu quan sát trên thị trường sẽ thấy người trẻ ngày càng quan tâm đến sách thể hiện qua số lượng sách bán ra trên thị trường. Tôi tin rằng sự tăng trưởng đó đến từ người trẻ, người trẻ đọc sách ngày càng nhiều. Và nếu đầu tư đúng vào nhu cầu của các bạn trẻ, chắc chắn cuốn sách sẽ bán chạy”, ông chia sẻ.
Để tiếp cận được với đối tượng độc giả trẻ trên các mạng xã hội phổ biến, ông Tuấn Quỳnh cho rằng trước hết cần có những cuốn sách có giá trị, được viết bởi tác giả uy tín, nổi tiếng. Tiếp đến, công ty sách có thể tìm đến những KOL có đối tượng khán giả phù hợp. Và điều cuối cùng, quan trọng nhất chính là có những điểm chạm về mặt cảm xúc với người xem.
“Đôi khi người ta mua cuốn sách chỉ vì đọc được đôi ba dòng trích dẫn từ cuốn sách chạm vào cảm xúc, chạm vào đúng nỗi đau của họ”, ông giải thích.
Bên cạnh những tăng trưởng ấn tượng về doanh số, sự tương tác sôi nổi của bạn đọc trên các trang mạng xã hội, đích đến của sách vẫn là những giá trị thực mà nó mang lại cho người đọc.
Những cuốn sách được mua vì độ “nổi tiếng” trên mạng xã hội, vì khuyến mãi nhiều… góp phần vào một thực tế hiện nay rằng nhiều người mua sách về nhưng không có động lực đọc, không giúp họ duy trì được thói quen đọc. Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh cho rằng vấn đề nằm ở chỗ cuốn sách có chạm vào đúng nỗi đau, đáp ứng đúng nhu cầu của người đọc hay không.
Ông cũng cho rằng các đơn vị xuất bản, công ty sách và Hội Xuất bản Việt Nam có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển hiệu quả và nâng cao chất lượng của ngành xuất bản bằng các chương trình đánh giá sách hay, danh mục sách tham khảo…
“Các công ty sách và Hội Xuất bản đang làm rất tốt việc đưa ra danh mục những cuốn sách hay nên đọc theo từng nhóm đối tượng, hoặc những giải thưởng sách. Đây là những cách có thể giúp cho bạn đọc tìm đúng những cuốn sách cần đọc, có một danh mục để dựa vào hoặc có những đánh giá để độc giả yên tâm về chất lượng sách”, ông nói thêm.