Nắm bắt, xử lý kịp thời phát sinh, bảo đảm an ninh nông thôn

Thời gian gần đây, tình hình an ninh, trật tự (ANTT) tại khu vực nông thôn diễn biến phức tạp gây bất ổn cho xã hội. Tình trạng mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; tội phạm trộm cắp, tội phạm sử dụng ma túy, cờ bạc, mâu thuẫn, xô xát, bạo lực… có chiều hướng gia tăng ở một số khu vực nông thôn.

Chỉ trong khoảng 2 tháng trở lại đây, địa bàn nông thôn đã phát sinh những mâu thuẫn không được kịp thời hòa giải, nắm bắt, xử lý đã trở thành những vụ án gây hậu quả nghiêm trọng. Cuối tháng 8 vừa qua, trên địa bàn xã Ngọc Lương (Yên Thủy) xảy ra vụ cãi cọ, xô xát trong lúc ăn cơm, ông N. đã lấy dao đâm nhiều nhát vào anh T. khiến nạn nhân tử vong. Cũng thời gian cuối tháng 8, tạixã Phong Phú (Tân Lạc), do mẫu thuẫn gia đình được xác định liên quan đến đất đai, B.V.P. đã cầm dao truy sát gia đình vợ; hậu quả mẹ vợ tử vong trên đường đi cấp cứu, bố vợ và chị vợ nghi phạm trọng thương, con trai thương tích nhẹ. Sau khi gây án, nghi phạmbỏ trốn lên khu vực đồi núi gần đó, hiện lực lượng chức năng đang tìm kiếm hung thủ. Vào trung tuần tháng 8, trên địa bàn thôn Chợ Đập, xã An Bình (Lạc Thủy) xảy ra xô xát giữa hai nhóm thanh nhiên, nguyên nhân do mượn điếu cày, hậu quả1 thanh niên tử vong trên đường đi cấp cứu.

Bên cạnh những vụ việc đáng tiếc xảy ra, trên địa bàn nông thôn đang trong quá trình thu hút đầu tư, đô thị hóa mạnh mẽ, tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT, phát sinh các loại tội phạm về môi trường, tín dụng đen, trộm cắp, cướp tài sản… gây bất ổn xã hội.

Nguyên nhân của thực tế trên được xác định do quá trình phát triển, thực hiện thu hút đầu tư, công nghiệp hóa, khai thác tài nguyên, khoáng sản, thực hiện các chính sách thu hồi đất. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa liên quan đến công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Bên cạnh đó là do công tác quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực ở nông thôn còn hạn chế; một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, quan tâm đúng mức lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm ANTT.

Bảo đảm an ninh nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phải được xác định là vừa cấp bách, vừa lâu dài nhằm bảo đảm môi trường an toàn, thuận lợi cho phát triển KT-XH. Công tác bảo đảm ANTT ở nông thôn là nền tảng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách, quy định công tác bảo đảm ANTT, bảo đảm lợi ích chính đáng của người dân, giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa "tăng trưởng và ổn định”, gắn kết giữa "phát huy dân chủ và tăng cường kỷ cương”. Đặc biệt thực hiện tốt phương châm "Chủ động phòng ngừa, phát hiện từ sớm, ngăn chặn từ xa, xử lý kịp thời các nguy cơ ngay từ cơ sở”. Hệ thống chính trị ở cơ sở; cán bộ, đảng viên luôn sâu sát cơ sở, vận động, tuyên truyền Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nắm bắt và giải quyết kịp thời nguy cơ tiềm ẩn phát sinh gây mất ANTT nông thôn; góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/169974/nam-bat,-xu-ly-kip-thoi-phat-sinh,-bao-dam-an-ninh-nong-thon.htm